Quyết liệt giải tỏa các khu nhà ở tập thể xuống cấp nguy hiểm

.

Thời gian qua, thành phố quyết liệt di dời các hộ dân để giải tỏa 25 khu tập thể (KTT) xuống cấp trên địa bàn 2 quận Hải Châu và Thanh Khê. Đến nay có 61 hộ đã di dời, còn 111 hộ chưa di dời, trong đó có 11 hộ dân còn ở trong 2 KTT xuống cấp nguy hiểm ở cấp độ D - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Phần xây dựng, cơi nới thêm của người dân ở khu tập thể số 50-52 Lê Lai (quận Hải Châu) đã xuống cấp rất nguy hiểm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phần xây dựng, cơi nới thêm của người dân ở khu tập thể số 50-52 Lê Lai (quận Hải Châu) đã xuống cấp rất nguy hiểm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khu tập thể xuống cấp nguy hiểm

Đến nay, quận Hải Châu đã cơ bản hoàn thành giải tỏa 6 KTT xuống cấp nguy hiểm cấp độ D ở số 87 Lê Lai, 52 Trần Quốc Toản, 10 Trần Bình Trọng, 80 Hùng Vương, K30 Bạch Đằng, K340 Phan Châu Trinh với 40 hộ dân di dời. Còn lại 11 hộ dân ở 2 KTT xuống cấp nguy hiểm cấp độ D ở số 50-52 Lê Lai và 5 Nguyễn Thái Học chưa di dời.

Chủ trương hiện nay của thành phố là bố trí cho thuê căn hộ chung cư hoặc hỗ trợ 60% giá trị đất, nhà cho những hộ dân để giải tỏa các KTT xuống cấp nguy hiểm, nhiều hộ cũng không đồng thuận. Ông Nguyễn Đăng Hoàng (người dân trú ở KTT 50-52 Lê Lai) cho biết: “Gia đình tôi có 8 người (3 thế hệ) sống trong căn nhà tạm, xuống cấp với tổng diện tích 40m2, được xây dựng bên hông ngôi nhà chính của khu nhà Tây. Tôi thống nhất chủ trương giải tỏa khu nhà Tây vì đã xuống cấp độ D thì quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân là được thành phố cho mua hóa giá KTT này để tự xây dựng nhà ở hoặc bố trí đất tái định cư (TĐC). Thành phố bố trí căn hộ chung cư thì quá chật chội mà hỗ trợ 60% giá trị đất và nhà thì cũng không đủ tiền để mua một lô đất ở trong kiệt, hẻm nhỏ để xây dựng nhà ở. Nếu các kiến nghị của người dân thành phố khó giải quyết được, tôi xin thành phố hỗ trợ thêm để có đủ tiền mua một lô đất, xây dựng nhà ở”.

Theo Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng, các hộ dân ở KTT số 50-52 Lê Lai kiến nghị được mua hóa giá nhà. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, không có cơ sở xem xét giải quyết bán hóa giá nhà đối với nhà đã có quyết định thu hồi của UBND thành phố, được đánh giá xuống cấp mức độ nguy hiểm cấp độ D. Đơn vị đã nhiều lần có văn bản trả lời kiến nghị của người dân. Đối với KTT số 5 Nguyễn Thái Học (đã xuống cấp nguy hiểm cấp độ D), hiện còn 2 hộ dân chưa di dời. Trong đó, một hộ dân không hợp tác với các đơn vị thực hiện kiểm đếm nhà, vật kiến trúc để giải tỏa. Đồng thời, hộ dân này cũng có khiếu nại về việc UBND thành phố không giải quyết đề nghị mua nhà ở cũ. UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1620/QĐ-UBND ngày 11-5-2021 về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) của hộ dân này, trong đó, UBND thành phố không chấp nhận đơn khiếu nại của công dân.

Kiến nghị bố trí đất tái định cư khó được giải quyết

Hiện trên địa bàn quận Hải Châu còn 64 hộ dân ở 10 KTT xuống cấp nguy hiểm cấp độ C và 10 hộ dân ở 1 KTT xuống cấp nguy hiểm cấp độ B chưa di dời để giải tỏa. Quận Thanh Khê đã hoàn thành di dời, giải tỏa 1 KTT (số 110 Ông Ích Khiêm) và di dời được 15 hộ dân ở các KTT khác, còn lại 26 hộ dân ở 5 KTT xuống cấp nguy hiểm cấp độ C chưa di dời.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho rằng, hiện nay, phương án di dời các hộ đang ở tại các KTT xuống cấp nguy hiểm thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê được áp dụng theo Quyết định số 5703/QĐ-UBND ngày 16-12-2019 của UBND thành phố. Theo đó, hộ dân được chọn một trong hai phương án là được Nhà nước hỗ trợ, bố trí thuê một căn hộ chung cư hoặc nếu hộ dân không có nhu cầu thuê căn hộ chung cư thì được hỗ trợ bằng tiền với mức 60% giá trị đất, 60% giá trị nhà đang thuê để tự lo chỗ ở mới.

Thời gian qua, mặc dù UBND quận Hải Châu, UBND quận Thanh Khê, Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng thường xuyên, tích cực thông báo, vận động, tuyên truyền, phản hồi kiến nghị các hộ dân về chủ trương, chính sách liên quan việc di dời, giải tỏa các KTT xuống cấp nguy hiểm nhưng một số hộ dân vẫn không chấp hành. Các hộ dân còn khiếu nại, kiến nghị về chủ trương của UBND thành phố nên công tác di dời bị kéo dài. Nội dung khiếu nại, kiến nghị là đề nghị bố trí đất TĐC thay vì hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ thuê căn hộ chung cư; đề nghị bố trí căn hộ chung cư có quyền sở hữu; đề nghị được mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Các nội dung khiếu nại, kiến nghị này không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP...

Sở Xây dựng đã báo cáo và đề nghị UBND thành phố giao UBND quận Hải Châu, UBND quận Thanh Khê phối hợp Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng tiếp tục vận động người dân ở các KTT xuống cấp nguy hiểm cấp độ D, C và B chấp hành việc di dời, bàn giao lại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Đặc biệt, đối với các KTT xuống cấp nguy hiểm cấp độ D, UBND quận Hải Châu và Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng cần có thông báo lần cuối về yêu cầu người dân bàn giao nhà và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố công trình. Trường hợp các hộ dân vẫn không chấp hành bàn giao nhà, UBND quận Hải Châu và Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng lập thủ tục báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích