Lan tỏa học và làm theo Bác

.

Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thực sự đi vào đời sống mọi tầng lớp nhân dân. Việc triển khai chỉ thị này gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc học tập và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa, góp phần nhân lên những hành động đẹp trong xã hội. TRONG ẢNH: Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu Quân khu 5 vận chuyển thực phẩm do đơn vị tăng gia sản xuất hỗ trợ các địa phương của thành phố trong thời gian giãn cách phòng, chống Covid-19. (Ảnh chụp tháng 8-2021)Ảnh: HOÀNG NHUNG
Việc học tập và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa, góp phần nhân lên những hành động đẹp trong xã hội. TRONG ẢNH: Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu Quân khu 5 vận chuyển thực phẩm do đơn vị tăng gia sản xuất hỗ trợ các địa phương của thành phố trong thời gian giãn cách phòng, chống Covid-19. (Ảnh chụp tháng 8-2021). Ảnh: HOÀNG NHUNG

Bài 1: Những điều bình dị giữa đời thường

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, trước hết là các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày. Những điều tốt đẹp mỗi người học được từ Bác có sức lan tỏa mạnh mẽ, bởi xuất phát từ tinh thần vì nhân dân.

Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các cơ quan, sở,  ban, ngành của thành phố vừa tập trung chống dịch, vừa triển khai các biện pháp phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Trong bối cảnh đó, Chỉ thị số 05-CT/TW như kim chỉ nam để mỗi cá nhân, tổ chức thực hiện công việc, nhiệm vụ của mình bằng tất cả ý thức, tinh thần trách nhiệm một cách tự giác, thường xuyên.

Học Bác giúp nâng cao sự sáng tạo của mỗi người

Thực hiện học tập và làm theo Bác, những năm qua, Thành ủy Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy… ban hành nhiều hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua sát với tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương đồng thời gắn với từng nhiệm vụ chính trị phù hợp mỗi địa phương, đơn vị; tạo nên các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Và hơn hết, những cá nhân, tổ chức mà chúng tôi gặp đều nói một cách giản dị về những việc họ làm có ích cho cộng đồng. Qua đó cho thấy, tinh thần học Bác trở thành một nếp nghĩ, việc làm thường xuyên, không vì bất kỳ một lý do nào khác.

Qua các giai đoạn, các tổ chức cơ sở Đảng xây dựng mô hình học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, trở thành công việc thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sức lan tỏa trên địa bàn.

Ông Đinh Ngọc Trinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) kể, trước đây mỗi chi bộ đều có 1, 2 mô hình hay, nhiều nhất là phong trào nuôi heo đất. Từ 2016-2021, mô hình tiết kiệm gần 256 triệu đồng, hỗ trợ cho 125 trường hợp khó khăn. Đầu năm 2021, đồng loạt 21 chi bộ thuộc Đảng bộ xã thống nhất triển khai mô hình “Heo đất tiết kiệm”, từ sự ủng hộ, góp quỹ của các đảng viên vào dịp sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Dự kiến cuối năm nay các chi bộ sẽ mổ heo đất, số tiền sẽ hỗ trợ 22 địa chỉ nhân đạo, hỗ trợ gia đình chính sách, đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. “Tôi nghĩ tâm thức của mỗi người muốn giúp đỡ người khác đã có sẵn, chỉ cần có kế hoạch đồng bộ, sát với khả năng của từng người thì sẽ nhận được sự đồng lòng thực hiện”, ông Trinh chia sẻ.

Cuối năm 2020, sáng kiến “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng” của nhóm tác giả Võ Văn Phương, Lê Văn Phú, Lê Hoài Sơn và Nguyễn Hoàng Nhân, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) giành giải Nhất giải thưởng “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 3. ThS Lê Văn Phú, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2016 các anh bắt đầu nghiên cứu việc giảm thời gian mất điện của khách hàng khi có sự cố, nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng và nhất là nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn. Hai năm sau công trình thí điểm tại quận Ngũ Hành Sơn và hiện nay đã áp dụng trên toàn địa bàn thành phố.

Theo đó khi sự cố xảy ra trên lưới điện, hệ thống tự động sẽ được kích hoạt không cần sự can thiệp của người vận hành, tự động tính toán, phân tích và xác định vùng lưới điện bị sự cố, gửi tín hiệu điều khiển tới các thiết bị đóng cắt trên lưới điện, cô lập vùng lưới điện. Sau đó hệ thống tiếp tục tự động phân tích, xác định vùng lưới điện có thể khôi phục cung cấp điện trở lại, tính toán phương án khôi phục hợp lý, bảo đảm vận hành an toàn cho các thiết bị và giảm tổn thất điện năng. Nhờ đó, khách hàng tại khu vực bị ảnh hưởng chỉ bị mất điện trong thời gian hệ thống tự động hóa hoạt động (khoảng 11-22 giây), giảm rất nhiều so với khi chưa áp dụng hệ thống từ 30 đến 45 phút.

Sáng kiến được ra đời thực sự là bước ngoặt, góp phần nâng cao công tác vận hành lưới điện phân phối theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, góp phần nâng cao năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và sự phát triển của thành phố. Ông Lê Hồng Cương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho rằng, công ty chú trọng lan tỏa tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến toàn thể đảng viên, nhân viên trong đơn vị. Qua thời gian triển khai, mỗi nhân viên đã có những chuyển biến tích cực trong tác phong, lề lối làm việc, cùng hướng tới mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của khách hàng.  

Việc học tập và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa, góp phần nhân lên những hành động đẹp trong xã hội. TRONG ẢNH: Anh Lê Văn Phú (thứ 2, từ phải sang) cùng nhóm cộng sự nghiên cứu vận hành lưới điện thông minh trên địa bàn thành phố. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19) Ảnh: PV
Việc học tập và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa, góp phần nhân lên những hành động đẹp trong xã hội. TRONG ẢNH: Anh Lê Văn Phú (thứ 2, từ phải sang) cùng nhóm cộng sự nghiên cứu vận hành lưới điện thông minh trên địa bàn thành phố. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: P.V

Chung tay vì cộng đồng

Tinh thần “tương thân tương ái”, vì cộng đồng của các cá nhân, tổ chức không còn là phong trào, mà trở thành cầu nối bền bỉ giữa những người cho đi và người nhận về.

Hơn 10 năm CLB “Bạn thương nhau” do Nguyễn Bình Nam làm nhóm trưởng tổ chức hàng trăm chương trình thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo, trẻ em vùng núi ở nhiều tỉnh miền Trung vững bước đến trường, có trường học khang trang. Ngày cuối tuần nào, chàng kỹ sư của Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng dành thời gian đi núi, khi xây trường, khi lo hoạt động “Áo ấm vùng cao”, “Bữa cơm cho trẻ miền núi”. Mùa dịch năm 2021, Nam cho biết, trong 3 tháng thực hiện chương trình Tiếp sức mùa dịch, nhóm nhận được 580 triệu đồng từ các cá nhân, tổ chức đã chung tay tương trợ cho bà con trong những ngày khó khăn. Riêng trong tháng 8 nhóm hỗ trợ 829 suất quà cho người nghèo với gần 275 triệu đồng. Những ngày vừa qua, Nam và các thành viên của “Bạn thương nhau” tổ chức 19 chuyến xe đồng bào xuất phát từ phía nam hầm Hải Vân chở gần 600 người dân từ miền Nam chạy xe máy về quê. Tổng chi phí cho chương trình hơn 634 triệu đồng. Bà con ở bên kia đèo Hải Vân hẳn ấm lòng lắm, vì ở bên này có chính quyền thành phố, có những nhóm thiện nguyện sẵn sàng chung tay giúp đỡ, để chuyến trở về nhà lần này bớt khó nhọc.

Bằng một cách làm khác, Bưu điện Đà Nẵng 3 tham gia góp phần đẩy lùi dịch bệnh bằng những chuyến hàng trợ giá vào các khu phong tỏa của quận Sơn Trà khi quận bắt đầu thực hiện cách ly y tế. Bà Võ Minh Thảo, Giám đốc Bưu điện 3 bảo, lúc đầu chỉ nghĩ đơn giản là tham gia chống dịch bằng cung cấp hàng hóa trong vài ngày, khi các địa phương có kế hoạch riêng thì rút lui. Và 31 nhân viên của Bưu điện 3 tham gia “3 tại chỗ” từ ngày 1-8, để ngày hôm sau đưa thực phẩm vào phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). “Khi rau củ, thịt cá ở các vùng như Hòa Xuân, Hòa Phước được chuyển về, rồi Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tối đa cho các chuyến xe qua nhận hàng. Mỗi lần xe vận chuyển hàng hóa về Thọ Quang, Mân Thái, thấy các tổ trưởng đứng chờ, đúng là mình không thể rút lui khi bà con rất cần. Vậy là anh em động viên nhau “tới” luôn”, bà Thảo nhớ lại.

Hơn 191 tấn hàng với hàng nghìn đơn hàng đã được Bưu điện Đà Nẵng 3 chuyển đến tay người dân tại 2 quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà thông qua “Tổ Covid-19 cộng đồng”. Chỉ bằng sức người, mỗi ngày nhân viên nâng - hạ trung bình khoảng 10 tấn hàng, trong đó có khoảng 3 tấn rau, trái cây, còn lại là thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

100% các tổ chức Đảng và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, đơn vị đã xây dựng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức để rèn luyện, học tập và làm theo gương Bác.  (Trích báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Đà Nẵng) 

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.