Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ kép

.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng,­ chống dịch bệnh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố tích cực thực hiện công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB, TKCN) sát với thực tiễn; không ngừng đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát tàu, thuyền ra, vào, hoạt động trên biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Công Thành, Thành ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP thành phố về một số kết quả và kinh nghiệm của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ này. 

Đại tá Trần Công Thành (bên phải) kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng thành phố. Ảnh: BÁ VĨNH
Đại tá Trần Công Thành (bên phải) kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng thành phố. Ảnh: BÁ VĨNH

* Những vấn đề cần quan tâm về tình hình hoạt động của người, phương tiện trên vùng biển Đà Nẵng hiện nay là gì, thưa ông?

- Đà Nẵng là thành phố nằm trong vùng duyên hải Trung Bộ. Đây là vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những cơn bão hình thành trên Biển Đông đổ bộ vào Việt Nam. Thực tế, đã có nhiều cơn bão và các trận lũ, lụt lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, vùng biển Đà Nẵng nằm trên đường hàng hải quốc gia và quốc tế, thường xuyên có lưu lượng lớn tàu thuyền vận tải qua lại và tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản. Vì vậy, đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn, tông va, sự cố trên biển cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng PCLB, TKCN tại địa phương.

Ngoài nguyên nhân khách quan do sự thay đổi bất thường của thời tiết, còn có yếu tố chủ quan dẫn đến tai nạn đối với ngư dân. Đó là phương tiện của ngư dân hầu hết nhỏ và quá cũ, trang thiết bị kỹ thuật về hàng hải thiếu, ý thức chấp hành an toàn giao thông đường thủy của một số chủ phương tiện chưa tốt, thiếu thông tin để kịp thời phòng tránh khi có bão, lốc xảy ra. Tính đến tháng 9-2021 thành phố có 1.230 tàu cá (không kể 429 thúng chai lắp máy) với tổng công suất 401.781CV; công suất bình quân 326,65CV/tàu.

Ngư trường khai thác chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Vịnh Bắc Bộ. Hơn nữa, hằng ngày có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân ngoại tỉnh ra, vào hoạt động, tiêu thụ sản phẩm, trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang. Trong khi đó, âu thuyền lại chưa đủ điều kiện cho số lượng lớn tàu thuyền neo đậu; hậu cần nghề cá, cung ứng, dịch vụ chưa bảo đảm, nhiều phương tiện vào trú bão phải chằng néo vào nhau dọc bờ hạ lưu sông Hàn nên khi lũ quét về nhanh không chạy tránh kịp đã xảy ra tai nạn. Mặt khác, tàu vận tải ra vào neo đậu tại vịnh Đà Nẵng ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có pương án hợp lý khi có bão tác động trực tiếp.

* Là lực lượng thường trực nhiệm vụ PCLB, TKCN trên biển, phương án của BĐBP thành phố được triển khai như thế nào khi mùa mưa bão đến?

- Ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ PCLB, TKCN, giảm nhẹ thiên tai. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng để nắm bắt và thông tin kịp thời cho ngư dân hoạt động trên biển biết về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và các thiên tai khác để tránh, trú an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc với ngư dân để nắm tình hình trên biển, nhất là khi có tin bão, ATNĐ; chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền trở về, hướng dẫn các phương tiện tìm nơi trú đậu an toàn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền tránh va đập, bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ; đồng thời, tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão, ATNĐ theo quy định.

Trong năm 2021, BĐBP thành phố đã thực hiện chế độ bắn pháo hiệu trên đất liền được 36 lần, huy động hàng trăm ngày công giúp dân làm đường, sửa chữa và chằng chống nhà cửa, đưa hàng trăm tàu thuyền lên bờ tránh bão. Đặc biệt, trong cơn bão số 5 và số số 6 vừa qua, chúng tôi đã kịp thời thông báo, kêu gọi hàng ngàn phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn. Đối với tàu vận tải, chúng tôi tăng cường kiểm tra, kiểm soát đề nghị thuyền trưởng có phương án neo đậu không để xảy ra thiệt hại khi bão đổ bộ. Đối với tàu du lịch trên sông Hàn, giải phấp tốt nhất là cơ động về phía thượng nguồn sông Cẩm Lệ tránh thiệt hại khi lũ đổ về. Nghiêm cấm tàu tiếp nhiên liệu neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ.

* Những năm gần đây, BĐBP thành phố được các cấp chính quyền đánh giá làm tốt công tác TKCN trên biển. Những kinh nghiệm đem lại thành công của đơn vị là gì?

- Sau mỗi đợt ứng phó với thiên tai, BĐBP thành phố tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc trong nội bộ, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân của những thiếu sót và đề ra những giải pháp cấp bách để không ngừng nâng cao hiệu quả PCLB, TKCN. Qua thực tiễn công tác, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm: Thứ nhất, phải xây dựng ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, các quy định liên quan đến người, phương tiện khi ra biển, hậu quả tác hại của thiên tai để hình thành ý thức tự bảo vệ của mỗi người và mỗi phương tiện, nhất là ngư dân, các chủ tàu, các thuyền trưởng, gắn trách nhiệm của họ đối với chính mình và người lao động. Thứ hai, phải có thông tin khách quan, chính xác, kịp thời; nhất là khi có sự cố trên các vùng biển xa để ngư dân có thời gian chuẩn bị, lựa chọn phương án phòng tránh; phải xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa BĐBP với ngư dân. BĐBP vừa là chỗ dựa, vừa có kiến thức cần thiết để hướng dẫn ngư dân lựa chọn phương án và xử lý một số tình huống đột xuất trên biển.

Thứ ba, chúng tôi tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát; nhất là vào các thời gian trọng điểm, kiên quyết không cho ra khơi những phương tiện không đủ điều kiện về kỹ thuật và an toàn hàng hải. Ngoài ra, kết hợp kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, để từng bước hình thành thói quen bắt buộc đối với ngư dân khi ra khơi phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.

Thứ tư, thường xuyên rà soát, bổ sung các phương án PCLB, TKCN của đơn vị, cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”, dự kiến các tình huống và cách xử lý bảo đảm chặt chẽ, nhanh nhất; công tác an ninh trật tự, trước, trong và sau bão được chú trọng. BĐBP thành phố còn tổ chức tốt công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng trước khi có bão, lũ xảy ra. Khi có sự cố về thiên tai, trên cơ sở phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị được phép huy động tối đa lực lượng, phương tiện có trong biên chế cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời cứu người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại, khắc phục hậu quả bão, lũ, coi đó là mệnh lệnh, nhiệm vụ quan trọng trong công tác sẵn sàng chiến đấu.

* Xin cảm ơn ông!     

BÁ VĨNH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.