Phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

.

Chiều 23-12, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đồng chủ trì hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Kết luận số 15-KL/TW ngày 30-9-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HÙNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HÙNG

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; an ninh chính trị được giữ vững, hóa giải các thách thức, giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến động phức tạp của cục diện an ninh chính trị thế giới và khu vực. Đặc biệt, xử lý kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bị động bất ngờ; triệt xóa nhiều tụ điểm, đường dây, băng nhóm tội phạm nguy hiểm; điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, không có vùng cấm các hành vi phạm tội, đặc biệt các vụ án trọng điểm, phức tạp về kinh tế, tham nhũng lớn. Tỷ lệ thu hồi tài sản tăng lên rõ rệt, tội phạm được kiềm chế, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh đó, sức mạnh của quần chúng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát huy và đề cao. Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm hoạt động hiệu quả được xây dựng, nhân rộng. Lực lượng công an tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm vẫn còn những hạn chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách ở một số nơi chưa thật sự quyết liệt. Việc nắm và dự báo tình hình, giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm có lúc, có nơi chưa chủ động... “Công tác phòng ngừa tội phạm ở một số nơi còn bị động, chưa tốt; một số loại tội phạm có thời điểm gia tăng, diễn biến phức tạp; tội phạm về ma túy, tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục len lỏi vào cuộc sống của nhân dân; tệ nạn xã hội vẫn tiềm ẩn phức tạp; số người nghiện ma túy còn nhiều... Đây là những vấn đề chúng ta cần thẳng thắn chỉ ra, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục trong thời gian đến”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm trong thời gian tới, thực hiện nghiêm và hiệu quả Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 15-KL/TW của Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh trật tự. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; chịu trách nhiệm chính trước hết trong xử lý vấn đề an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm tại lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, của cả hệ thống chính trị để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm. Các cơ quan chức năng, đặc biệt công an, quân đội làm tốt công tác nắm tình hình an ninh trật tự từ sớm, từ xa, từ cơ sở; kịp thời phân tích, đánh giá, tổng hợp, dự báo chính xác tình hình để tham mưu Đảng, Nhà nước sớm có giải pháp, đối sách phù hợp; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tổ chức Đảng trong lực lượng trong sạch vững mạnh, tạo nên sức mạnh và hiệu quả trong công tác, chiến đấu bảo đảm khả năng tấn công kẻ địch và tội phạm một cách sắc bén, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.