Phát triển quận Hải Châu thành đô thị phức hợp hiện đại và giàu bản sắc

.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định quận Hải Châu là khu vực trung tâm phát triển của Đà Nẵng; là địa bàn trọng điểm về phát triển đô thị, kinh tế, văn hóa…

Quận Hải Châu đang tập trung công tác tái thiết đô thị để nâng tầm phát triển.  Trong ảnh: Một góc quận Hải Châu nhìn từ bờ Tây sông Hàn.Ảnh: TRIỆU TÙNG
Quận Hải Châu đang tập trung công tác tái thiết đô thị để nâng tầm phát triển. TRONG ẢNH: Một góc quận Hải Châu nhìn từ bờ Tây sông Hàn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Thiết kế đô thị trung tâm hiện đại

Xác định vai trò và vị thế của mình, quận Hải Châu đang nỗ lực tập trung triển khai, hoàn chỉnh các bước quy hoạch đô thị tiếp theo như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; triển khai các đề án phát triển quận theo mô hình đô thị nén hiện đại, kiểu mẫu; đề án xây dựng đô thị khu vực trung tâm theo hướng văn minh - xanh- bền vững.

Theo đó, quận Hải Châu tập trung thực hiện một số đồ án quy hoạch và thiết kế kiến trúc như: quy hoạch cảnh quan bờ tây sông Hàn; quy hoạch đầu tư xây dựng dự án cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi và công viên 2 đầu cầu... Phần thiết kế đô thị được đề xuất ưu tiên tập trung vào nhiệm vụ tái thiết khu dân cư.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, qua nghiên cứu các khu vực có khả năng thực hiện tái thiết đô thị trên địa bàn quận Hải Châu, UBND quận đã đề xuất nghiên cứu 4 vị trí trình UBND thành phố xem xét, quyết định bổ sung vào đề án “Tái thiết đô thị trên địa bàn thành phố”. Theo đó, khu vực phường Bình Hiên có ranh giới khu vực nghiên cứu là K2 Trưng Nữ Vương - 2 Tháng 9 - K46 đường 2 Tháng 9 - Trưng Nữ Vương có diện tích khoảng 3,2ha, dự kiến tổng kinh phí khoảng 350 tỷ đồng. Khu vực các phường Thanh Bình và Thuận Phước có ranh giới khu vực nghiên cứu là tuyến đường Thanh Thủy - 3 Tháng 2 - Đống Đa - Ông Ích Khiêm, tái thiết lại hệ thống giao thông của khu vực có diện tích khoảng 60ha, dự kiến tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tiếp đó, khu vực phường Hòa Thuận Đông - Nam Dương - Bình Hiên - Bình Thuận có ranh giới khu vực nghiên cứu là tuyến đường Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hoàng - Nguyễn Tri Phương - Trưng Nữ Vương có diện tích khoảng 50ha, dự kiến tổng kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng. Khu vực đối diện chợ Mới (phường Hòa Thuận) có ranh giới khu vực nghiên cứu là tuyến đường Hoàng Diệu - Duy Tân - Núi Thành - Trưng Nữ Vương có diện tích khoảng 12ha, dự kiến tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện nay, quận Hải Châu đã và đang triển khai dự án điển hình tái thiết đô thị đối với khu vực Nại Hiên B- phường Bình Hiên để rút kinh nghiệm cho các khu vực còn lại.

Quận Hải Châu cũng đề xuất thực hiện tái thiết hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Các dự án tái thiết hạ tầng kỹ thuật cụ thể như các tuyến đường ven sông: nghiên cứu các tuyến hầm đi bộ qua đường dành cho người dân và du khách; khuyến khích không gian đi bộ kết nối các công trình phát triển ngầm, nhằm bảo vệ các tuyến hành lang chính cho người đi bộ; mở rộng các tuyến đường có mặt cắt lòng đường dưới 4m, cải tạo, đầu tư, nâng cấp kiệt, hẻm. Quy hoạch giao thông tĩnh với việc xây dựng thêm các bãi đỗ xe với các loại ngầm, nổi, thông minh nhằm phục vụ nhu cầu đậu đỗ xe cho người dân. Địa phương cải tạo cảnh quan, cây xanh như đầu tư xây dựng mới công viên, vườn dạo, các thiết chế văn hóa cho người dân.

Quận cũng định hướng lựa chọn một số địa điểm để xác định cải tạo đô thị như tổ chức tuyến phố đi bộ vào trung tâm quận Hải Châu. Cụ thể, tuyến đường Thái Phiên bắt đầu từ nút giao với Nguyễn Chí Thanh đến nút giao Trần Phú, có chiều dài 300m; tuyến đường Yên Bái bắt đầu từ nút giao với Lê Hồng Phong đến nút giao Trần Quốc Toản có chiều dài 250m. Đồng thời xác lập các tuyến vành đai gồm 4 tuyến đường: Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Toản, Trần Phú có chiều dài tổng cộng 1.650m, ngoài ra còn có tuyến đường dẫn Yên Bái đoạn Trần Quốc Toản đến Hùng Vương; tuyến Trần Quốc Toản từ Trần Phú ra Bạch Đằng; tuyến Thái Phiên từ Trần Phú ra Bạch Đằng; tuyến Lê Hồng Phong đoạn giao Lê Hồng Phong - Yên Bái ra Bạch Đằng.

Quận Hải Châu được định hướng, tái phát triển hình thành đô thị nén, khai thác hiệu quả các dịch vụ và cơ sở hạ tầng; đồng thời tạo ra một trung tâm thành phố có giao thông thuận lợi, thân thiện và đáng sống cho người dân và du khách, phát triển bền vững, phù hợp với tầm nhìn Đà Nẵng. Hầu hết các khu vực đô thị hiện tại có mật độ dân số thấp sẽ được tái phát triển thành đô thị nén có mật độ dân số cao tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Khu vực trung tâm đô thị được phát triển theo định hướng trung chuyển giao thông (Transit Oriented Development- TOD). Quận tăng cường việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất khu vực trung tâm thành phố...

Điểm nhấn đô thị qua những dự án trọng tâm, trọng điểm

Quận Hải Châu là điểm nhấn cho đô thị Đà Nẵng hiện đại và giàu bản sắc. Theo đó, một số dự án chiến lược được khởi động mà Quảng trường trung tâm là trọng điểm. Quảng trường trung tâm được định hướng là không gian công cộng phục vụ người dân Đà Nẵng. Đây là khu vực có diện tích khoảng 9ha, nằm trong khu cảnh quan độc đáo, sát mặt sông Hàn, Trung tâm Hành chính thành phố và Thành Điện Hải. Sau khi hoàn thành dự án này, Quảng trường trung tâm sẽ trở thành không gian công cộng biểu tượng cho người dân và tầm nhìn đô thị bản sắc của Đà Nẵng. Dự án tiếp giáp các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú, Quang Trung và Lý Tự Trọng. Để triển khai dự án, sẽ có một tuyến đường ngầm đoạn tại đường Trần Phú (đoạn Quang Trung - Lý Tự Trọng) và bãi đỗ xe ngầm sẽ thay thế cho bãi đỗ xe ngoài trời hiện tại.

Bên cạnh đó, các tòa nhà xung quanh như tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố được khuyến khích chuyển đổi thành các công năng phù hợp để tích hợp tốt hơn với Quảng trường trung tâm. Quảng trường trung tâm được đặc trưng bởi các công trình kiến trúc đại diện cho sự phát triển hiện đại và cấp tiến gắn liền với bề dày lịch sử và văn hóa của Đà Nẵng. Các công trình kiến trúc điểm nhấn tại khu vực còn có Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính thành phố, khách sạn Novotel, Trung tâm Triển lãm quy hoạch kiến trúc thành phố (bến du thuyền cũ); hầm đậu xe; đường ngầm, cảng sông Hàn.

Một dự án khác là phát triển khu Bảo tàng sống sẽ trở thành một điểm đến du lịch độc đáo cho phép du khách trải nghiệm phong cách sống trong quá khứ và hiện tại của người dân địa phương... Khu Bảo tàng sống này bao gồm những địa điểm đặc trưng như đình làng, chợ truyền thống…kết nối với quảng trường, công viên, nhà thờ, nhà hát.

Theo Bí thư Quận ủy Hải Châu Vũ Quang Hùng, quận Hải Châu là khu vực trung tâm của thành phố nên cần được quan tâm đầu tư đi liền với quyết tâm sáng tạo, đổi mới thật sự để đáp ứng sự phát triển nhanh, bền vững, xanh - văn minh - hiện đại và nhất là đáp ứng sự mong muốn của người dân. Đây là không chỉ là thách thức cho việc tái cấu trúc đô thị hiện nay và trong thời gian tới của chính quyền các cấp mà còn là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy Đảng, của tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong việc đồng lòng, đồng sức xây dựng quận Hải Châu xứng đáng là đô thị trung tâm, đầu tàu của thành phố Đà Nẵng.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.