Lan tỏa học và làm theo Bác - Bài 2: Nhân lên những hành động đẹp

.

Nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm lòng nhân ái và tinh thần đồng cam cộng khổ, nhường cơm sẻ áo, hay sự nỗ lực hết mình vì công việc chung càng vun đắp thêm nghĩa đồng bào để cùng nhau vượt khó.

Nhiều mô hình học tập và làm theo Bác mang lại ý nghĩa thiết thực trong công việc và cuộc sống.  Trong ảnh: Câu lạc bộ “môi trường nhí” phường Thuận Phước, quận Hải Châu thu gom rác tái chế để bảo vệ môi trường và gây quỹ giúp học sinh nghèo (ảnh chụp thời điểm không có Covid-19) Ảnh: H.N
Nhiều mô hình học tập và làm theo Bác mang lại ý nghĩa thiết thực trong công việc và cuộc sống. TRONG ẢNH: Câu lạc bộ “môi trường nhí” phường Thuận Phước, quận Hải Châu thu gom rác tái chế để bảo vệ môi trường và gây quỹ giúp học sinh nghèo (ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: H.N

Ủng hộ chính quyền chống dịch

Lần thứ 3 viết đơn tình nguyện đi chống dịch, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP mới được cấp trên phê duyệt. Vậy là chị ra cắm chốt. 20 ngày đầu đứng chốt đường Nguyễn Tri Phương, hằng ngày kiểm soát hàng nghìn lượt người qua lại. Những ngày sau khi thành phố bước vào giãn cách, chị làm nhiệm vụ ở hai chốt đường Điện Biên Phủ và Hà Huy Tập, lại vất vả kiểu khác khi dịch căng hơn, nhóm 3 người mà có người bị đưa đi cách ly, vậy là còn 2 người chia nhau trực từ 6 giờ sáng đến 23 giờ.

Mấy ngày đầu nắng nóng, chỉ có một cây dù làm bóng mát giữa mặt đường nóng rẫy; đợt sau có thêm nhà bạt nhưng gặp ngày mưa mấy cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng lo giữ cái nhà bạt, không thì sợ gió cuốn. Chị bảo, khi ra đứng chốt, công việc cuốn mình đi nên chẳng còn thời gian để tâm đến chuyện mình chẳng may dính dịch bệnh. Tuy nhiên, cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ, chị sút 3kg và đau vai gáy nặng vì đứng quá nhiều, nay phải điều trị.

Gia đình Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh còn có một điều đặc biệt là con trai chị, binh nhất Phạm Văn Gia Huy vừa xong đợt huấn luyện chiến sĩ mới dành cho bộ đội Biên phòng ở Quảng Bình trở về, xung phong ra đứng chốt 10 ngày, rồi viết đơn tình nguyện vào phục vụ trong khu cách ly. “Hai mẹ con cùng “ra trận”, mong góp một tay cho thành phố mau khỏe trở lại, đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của người lính”, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh.

Phấn đấu mỗi người dân là một “đại sứ môi trường”

Trên tuyến đường Hoàng Văn Thái, ở khu vực chân núi thuộc thôn An Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), gần khu du lịch Bà Nà, du khách nhận thấy hai bên đường có những căn chòi bé như của người giữ rừng, bên trong chứa đầy vỏ lon, chai nhựa. Đó chính là mô hình thu gom rác thải mang tên “Mái nhà xanh tiếp bước em đến trường” của Hội Phụ nữ xã Hòa Ninh. Mô hình xây dựng đến nay được 8 năm. Trong báo cáo 5 năm “Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chị Võ Thị Lạc, Bí thư chi bộ thôn Sơn Phước, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Ninh ghi: “Số tiền thu được sau khi phân loại thu gom rác tái chế trong 5 năm qua hơn 100 triệu đồng, dành để trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, hỗ trợ phụ nữ nghèo gà giống, bằng mái lợp”.

Tôi nhớ khi còn đương chức, chị Lạc rất kiệm lời. Hỏi chuyện, chị chỉ nói về mô hình thu gom rác thải, số tiền thu được hằng năm, rồi bao nhiêu em học sinh nhận học bổng, bao nhiêu chị phụ nữ được tặng gà giống, tấm lợp. Vậy mà bây giờ, chỉ làm mỗi Bí thư chi bộ thôn, chị hăng say kể chuyện chi bộ làm được gì, vận động các tập thể, cá nhân xây dựng nhà tình nghĩa cho các chị em phụ nữ khó khăn ra sao. “Bây giờ chi bộ phát động mô hình học tập Bác bằng cách xây dựng nguồn quỹ nhân đạo. Mỗi đảng viên tiết kiệm mỗi ngày 500 đồng, mỗi tháng 15.000 đồng để tặng quà cho 2 địa chỉ khó khăn mỗi tháng 100.000 đồng, giúp bà con giảm một phần khó khăn trong cuộc sống. Chi bộ còn vận động nhân tham gia kinh phí và ngày công để xây dựng nhà văn hóa thôn, làm hơn 1.000m đường bê-tông kiệt xóm…”, chị Lạc kể vanh vách kèm nụ cười tươi.

Chị bảo, hiện nay nhiều người góp phần ủng hộ môi trường bằng các mô hình như phụ nữ xã chị làm, chị còn tiến tới vận động chị em phụ nữ sử dụng giỏ, túi để đi chợ, đem theo chai đựng nước hay cà mèn để mua đồ ăn. “Tôi muốn cái túi ni-lông không độc hại, hoặc nó mau phân hủy trong môi trường, để môi trường hay con cháu chúng ta không phải khó khăn về sau”. Và điều chị đang hướng tới, là từ việc làm của các mẹ, các chị, thế hệ sau này sẽ biết bảo vệ môi trường sống bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa.

Tuyên dương gương người tốt, mô hình hay

Giai đoạn 2016-2021, Thành ủy Đà Nẵng đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng 9 cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Đó là những gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những nhân vật được báo chí hay các chi bộ xem là “điển hình tiên tiến” đều thể hiện sự giản dị trong suy nghĩ cũng như việc làm của mình. Họ xem việc đã và đang thực hiện như là việc “vốn nó phải thế”, vì đạo đức, vì lòng trắc ẩn và trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Trong hoàn cảnh dịch bệnh tác động lên toàn xã hội, thì gương người tốt, mô hình hay xuất hiện ngày càng nhiều. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới. tạo hiệu quả cao, có sức lan tỏa lớn, giúp cho việc học và làm theo Bác trở nên gần gũi, tự nhiên, tránh việc hình thức, lãng phí… Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng biểu dương, chúc mừng các tập thể, cá nhân được khen thưởng và nhiều tấm gương khác trong xã hội, cơ quan, tổ chức, hằng ngày, hằng giờ âm thầm cống hiến cho xã hội nhưng chưa được khen thưởng. Người đứng đầu Đảng bộ thành phố mong các tập thể, cá nhân tiếp tục học tập, phấn đấu, thực hiện nhiều điều tốt đẹp, góp phần xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp.

Hằng năm, Thành ủy Đà Nẵng và cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Cùng với đó, mỗi năm đều có những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau được tuyên dương và khen thưởng. Nhiều “gương sáng giữa đời thường” được chuyển tải trong tập sách “Học Bác một đời, học Bác mãi mãi” do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Báo Đà Nẵng thực hiện năm 2016, hay các chuyên mục, bài viết, chương trình, phản ánh về các hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trên địa bàn, góp phần tích cực để đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong xã hội; góp phần tuyên truyền, biểu dương, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Có thể nói, ý thức và hành động trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần đưa Chỉ thị số 05-CT/TW đi vào nền nếp, thực chất hơn, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

"Người dân toàn thành phố thể hiện sự đồng lòng, tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, cùng tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng, mọi người dân Việt Nam yêu nước như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta mới có thành quả chống dịch như hôm nay.
                    Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.