Cùng vượt qua khó khăn

.

Họ, những người ở các địa phương lân cận đến thành phố để mưu sinh, học tập. Thế rồi dịch bệnh ập đến, họ bị kẹt lại ở thành phố với vô vàn khó khăn. Nhưng cũng chính trong lúc khó khăn ấy, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp, họ nương tựa vào nhau với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Lao động bị ảnh hưởng Covid-19 đi “Siêu thị 0 đồng” do Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chi nhánh Đà Nẵng phối hợp Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức. Ảnh: T.V
Lao động bị ảnh hưởng Covid-19 đi “Siêu thị 0 đồng” do Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chi nhánh Đà Nẵng phối hợp Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức. Ảnh: T.V

Chúng tôi gặp chị Phan Thị Tịnh, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi tạm trú tổ 23, phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) nhân lúc chị cùng 4 người bạn đến Thành Đoàn để đi “Siêu thị 0 đồng”. Phiên chợ do Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chi nhánh Đà Nẵng phối hợp Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức.

Chị Tịnh chia sẻ, chị lượm ve chai mỗi tháng thu nhập 3-4 triệu đồng. Chồng làm công nhân cơ khí, mỗi tháng 8-9 triệu đồng, vì vậy cuộc sống gia đình 4 người không đến nỗi nào. Nhưng dịch ập đến, chồng mất việc, thu nhập của chị chỉ còn 50.000-60.000 đồng/ngày. Khi dịch bùng phát đến nay, chị Tịnh có 4-5 lần nhận quà hỗ trợ của phường. Hôm nay nghe tin Thành Đoàn mở “Siêu thị 0 đồng”, chị rủ bạn mình đến thử xem sao.

May mắn cho cả 5 chị là dù không nhận được phiếu đi siêu thị miễn phí nhưng sau khi nghe trình bày, Ban tổ chức quyết định tặng các chị 5 phiếu đi chợ. Chia sẻ về việc làm này, bà Lâm Trang Thủy Tiên, Giám đốc bán lẻ Vùng khu vực miền Trung của PNJ cho biết: “Kinh nghiệm nhiều lần tổ chức, ngoài số hàng hóa tương ứng với số phiếu được phát ra, chúng tôi luôn dự phòng vài chục suất dành cho trường hợp phát sinh. Như hôm nay, không chỉ 1 trường hợp phát sinh mà có đến 5 trường hợp. Nhưng không sao, chúng tôi vui khi được giúp đỡ các chị trong lúc khó khăn”.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đẩy nhiều người vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt lao động phổ thông từ các địa phương đến thành phố mưu sinh. Từng là chủ quán cơm bình dân ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) với thu nhập ổn định, nhưng Covid-19 bùng phát khiến bà Trần Thị Phòng (quê Núi Thành, Quảng Nam) buôn bán ế ẩm. Bà phải bỏ quán ra Đà Nẵng bán vé số.

Bà tâm sự: “Tôi mới ra Đà Nẵng được 2 tháng nay, lại gặp lúc dịch bệnh phức tạp nên mỗi ngày dù cố lắm cũng chỉ kiếm được 50.000-70.000 đồng. May mắn là chủ khu nhà trọ của tôi ở tổ 40 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ chỉ lấy tiền trọ 300.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó tôi nhận được suất quà của các nhà từ thiện nên cũng đủ sống, để tiền bán vé số gửi về quê cho cả nhà”. Kể về cơ duyên có phiếu đi “Siêu thị 0 đồng”, bà xúc động: “Tôi tạm trú, không có thông tin gì cả. Chủ nhà trọ và tổ trưởng tổ dân phố đã đăng ký danh sách cho tôi. Trong lúc hoạn nạn thế này thật là quý”.

Không riêng người lao động phổ thông mà cả sinh viên, sau những lúng túng ban đầu, họ cùng nhau chia sẻ mọi việc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Kể về câu chuyện ở khu nhà trọ tại tổ 20, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), em Lê Thành Trung, sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng lạc quan: “Chúng em thường xuyên nhận được hỗ trợ lương thực và thực phẩm từ chính quyền và các nhà từ thiện. Chúng em tự nguyện chia sẻ công việc làm cho nhau để ai cũng có việc, có thu nhập”.

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố cho biết, từ khi Covid-19 xuất hiện đến tháng 6-2021, Đà Nẵng hỗ trợ và tổ chức cho 1.207 người đến từ 12 tỉnh đang tạm trú ở thành phố có nguyện vọng được trở về địa phương. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngàn phần quà hỗ trợ của chính quyền địa phương, hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dành cho người dân thành phố, người lao động tạm trú và sinh viên.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, đến nay có thể khẳng định rằng, dịch bệnh kéo dài và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội nhưng không có ai bị đứt bữa, tất cả đều nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc kịp thời của chính quyền các cấp và cộng đồng. Bên cạnh đó, có tín hiệu vui khi chính bản thân người lao động ngoại tỉnh, sinh viên các trường đang tạm trú trên địa bàn cũng biết san sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn chứ không hoàn toàn bị động dựa vào chính quyền hay các mạnh thường quân.

Sự quan tâm chăm sóc của chính quyền địa phương, tinh thần tương thân tương ái “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của người dân đã giúp thành phố bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.