Luật Kinh doanh bảo hiểm: Cần bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua

.

ĐNO - Sáng 29-10, phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua; phải bình đẳng, minh bạch, công khai; quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến sáng 29-10. Ảnh: TRẦN VINH
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến sáng 29-10. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đại biểu Trần Chí Cường cho biết, về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm (Điều 7), nội dung điều luật đưa ra yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm trong việc lựa chọn tổ chức bảo hiểm và việc tự bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, dự thảo chưa đề ra các nguyên tắc khác liên quan đến sự ràng buộc, kết nối giữa tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là vấn đề về thanh toán bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Do đó, đề nghị xem xét bổ sung thêm nội dung có liên quan trong nguyên tắc cơ bản như bảo đảm nguyên tắc chi trả minh bạch, rõ ràng, đầy đủ theo cam kết.

Về quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm (Điều 18), dự thảo luật đặt vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia nhưng mới chỉ quan tâm quyền lợi của bên bán.

Hợp đồng bảo hiểm còn nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên cung cấp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhưng người thụ hưởng, người mua bảo hiểm thì chưa được chú trọng đúng mức.

Trong thực tế, ở một số loại hình bảo hiểm, tình trạng người mua chỉ được cung cấp hợp đồng in sẵn mà nội dung hầu như có lợi cho bên bán bảo hiểm để thực hiện việc ký và mua bảo hiểm.

Do đó, cần quy định trong dự thảo luật bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua; phải bình đẳng, minh bạch, công khai; quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là ngân hàng thương mại.

Việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới là việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ở nước ngoài không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị nên bổ sung các khái niệm có liên quan như: bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua biên giới.

Việc nêu rõ khái niệm này sẽ giúp việc hiểu, thực hiện luật đồng bộ, thuận lợi hơn; đồng thời sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong các trường hợp có liên quan.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, việc kinh doanh bảo hiểm qua biên giới và tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam là xu thế tất yếu, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro, yếu tố phức tạp (như đầu tư chui, rửa tiền, trốn thuế…).

Do đó, cần xây dựng các quy định chặt chẽ, nhất là việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất; điều kiện để hoạt động các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới... nhằm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm tại Việt Nam, cũng như bảo đảm năng lực, tính minh bạch của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích