"Đòn bẩy" giúp phụ nữ làm kinh tế

.

5 năm qua, chương trình “Phụ nữ phát triển kinh tế” và “Phụ nữ khởi nghiệp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Thanh Khê trở thành “đòn bẩy” giúp hàng ngàn lượt phụ nữ có việc làm, cải thiện đời sống.

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê trao giải thưởng cho các cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp chất lượng năm 2021.Ảnh: T.V
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê trao giải thưởng cho các cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp chất lượng năm 2021. Ảnh: T.V

Giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ

Là quận trung tâm thành phố, tuy nhiên đa số phụ nữ của quận Thanh Khê sống bằng nghề buôn bán nhỏ và lao động phổ thông, công việc không ổn định, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế này, công tác hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN quận.

Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê Đỗ Thị Thu Huyền chia sẻ: “Muốn thu hút phụ nữ tham gia đầy đủ những hoạt động của hội, trước hết phải giúp chị em giải quyết vấn đề kinh tế. Xuất phát từ quan điểm này, trong những năm qua, chúng tôi luôn cố gắng tranh thủ các nguồn vốn vay cho chị em, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu những mô hình làm ăn hiệu quả. Đặc biệt, chúng tôi luôn khuyến khích chị em phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động tìm kiếm mô hình làm ăn hiệu quả để triển khai chứ không thụ động chờ sự gợi ý từ cán bộ hội”.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn quận có 21 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế khá thành công, tạo việc làm cho 201 lao động nữ, với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu trong số này là cơ sở đan len Bà Du (phường Tam Thuận), tạo được 30 việc làm cho chị em.

Nói về trường hợp này, bà Ngô Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Thuận cho biết: “Đan len là nghề truyền thống nổi tiếng của gia đình bà Du, nhưng lâu nay vẫn làm theo kiểu nhỏ, lẻ, không quảng bá, mở rộng sản xuất. Khi chúng tôi gợi ý, hỗ trợ, gia đình mới đồng ý mở rộng, nhờ vậy cơ sở này giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động nữ”. Dịch vụ nấu ăn Bà Trắng (Chi hội Phụ nữ số 3, phường Hòa Khê) là một ví dụ nổi bật khác. Từ chỗ chỉ nhận nấu ăn cho người quen, vài năm qua, cơ sở này phát triển và tạo việc làm thường xuyên cho 15 phụ nữ trong chi hội. Tương tự, tổ may gia công của phường Thanh Khê Tây giúp 9 phụ nữ hoàn cảnh kinh tế khó khăn có việc làm ổn định.

Là thành viên của tổ may gia công hơn 3 năm nay, bà L.T.H chia sẻ: “Tôi vốn là giáo viên mẫu giáo nhưng phải xin nghỉ việc vì hay đau ốm vặt. Đang lúc thất nghiệp, kinh tế gặp nhiều khó khăn thì được các chị trong chi hội đến giới thiệu việc làm. Với công việc là nhận hàng về nhà may gia công và ăn theo sản phẩm, phù hợp với sức khỏe nên tôi nhận lời ngay. Nhờ vậy mà vài năm qua tôi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định”.

Thông qua chương trình “Phụ nữ phát triển kinh tế” và các hoạt động hỗ trợ giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giới thiệu việc làm..., trong giai đoạn 2016 đến 2021, có chục ngàn lượt phụ nữ được giúp đỡ, cải thiện đời sống. Đặc biệt toàn quận có 498 hộ phụ nữ nghèo và 280 hộ cận nghèo thoát nghèo.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đến năm 2017, chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp” chính thức được triển khai, nhanh chóng thu hút nhiều phụ nữ tham gia. Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê Nguyễn Thị Kim Thu ví von: “Chương trình “Phụ nữ phát triển kinh tế” dành cho những người làm ăn nhỏ, chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp” dành cho chị em có mong muốn kinh doanh, mạnh mẽ và dám chấp nhận thử thách”.

Chương trình ngày càng có thêm nhiều chị em tham gia, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi từ cấp phường đến quận và thành phố. Qua 5 năm triển khai, có gần 300 ý tưởng khởi nghiệp của các chị ra đời và tham gia thi ở các cấp. Hằng năm, các phường tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” để chọn ra những ý tưởng tốt tham gia “Ý tưởng khởi nghiệp” cấp quận, thành phố và Trung ương. Chỉ tính riêng 3 năm 2019 đến 2021, toàn quận đã có 26 ý tưởng khởi nghiệp đoạt giải các cấp, trong đó có một ý tưởng đoạt Giải triển vọng toàn quốc.

Chia sẻ thêm về chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp”, bà Đỗ Thị Thu Huyền cho biết, ban đầu chủ nhân các ý tưởng đều gặp khó khăn trước các ý kiến phản biện. Thế nhưng, qua đây cho thấy tiềm năng, bản lĩnh của phụ nữ quận, khi đã có ý tưởng họ luôn chọn lựa kỹ càng và có cơ sở. Có thể ví dụ như ý tưởng Nước rửa chén đa năng của chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, phường Chính Gián; Thảo mộc An Nhiên của Công ty TNHH SX-TM thảo mộc An Nhiên, phường Hòa An; Ly cà phê xanh của Hội LHPN phường Chính Gián... lúc mới đưa ra đều gặp khó khăn, thế nhưng khi đi thi đều đoạt giải. Điều quan trọng là các ý tưởng này đều trở thành hiện thực và đang mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Từ ý tưởng đến sản xuất, kinh doanh để thành công trong thực tế là quá trình dài và gian nan. Tuy nhiên, đây cũng là hướng đi đầy triển vọng để phụ nữ quận nuôi dưỡng ý tưởng, mạnh dạn khởi nghiệp, qua đó tạo thêm nhiều việc làm cho chị em phụ nữ nói riêng, xã hội nói chung.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích