Hiện thực hóa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh

.

Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” (từ ngày 3-6 đến 10-8), bên cạnh các hoạt động ra quân dọn vệ sinh môi trường, nạo vét cống rãnh để bảo đảm thoát nước, thu gom rác tài nguyên nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn..., các đơn vị và người dân thành phố còn trồng nhiều cây xanh. Hoạt động này nhằm hiện thực hóa đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Quận ủy và UBND quận Liên Chiểu trồng cây xanh trong khuôn viên Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn,  quận Liên Chiểu.(Ảnh chụp ngày 5-6-2021)Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Quận ủy và UBND quận Liên Chiểu trồng cây xanh trong khuôn viên Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. (Ảnh chụp ngày 5-6-2021). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ngày 12-6, dù trời mưa nhưng các cán bộ Hội Nông dân thành phố phối hợp Hội Nông dân xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) ra quân trồng gần 100 cây hoa giấy dọc tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường”. Ông Lê Quang Sơn (người dân thôn Đại la, xã Hòa Sơn) phấn khởi nói: “Người dân rất vui vì được Hội Nông dân thành phố hỗ trợ, trồng cây, tạo vẻ đẹp cho tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Chúng tôi sẽ tưới nước, chăm sóc, giữ gìn cây và cũng sẽ trồng thêm các loại cây hoa, cây bóng mát để tạo cảnh quan môi trường trên tuyến đường này”.

Còn ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng ban Xây dựng hội, Hội Nông dân thành phố thông tin: “Nhằm cụ thể hóa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm (2021-2025) của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm 2021 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã phát động trồng hơn 5.500 cây xanh và hoa các loại trên địa bàn thành phố, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hội Nông dân thành phố đang chỉ đạo các cấp hội tiếp tục vận động nông dân tổ chức nhiều đợt trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh để hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường”.

Trước đó, cũng tại thôn Đại La, Hội Cựu chiến binh xã Hòa Sơn và Đoàn Thanh niên xã cũng trồng 150 cây cảnh, hoa trang trí, làm đẹp khu vực Bia Chiến tích đèo Đại La; Hội Cựu chiến binh huyện Hòa Vang phối hợp UBND xã Hòa Sơn trồng 100 cây lim xanh, 10 cây tùng, 5 cây bàng trong khuôn viên Bia Chiến tích Trung đoàn 96 (thôn Đại La); Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp Đại học Đà Nẵng trồng 1.000 cây lát hoa, phượng tím tại khu vực đồi núi của thôn...

Ông Phan Việt Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Vinagamma cho biết, trong năm 2021 sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trồng 2.000 cây lát hoa, sao đen... nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc tại thôn Đại La. Từ nay đến năm 2025, đơn vị dự kiến xây dựng vườm ươm cây xanh ngay tại thôn Đại La để cung cấp cây giống cho các đơn vị, địa phương trồng rừng, phủ xanh các đồi núi trọc...

Những ngày qua, hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường”, các chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên thanh niên... và người dân ở các thôn, xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đã tích cực ra quân thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp” kết hợp trồng, chăm sóc cây xanh, hoa dọc theo các tuyến đường, điểm công cộng... Đặc biệt, 55 chi hội phụ nữ của huyện đã ra quân dọn vệ sinh môi trường kết hợp chăm sóc tuyến đường hoa, cây xanh, chăm sóc vườn chuối lấy lá gói thực phẩm thay thế túi nilon, hộp xốp...

Trong khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cẩm Lệ cải tạo hơn 1.000m2 đất hai bên các tuyến đường để trồng 11 tuyến đường hoa và 1 vườn dạo nhỏ. Hội Liên hiệp Phụ nữ 5 phường trên địa bàn quận cũng ra quân trồng 5 tuyến hoa dọc hai bên các tuyến đường: Nguyễn Như Đãi, Hoàng Ngân, Lê Trọng Tấn, Hoàng Tăng Bí, Phạm Tứ. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cẩm Lệ Ngô Thị Thùy Trang thông tin: “Quận Hội đã phát động mô hình xây dựng tuyến đường hoa với những cách làm riêng, phù hợp với từng địa phương để nhân rộng ra nhiều tuyến đường”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ các cây giống được ươm tạo, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã xuất cho các địa phương, đơn vị gần 10.000 cây chò đen, lim xanh, lát hoa, sao đen để phục vụ trồng cây trên địa bàn thành phố. Đây là những giống cây bản địa có chất lượng cao, phù hợp với việc trồng ở đô thị, khu công nghiệp, dọc các tuyến đường giao thông cũng như trồng rừng. Ngoài ra, đơn vị vừa tiến hành trồng rừng thay thế tại tiểu khu 8 thuộc xã Hòa Bắc với gần 85.000 cây lát hoa trên diện tích 54,42ha; trồng 24ha cây chò đen tại tiểu khu 44 thuộc xã Hòa Ninh..., góp phần nâng cao độ che phủ rừng, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho rằng, “Tháng hành động vì môi trường” là dịp để thành phố kêu gọi mọi người dân, du khách, các tổ chức, cá nhân và những ai yêu mến Đà Nẵng cùng chung tay bảo vệ môi trường và xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương phát động, vận động hội viên, nhân dân tích cực tham gia trồng cây xanh đô thị, phục hồi rừng và phát triển thảm thực vật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tổ chức các giải pháp cấp bách trong quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ động vật hoang dã...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2020, thành phố đã trồng khoảng 13.250 cây phân tán và 200.000 cây bản địa. Để thực hiện sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố sẽ trồng với số lượng cây lớn hơn bình quân đầu người của cả nước (10 cây/người). Bên cạnh đó, đơn vị tập trung thực hiện trồng rừng thay thế; tham mưu thành phố thực hiện tốt chính sách trồng rừng gỗ lớn; đề xuất phương án thực hiện thu hồi diện tích rừng trồng kinh tế trong rừng đặc dụng đã giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý nhằm trồng, phát triển rừng bền vững, nâng cao độ che phủ của rừng.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.