Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước những biến chuyển của bối cảnh quốc tế và sự lớn mạnh về số lượng, mở rộng về địa bàn của cộng đồng NVNONN trên thế giới, ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, với nhiều nội dung quan trọng.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) tặng bằng khen cho bà Cécile Le Pham (thứ tư, từ phải sang), Phó Chủ tịch Tổ chức ASSORV Pháp và các tổ chức, cá nhân trong dịp gặp mặt người nước ngoài Xuân Tân Sửu 2021. Ảnh: P.V |
Kết luận số 12-KL/TW đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác NVNONN trong tình hình mới gồm: thực hiện chủ trương đại đoàn kết; hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại; phát huy nguồn lực của NVNONN; giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; công tác thông tin đối ngoại hướng tới NVNONN; cơ chế phối hợp và tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN. Đặc biệt, kết luận nêu bật ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN; nhấn mạnh việc vận động hướng tới thế hệ kiều bào trẻ; kiên trì vận động để giúp kiều bào củng cố niềm tin, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tại Đà Nẵng, trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành phố đã từng bước huy động các chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia vào các chương trình, dự án trong nhiều lĩnh vực, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa thành phố với các địa phương nước ngoài.
Trong đó, một số trí thức kiều bào có những chương trình hợp tác với thành phố tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ như ông Nguyễn Đăng Khoa (kiều bào tại Hoa Kỳ) tư vấn hỗ trợ thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch thành phố, GS.TS Lê Thành Nhân (kiều bào Pháp) triển khai các nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ không dây LoRa, trí tuệ nhân tạo trong triển khai ứng dụng thông minh tại Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Trường Hải (kiều bào tại Hoa Kỳ) hỗ trợ giảng dạy các khóa huấn luyện cho kỹ sư phần mềm tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố,...
Thành phố cũng ghi nhận và từng bước triển khai những ý kiến tâm huyết của kiều bào đối với sự phát triển của thành phố, như ông Bảo Hòa (kiều bào tại Hoa Kỳ) đề xuất xúc tiến thành lập Văn phòng đại diện của thành phố Đà Nẵng tại Thung lũng Silicon, bang California; ông Lý Xương Căn (kiều bào tại Hàn Quốc, Đại sứ du lịch Việt Nam - Hàn Quốc) trao đổi tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị một số vấn đề liên quan đến phát triển du lịch của thành phố.
Thành phố đã xây dựng và duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với một số kiều bào là lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như bà Cecile Lê Phạm (kiều bào tại Pháp, Phó Chủ tịch tổ chức ASSORV), bà Thanh Armagost (kiều bào tại Hoa Kỳ, đại diện Tổ chức Friends of Da Nang), qua đó vận động thành công nhiều chương trình, dự án viện trợ nhân đạo, hỗ trợ nuôi dạy, giáo dục trẻ em tại một số địa bàn khó khăn của thành phố.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, đặc biệt khi thành phố trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch thứ 2 (tháng 7-2020), các đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hoa Kỳ, các kiều bào trong Hội Tương trợ Ý - Việt tại Ý, Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, Hội kiều bào tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và một số cá nhân kiều bào khác với tinh thần hướng về quê hương, đã quyên góp, hỗ trợ tiền mặt, trang thiết bị y tế và quần áo trẻ em cho công tác phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ quà cho các hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tại thành phố, góp phần cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh ngoại giao, bảo vệ chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ông Trần Thắng (kiều bào tại Hoa Kỳ) trong nhiều năm đã duy trì sưu tầm, triển lãm và trao tặng cho thành phố Đà Nẵng 150 bản đồ và 2 cuốn atlas liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo nên sức lan tỏa đối với người dân, các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền biển, đảo.
Có thể nói, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo thành phố và sự hỗ trợ, phối hợp của Bộ Ngoại giao, công tác NVNONN tại thành phố Đà Nẵng bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Để Kết luận số 12-KL/TW sớm đi vào thực tiễn, công tác NVNONN tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới cần hướng đến một số nội dung: Một là, nâng cao nhận thức và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị đối với công tác NVNONN; tăng cường tuyên truyền và thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách của thành phố về công tác NVNONN; kiện toàn, phân công cán bộ làm công tác NVNONN tại các sở, ngành và địa phương. Hai là, đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến kiều bào bằng nhiều hình thức.
Tăng cường tiếp xúc, trao đổi, kết nối với kiều bào tại địa phương cũng như kiều bào trong và ngoài nước, tạo niềm tin và củng cố sự gắn kết giữa cộng đồng kiều bào với quê hương. Ba là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến NVNONN; nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù của địa phương nhằm thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào. Bốn là, huy động nguồn lực NVNONN, đặc biệt là các trí thức trẻ tham gia các hoạt động kinh tế, khoa học - công nghệ, các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh. Kết nối với một số vùng, quốc gia có nhiều kiều bào sinh sống để hỗ trợ doanh nghiệp thành phố tiếp cận, kết nối giao thương, hợp tác đầu tư kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của địa phương ra nước ngoài.
Thu hút đầu tư từ NVNONN vào các dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2020-2025 và các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của thành phố. Năm là, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm tiếng Việt thành phố đã đầu tư xây dựng tại các tỉnh Nam - Trung Lào; nghiên cứu, đề xuất các chương trình hỗ trợ kiều bào tại Lào và Campuchia. Tăng cường công tác bảo hộ công dân; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo trong xuất khẩu lao động.
Để thực hiện hiệu quả các nội dung trên, sự tham gia của cả hệ thống chính trị tại thành phố có ý nghĩa quyết định. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao), Ủy ban về NVNONN Thành phố Hồ Chí Minh, học hỏi các kinh nghiệm, cách làm hay từ các tỉnh bạn, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc vận động kiều bào hướng về đất nước, đóng góp tâm huyết, trí tuệ và sức lực cho sự phát triển của thành phố.
NGUYỄN THÚY ANH
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng