“Mẹ ơi, không hiểu con bị dị ứng gì mà nổi ban đỏ khắp người”, “Mẹ ơi, con mất ngủ 2 đêm nay”... Cứ mỗi lần nhận tin nhắn “Mẹ ơi” như thế, những hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) - những người tình nguyện đứng ra làm mẹ đỡ đầu cho sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng - lại vội vàng gọi điện thoại hỏi han, rồi sau đó sang ký túc xá thăm con...
Sinh viên Lita (Hồng, đứng giữa) được gia đình mẹ Trần Thị Nguyện (trú khu dân cư Chơn Tâm 2D, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) tổ chức sinh nhật. Ảnh: T.V |
Đủ kiểu bận rộn với các sinh viên Lào khi nhận làm “Người mẹ thứ hai” theo vận động của Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam, thế nhưng điều thú vị là ai cũng vui và mong muốn được chăm các con nhiều hơn. Bà Trần Thị Nguyện, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2D tâm sự: “Vợ chồng tôi nghỉ hưu, cả 3 con đã yên bề gia thất, ngôi nhà trống vắng quá. Vì vậy năm 2018, khi Hội LHPN phường vận động tham gia mô hình “Người mẹ thứ hai” là cả hai đăng ký ngay.
Đến bây giờ, chúng tôi đều cảm thấy may mắn khi cứ mỗi cuối tuần, các con lại quây quần về đây, cả nhà tràn ngập tiếng cười. Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây chúng tôi xem 3 sinh viên Lào như thành viên trong gia đình. Không chỉ vậy, thông qua các con, không biết từ bao giờ, hai gia đình ở hai đất nước Việt - Lào đã trở thành người thân của nhau. Thi thoảng vẫn gọi điện thăm hỏi như người trong một nhà”.
Cũng nhận làm mẹ đỡ đầu cho sinh viên Lào, bà Phạm Thị Phúc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 1B4 khoe, từ năm 2018 đến nay, bà nhận đỡ đầu cho 5 sinh viên Lào đang học đại học (ĐH). Từ khi có các con, bà bận rộn hơn với đủ việc không tên như đưa các con đi bệnh viện khi đau ốm, mua sắm các vật dụng thiết yếu... Tuy nhiên bù lại, cứ cuối tuần, các con tập trung về, nhà lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười, cùng mẹ đi chợ, nấu cơm, trò chuyện.
Nói về việc được mẹ Nguyện nhận làm mẹ đỡ đầu, Lita, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), vui vẻ khoe: “Ngoài tên tiếng Lào của em là Lita, em được mẹ đặt tên tiếng Việt là Hồng. Gia đình mẹ rất tốt với em. Năm 2018, khi vừa qua Việt Nam để học tiếng Việt, em gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. May mắn thời gian đó nhanh chóng trôi qua khi em được mẹ nhận làm con.
Có mẹ, em tự tin sống và học tập tại Đà Nẵng. Mẹ giúp em học tiếng, hướng dẫn em chạy xe máy, đi chợ... Khi Covid-19 bùng phát, không chỉ riêng em mà tất cả sinh viên Lào đang ở tại ký túc xá đều được các mẹ tận tình chăm sóc. Nhiều lúc chúng em có cảm giác như mình đang được sống, học tập ngay trên đất nước của mình vậy”.
Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN thành phố cùng sự hỗ trợ tích cực từ Hội LHPN quận, Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam triển khai mô hình “Người mẹ thứ hai” nhằm giúp đỡ, chăm sóc những sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng. Trong năm đầu tiên, hội tổ chức cho 11 hội viên nhận đỡ đầu, chăm sóc cho 22 sinh viên Lào. Đến nay, tổng cộng có 72 sinh viên Lào được các hội viên phụ nữ đăng ký nhận làm “Người mẹ thứ hai”.
Bà Lưu Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam cho biết: “Với phụ nữ, việc triển khai một mô hình, phong trào là điều bình thường, nhưng riêng với mô hình “Người mẹ thứ hai” này thì chúng tôi khá lo lắng, bởi lẽ đây là hoạt động mang tính quốc tế, công tác đối ngoại quan trọng của thành phố với đất nước bạn Lào. Thế nhưng, thật mừng là mô hình thành công, tất cả các sinh viên Lào được các hội viên phụ nữ nhận làm “Người mẹ thứ hai” đều có sự gắn kết, thương yêu nhau như trong một gia đình. Không chỉ dừng lại ở việc gắn kết các em với gia đình, mà thông qua đó, gia đình các hội viên phụ nữ và gia đình các sinh viên Lào cũng xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp”.
Đánh giá về mô hình “Người mẹ thứ hai” ở phường Hòa Khánh Nam, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu cho rằng, hoạt động của mô hình này đã vượt qua khuôn khổ của một hoạt động phong trào thông thường, thực sự tạo nên kênh đối ngoại của thành phố thông qua sự kết nối giữa các gia đình Việt - Lào. Tất cả các sinh viên Lào đều bày tỏ sự biết ơn và xem những người nhận đỡ đầu mình như người mẹ thực sự. Những người mẹ Việt Nam giúp các em sống, học tập và hòa nhập tốt với thành phố Đà Nẵng. Đó chính là nhịp cầu quan trọng kết nối vững chắc tình hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc.
THANH VÂN