Kiến tạo hệ sinh thái mới từ quy hoạch phân khu đô thị đổi mới sáng tạo

.

Công ty tư vấn quy hoạch kiến trúc Urban Planning - CPG Consultante.LTD (Singapore) vừa đề xuất ý tưởng quy hoạch phân khu đô thị đổi mới sáng tạo. Đây là 1 trong 12 phân khu chức năng đô thị thành phố Đà Nẵng do doanh nghiệp tài trợ lập đồ án quy hoạch. Đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch phân khu đô thị đổi mới sáng tạo trên nền tảng kiến tạo hệ sinh thái đô thị mới rất ấn tượng.

Khu đô thị FPT (quận Ngũ Hành Sơn)  sẽ trở thành đô thị đổi mới sáng tạo tại phía đông nam thành phố. Ảnh: NAM PHƯƠNG
Khu đô thị FPT (quận Ngũ Hành Sơn) sẽ trở thành đô thị đổi mới sáng tạo tại phía đông nam thành phố. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Phân khu đổi mới sáng tạo được giới hạn bởi quốc lộ 14B ở phía bắc; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1A ở phía tây; đường Võ Chí Công và khu vực Đồng Nò ở phía đông; khu vực giáp tỉnh Quảng Nam ở phía nam. Phân khu bao gồm một phần quận Ngũ Hành Sơn có phường Hòa Quý; quận Cẩm Lệ có các phường: Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Khuê Trung và huyện Hòa Vang có các xã Hòa Châu, Hòa Phước với tổng diện tích 3.903ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 233.000 người.

Mục tiêu quy hoạch phân khu nhằm phát triển các dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục - thể thao chất lượng cao. Trọng tâm của phân khu này là khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân và bến xe phía Nam. Khu vực này đặc trưng bởi những tòa nhà quy mô trung bình, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo.

Bối cảnh để quy hoạch phát triển phân khu đô thị đổi mới sáng tạo được xác định bởi phân khu là 1 trong 4 cụm việc làm tích hợp các hoạt động kinh tế và chức năng của thành phố được kết nối bởi “vành đai sáng tạo” và “vành đai nông nghiệp công nghệ cao”. Đây là cơ hội tạo nhiều việc làm ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư lẫn nguồn lao động chất lượng cao với mục tiêu phát triển ngành kinh tế nghiên cứu ứng dụng, giáo dục, điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, phân khu đô thị đổi mới sáng tạo lấy khu đô thị FPT, khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng, cụ thể là các cụm chức năng giáo dục - đào tạo hiện tại làm “hạt giống” để phát triển cả vùng. Tại phân khu đô thị đổi mới sáng tạo sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông minh để phát triển và nghiên cứu, tạo không gian sáng tạo lẫn hệ sinh thái khởi nghiệp cho doanh nghiệp.

Từ nền tảng hạ tầng đô thị, hạ tầng thông minh trong đổi mới, sáng tạo mang đến cơ hội liên kết, mở rộng hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Chiến lược và tầm nhìn phát triển của phân khu đô thị đổi mới sáng tạo là kiến tạo một hệ sinh thái mới gồm: hệ sinh thái trung tâm tri thức, hệ sinh thái trung tâm đổi mới, hệ sinh thái cửa ngõ, hệ sinh thái trung tâm công nghiệp sáng tạo.

Ý tưởng tổ chức không gian tại khu đô thị xây dựng theo 2 phương án gồm 4 tiểu khu hoặc 8 tiểu khu có tính chất riêng biệt nhưng đồng nhất bổ trợ cho nhau trên một hệ sinh thái dọc theo hành lang đổi mới sáng tạo. Trên hành lang đổi mới sáng tạo, mọi cư dân đều được phục vụ bởi một trung tâm phục vụ cộng đồng.

Theo đó, cứ 500m có các tiện ích phục vụ cộng đồng hằng ngày như: cửa hàng, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí…; cách 1,5km có không gian làm việc chung, không gian tổ chức sự kiện. Tại các tiểu khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu đô thị đại học, khu vực cửa ngõ sẽ hình thành các khu dân cư có mật độ dân số cao để thu hút và đào tạo nhân tài cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch tập trung giải bài toán thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp không chỉ tập trung đầu tư vào cao ốc văn phòng hay tạo việc làm mà cần quan tâm thu hút nhân tài. Do đó, chìa khóa để hiện thực mục tiêu là phân khu khu đô thị đổi mới sáng tạo phải bảo đảm hài hòa giữa công việc - chỗ ở - đời sống sinh hoạt.

Cụ thể, cung cấp nơi ở thật lý tưởng cho nguồn lao động chất lượng cao; cung cấp hạ tầng xã hội tiêu chuẩn cao cho các thế hệ hiện tại và tương lai; cung cấp mạng lưới không gian giải trí cho các hoạt động giao lưu, xây dựng đội nhóm và phát triển kỹ năng. Phương châm sống và làm việc của cư dân tại phân khu đô thị đổi mới sáng tạo là mỗi người dành ít thời gian ở trong nhà, trong các tòa cao ốc mà mỗi ngày tại đây sẽ là sự trải nghiệm về một chuyến công tác hay đang ở điểm đến du lịch.

Việc đầu tư hạ tầng xã hội có yếu tố quyết định sự phát triển cộng đồng ở sáng tạo nơi đây, trong đó, giải pháp đối với khu vực cửa ngõ phân khu hình thành các khối công trình hỗn hợp có tính biểu tượng, tạo dấu ấn lối vào phân khu đô thị; khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo thì hình thành hệ sinh thái công nghiệp đổi mới.

NAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.