Tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cùng với doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ), các cấp Công đoàn thành phố nỗ lực chăm lo đời sống ĐV, NLĐ.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố (thứ 4, từ trái sang) trao trợ cấp khó khăn cho người lao động tại một hoạt động do Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂN |
Bảo đảm sức khỏe người lao động thực hiện “3 tại chỗ”
Thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 20-8, đã có 432 ca F0 là ĐV, NLĐ ở 152 đơn vị với 4.102 NLĐ là F1, 20.117 NLĐ là F2 phải thực hiện cách ly trên toàn thành phố. Với mục tiêu duy trì chuỗi cung ứng cho khách hàng, thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa chăm lo đời sống ĐV, NLĐ nên việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho ĐV, NLĐ tại doanh nghiệp là vấn đề được các cấp Công đoàn chú trọng triển khai.
Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) là một trong 50 doanh nghiệp đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ” trên địa bàn thành phố hiện nay. Để ĐV, NLĐ cảm thấy yên tâm, thoải mái khi thực hiện “3 tại chỗ”, Ban lãnh đạo và Công đoàn công ty đã chuẩn bị chu đáo từ bữa ăn đến nhu cầu thể thao, giải trí phù hợp. Ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi trang bị những vật dụng cần thiết như màn, đệm rồi sắp xếp chỗ ngủ cho công nhân. Bên cạnh đó, công ty bố trí phòng tắm, lắp vòi hoa sen, wifi, phòng giặt, khu phơi quần áo thuận tiện cho NLĐ”.
Được biết, ngoài việc được miễn phí 3 bữa ăn trong ngày bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, NLĐ Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng tham gia “3 tại chỗ” còn được công ty hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày. Công đoàn công ty cũng bố trí hai sân cầu lông, lắp đặt thêm các máy tập thể dục phục vụ nhu cầu của NLĐ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 100% công nhân 3 ngày 1 lần nhằm làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Đánh giá cao nỗ lực bảo đảm an toàn sức khỏe đoàn viên mà Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng đang thực hiện, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng nhận xét: Đây là một trong những mô hình “3 tại chỗ” tiêu biểu của các công ty trong khu công nghiệp. Công ty đã rất quan tâm, chăm sóc NLĐ trong khu lưu trú, tạo điều kiện tốt nhất để họ được bảo đảm về sức khỏe, thoải mái về tinh thần. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Công đoàn cũng như công ty.
Cùng với doanh nghiệp, các cấp Công đoàn thành phố cũng động viên, chia sẻ bằng việc trao hỗ trợ các nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu cho ĐV, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp theo phương án “3 tại chỗ” để vừa phòng dịch, vừa ổn định sản xuất trong suốt thời gian qua với kinh phí gần 700 triệu đồng; phối hợp tặng gần 1.000 bánh mỳ, 100 tấn rau củ, quả cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.
Xây dựng kênh liên lạc để hỗ trợ người lao động
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, LĐLĐ thành phố đã triển khai chi hỗ trợ khẩn cấp cho ĐV, NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27-4-2021. Theo đó, các cấp Công đoàn đã kịp thời chi hơn 12 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ các đối tượng là F0, F1, F2; các trường hợp nữ mang thai, NLĐ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, phải thuê nhà… bị ảnh hưởng Covid-19; trao hỗ trợ, chăm lo thực phẩm cho ĐV, NLĐ tại khu phong tỏa, khu cách ly, các tổ công nhân tự quản gặp khó khăn, các điểm chốt kiểm soát phòng, chống dịch, chăm lo, hỗ trợ cho hậu phương của lực lượng bác sĩ, cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch có hoàn cảnh khó khăn… Ngoài ra, từ các nguồn vận động khác đã tổ chức trao 3 tấn gạo, 7 tấn rau, củ, quả cho ĐV, NLĐ trên địa bàn quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.
Khi thành phố thực hiện các biện pháp quyết liệt về công tác phòng, chống dịch, các cấp Công đoàn thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về NLĐ khó khăn thông qua việc công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo LĐLĐ thành phố và cán bộ Công đoàn các cấp. Đồng thời xây dựng các kênh thông tin xuyên suốt từ các chủ nhà trọ đến tổ công nhân tự quản, Công đoàn cơ sở đến LĐLĐ thành phố để bất cứ khi nào NLĐ khó khăn liên hệ đều có được sự hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là những NLĐ đang thuê trọ sống trong các khu cách ly, phong tỏa.
Chị Đặng Kim Như, công nhân sống tại tòa nhà E1, khu Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) là một trong những trường hợp nhận được phần quà hỗ trợ của Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng dịp này. Hơn 2 tháng qua, chị Như bị mất việc, mọi chi phí của gia đình đều phụ thuộc vào tiền lương công nhân của chồng.
“Nhận được những sự giúp đỡ trong lúc khó khăn như thế này, tôi thật sự rất cảm động. Công đoàn hỗ trợ cho mình như những người thân trong gia đình”, chị Như chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Thảo Nhi, công nhân Công ty TNHH Matrix Việt Nam, sinh hoạt tại Tổ công nhân tự quản số 21, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) xúc động: “Cảm ơn tổ chức Công đoàn đã luôn hỗ trợ NLĐ những lúc khó khăn. Việc cung cấp số điện thoại để chúng tôi liên lạc khi cần giúp đỡ khiến chúng tôi thấy mình không đơn độc”.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp Công đoàn thành phố đã nỗ lực tiếp cận để chăm lo cho ĐV, NLĐ thông qua các kênh thông tin xuyên suốt từ cơ sở. Hàng trăm ĐV, NLĐ đã được kết nối, hỗ trợ. “Chúng tôi luôn giữ liên lạc với tất cả những đầu mối đã được xây dựng. Bất cứ khi nào NLĐ cần sự hỗ trợ, chúng tôi đều cố gắng giúp đỡ, chia sẻ kịp thời, gửi các phần quà động viên mọi người vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Duy Minh nói.
NGỌC CHÂN