Triển khai các phương án ứng phó thiên tai

.

Trong bối cảnh Covid-19 và dự báo trong tháng 10 và 11-2021, thành phố sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số cơn bão, lũ, các địa phương, đơn vị đã và đang triển khai các phương án ứng phó thiên tai, nhất là sơ tán dân, ngư dân bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.

Lực lượng chức năng yêu cầu ngư dân ngoại tỉnh ở lại trên tàu cá neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang để trú bão số 5 và bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng chức năng yêu cầu ngư dân ngoại tỉnh ở lại trên tàu cá neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang để trú bão số 5 và bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tạo điều kiện cho ngư dân ngoại tỉnh tránh trú bão

Với vị trí thuận lợi, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là một trong những khu vực được nhiều ngư dân ngoại tỉnh chọn vào để tránh trú bão khi có bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông. Chính vì vậy, dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi văn bản đến các tỉnh thông báo về việc đóng cửa khu vực này và đề nghị các chủ tàu, thuyền tìm nơi neo đậu phù hợp từ đầu tháng 9-2021, nhưng vẫn có nhiều tàu cá ngoại tỉnh vào âu thuyền Thọ Quang xin trú bão số 5.

Để bảo đảm an toàn cho các tàu cá và ngư dân, thành phố đã cho phép nhiều tàu cá ngoại tỉnh với hàng trăm ngư dân vào tránh trú bão số 5 (ngày 11 và 12-9) ở âu thuyền, chưa kể 158 ngư dân Đà Nẵng. Đến bão số 6 (ngày 23-9), có hàng chục tàu cá ngoại tỉnh cũng vào âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để neo đậu tránh, trú bão. Các đơn vị chức năng đã phối hợp xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho 214 ngư dân và yêu cầu cách ly y tế theo quy định phòng, chống dịch.

Trưởng ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Huỳnh Văn Phương thông tin: “Tất cả ngư dân ngoại tỉnh và Đà Nẵng vào tránh trú bão tại âu thuyền đều được xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và yêu cầu cách ly y tế tại tàu đối với ngư dân ngoại tỉnh, còn ngư dân Đà Nẵng được các địa phương đưa đi cách ly y tế theo quy định. UBND quận Sơn Trà cũng đã chọn Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (phường Nại Hiên Đông) để đưa ngư dân từ tàu đang neo đậu tránh trú bão trong âu thuyền lên trú ẩn và cách ly y tế nếu như bão đổ bộ hoặc dự báo có gió bão mạnh tại Đà Nẵng. Trong 2 cơn bão (số 5 và 6), ngư dân ngoại tỉnh chỉ mới ở lại trên tàu, chưa lên trường học trú ẩn vì bão chưa gây gió mạnh và ảnh hưởng nhiều đến Đà Nẵng... Các biện pháp ứng phó bão bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19 linh hoạt nói trên sẽ tiếp tục được áp dụng để ứng phó với những cơn bão có thể xảy ra sắp đến”.

Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) Cao Đình Hải cho rằng, trên địa bàn phường có hơn 100 phòng học của các trường công lập với khả năng chứa khoảng 1.000 người sơ tán, nên nếu có bố trí số lượng lớn ngư dân ngoại tỉnh đến trú ẩn trong bão mạnh thì hoàn toàn đáp ứng được. Bên cạnh đó, phường cũng sẽ huy động nhiều căn hộ chung cư, phòng học trường tư thục, nhà văn hóa... để sắp xếp cho người dân trú bão mạnh với yêu cầu giãn cách để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

An toàn cho nhân dân là trên hết

Theo phương án sơ tán dân ứng phó với bão có gió mạnh từ cấp 8-11 đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp vào thành phố, các quận, huyện sẽ sơ tán tập trung 18.733 người và sơ tán tại chỗ (sang nhà dân lân cận) 39.950 người. Khi ứng phó với bão có gió mạnh cấp 12-13, địa phương sẽ sơ tán tập trung 42.235 người và sơ tán tại chỗ là 66.221 người. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19, về cơ bản, tổng số người sơ tán không thay đổi, các địa phương đã linh hoạt điều chỉnh giảm một số lượng nhất định sơ tán tập trung sang sơ tán tại chỗ, tăng số lượng điểm sơ tán tập trung, lồng ghép thêm nội dung phòng, chống dịch...

Theo UBND huyện Hòa Vang, ứng với gió bão từ cấp 8-11, huyện sẽ sơ tán 2.968 hộ dân (9.928 người), chủ yếu là sơ tán tại chỗ tại các nhà dân lân cận và tùy thuộc vào diễn biến của bão, các địa phương quyết định thời gian triển khai sơ tán. Các địa phương cũng đã bố trí tăng số điểm sơ tán dân tập trung để giảm số lượng người sơ tán tại mỗi điểm. Cụ thể, những năm trước, tại mỗi điểm trường học, địa phương đưa nhiều hộ dân đến ở trong 1-2 đêm để trú ẩn trong bão, còn hiện nay thì chia bớt số lượng hộ gia đình sang các trường học khác để bảo đảm giãn cách. Đặc biệt, tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, trước đây, địa phương sơ tán dân tập trung về Trường Mầm non Hòa Phú, nay được chia bớt qua sơ tán tại Trường Giáo dưỡng số 3 để giảm mật độ người sơ tán tập trung tại một điểm trường.

Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa thông tin: “Khi gió bão mạnh, địa phương triển khai sơ tán tập trung đối với 245 hộ ở khu nhà liền kề thu nhập thấp Tân Trà, Đông Trà và khu vực Đồng Nò đến 4 trường học, tăng 2 trường so với năm ngoái để giãn cách”. Còn Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho rằng: “Khi bão mạnh, quận cũng ưu tiên sơ tán dân tại chỗ. Đối với các vùng đỏ, địa phương triển khai sơ tán như phương án giãn dân ở các kiệt, hẻm chật hẹp để phòng, chống Covid-19 với phương châm là 1 hộ gia đình ở 1 phòng học”.

Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, để ứng phó với thiên tai trong thời gian đến, các quận, huyện cần tiếp tục rà soát, bổ sung nội dung phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới, nhất là điều chỉnh biện pháp sơ tán dân và lồng ghép thêm nội dung phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, các địa phương cũng cần rà soát các điểm dự kiến sơ tán tập trung, tính toán bảo đảm đủ số lượng điểm sơ tán và đủ sức chứa để bố trí số lượng người phù hợp, bảo đảm khoảng cách y tế theo quy định, có phương án chuẩn bị các dụng cụ, vật tư y tế (khẩu trang, thuốc sát khuẩn...) phù hợp, các nhu yếu phẩm và thực hiện thêm các biện pháp cần thiết để bảo đảm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình sơ tán dân tránh trú thiên tai.

Cảnh báo mưa lớn cục bộ ở miền Trung

Chiều 4-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, do ảnh hưởng rãnh áp thấp, áp cao cận nhiệt đới và nhiễu động trong đới gió đông nên từ nay đến ngày 6-10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 250mm; khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi hơn 80mm. Trong ngày 5-10, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 30-60mm, có nơi hơn 80mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm). Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.