Đà Nẵng nghĩa tình

.

Công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, bảo đảm an sinh xã hội được thành phố thực hiện chu đáo. Điều này được thể hiện qua hai năm Covid-19 bùng phát, các cấp chính quyền thành phố nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống trong lúc dịch bệnh hoành hành. 

Chăm lo chu đáo gia đình người có công              

Gia đình bà Trần Thị Khơm (gần 80 tuổi), trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thuộc diện gia đình có công cách mạng. Sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc Cơ tu, cuộc sống gia đình bà Khơm tương đối khó khăn. Căn nhà xây do thành phố hỗ trợ cách đây hơn 10 năm đã xuống cấp, hư hỏng nhưng gia đình không có tiền sửa chữa. Trước thực trạng trên, UBND xã Hòa Bắc đề xuất các cấp, ngành chức năng thành phố hỗ trợ nguồn kinh phí 50 triệu đồng để bà Khơm sửa chữa nhà và hoàn thành trong tháng 7 vừa qua.

Ở căn nhà được sửa chữa mới còn thơm mùi vôi, anh Nguyễn Văn Dũng (con trai bà Khơm) phấn khởi nói: “Trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, được sống trong căn  nhà mới, gia đình tôi vui lắm. Mẹ tôi đã cao tuổi, nay có ngôi nhà khang trang, sạch đẹp như vậy, phận làm con tôi thấy biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền thành phố”.

Đó là một trong rất nhiều trường hợp gia đình chính sách, người có công được thành phố hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà mới trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương bình và Xã hội (LĐ-TB&XH), hằng năm, thành phố chi cho công tác người có công hơn 100 tỷ đồng, trong đó hơn 60 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ đặc thù (hơn 50.000 lượt người có công và thân nhân được thụ hưởng các chính sách). Trong đó, đặc biệt quan tâm đến người có công đau ốm thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo, hộ người có công nghèo không còn sức lao động được trợ cấp khó khăn hằng tháng và đột xuất.

Trong giai đoạn 2018-2020, có 223 gia đình người có công được hỗ trợ tiền sử dụng đất với tổng kinh phí 7,454 tỷ đồng và 4.117 gia đình người có công được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở với tổng kinh phí 134,53 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mức hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà của thành phố cao hơn so với quy định của Trung ương. Theo quy định của Trung ương, mức sửa nhà gia đình người có công là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, thành phố hỗ trợ thêm những gia đình khó khăn, nhà ở hư hỏng nặng 10 triệu đồng và mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, cao hơn Trung ương quy định 20 triệu đồng/nhà.

Kể từ năm 2019, dù Trung ương không còn hỗ trợ kinh phí để sửa nhà, ngân sách thành phố vẫn bảo đảm. Trong số 134,53 tỷ đồng dành cho việc hỗ trợ cải thiện nhà ở 3 năm qua, ngân sách thành phố là 130,07 tỷ đồng (chiếm 96,7%), Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 3,6 tỷ đồng và vận động khác 860 triệu đồng. Riêng năm 2021, trong tổng số 830 nhà được hỗ trợ, có 172 nhà được vận động từ nguồn quỹ an sinh xã hội của Ngân hàng Công thương Việt Nam là 5 tỷ đồng.

Qua 2 năm Covid-19 bùng phát (2020 và 2021), ảnh hưởng đến đời sống người dân, trong đó có đối tượng người có công, gia đình chính sách. Thành phố thực hiện kịp thời các gói chi hỗ trợ kinh phí, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đề ra kế hoạch thoát nghèo với sự tham gia của gia đình người có công, thông qua các chương trình hỗ trợ sinh kế, dạy nghề với mức kinh phí dao động 10-15 triệu đồng/hộ.

Chung sức chiến thắng dịch bệnh

Với phương châm “Không để ai bỏ lại phía sau”, trong những ngày dịch bệnh diễn ra ở Đà Nẵng, cả hệ thống chính trị khẩn trương vào cuộc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ phòng, chống Covid-19, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân yên tâm ở nhà, góp phần cùng thành phố chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua Nghị quyết số 39/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 về chế độ đặc thù trong công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trong đó, nổi bật là việc đưa ra các gói hỗ trợ nhằm giúp người dân giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Cụ thể như, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022 với số tiền hơn 87 tỷ đồng; hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho 19.741 hộ tiểu thương tại các chợ bị ảnh hưởng bởi dịch từ tháng 5 đến tháng 10 với tổng số tiền 30,13 tỷ đồng; hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly y tế tại quận Sơn Trà 40.000 đồng/khẩu/ngày; hỗ trợ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 hơn 37 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thành phố; hỗ trợ 100% tiền ăn cho đối tượng người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung; ủy thác 100 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay chương trình giải quyết việc làm. Các gói hỗ trợ được Sở LĐ-TB&XH, UBND các quận, huyện chi hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Cùng với đó, các cấp, các ngành chức năng thành phố cũng nhanh chóng kêu gọi, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm để tặng người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bảo đảm không ai thiếu đói. Anh Nguyễn Văn Quang (tạm trú tổ 65 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, trong suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, anh không thể đi làm. Về quê ở Quảng Nam sợ bị cách ly y tế, anh quyết bám trụ chờ đến ngày hết dịch. Trong suốt thời gian “ai ở đâu thì ở đó”, anh và các bạn ở trọ liên tục được ban điều hành tổ dân phố đến thăm và tặng lương thực, thực phẩm. “Cứ vài hôm, tổ trưởng tổ dân phố lại mang quà đến cho mọi người trong xóm trọ, được sự quan tâm chu đáo như vậy, chúng tôi xúc động lắm. Người Đà Nẵng sống nghĩa tình quá”, anh Quang xúc động nói.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, những năm qua, công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, bảo đảm an sinh xã hội được thành phố đặc biệt quan tâm. Nhất là trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, đời sống người dân khó khăn, cả hệ thống chính trị thành phố cùng đồng lòng vào cuộc, triển khai mạnh mẽ các chương trình an sinh xã hội, giúp người dân an tâm, cùng chung tay với thành phố triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiến tới chiến thắng dịch bệnh. 

PHƯƠNG CHI

;
;
.
.
.
.
.