Chính trị - Xã hội

Tiệm cận các chỉ số vàng

14:15, 25/12/2021 (GMT+7)

Đà Nẵng dành nhiều nguồn lực cho công tác dân số và phát triển. Nhờ vậy, 10 năm gần đây, công tác dân số tại thành phố tiệm cận các chỉ số “vàng”.

Theo kết quả từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019, dân số Đà Nẵng khoảng 1.134.310 người, trong đó, nam giới khoảng 570.000 người (chiếm 50,7%), nữ giới khoảng 558.000 người (chiếm 49,3%). So với cột mốc năm 2009, sau 10 năm, dân số thành phố tăng thêm hơn 250.000 người, tốc độ tăng dân số bình quân 2,45%/năm. Đây là những chỉ số tốt khi thành phố duy trì mức dân số tăng trong ngưỡng 2,1-2,5%/năm; bên cạnh đó, tỷ lệ giữa nam giới và nữ giới dù vẫn chênh lệnh theo xu thế nam nhiều hơn nữ nhưng rất nhỏ.

Đặc biệt, thành phố cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ tầm soát bệnh tật trẻ sơ sinh thuộc diện cao nhất nước với mức 84,2%; tỷ lệ người người cao tuổi được chăm sóc toàn diện tăng từ 35% năm 2010 lên 60% vào năm 2020; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi, thể thấp còi từ 19,9% ở năm 2010 hạ xuống còn 13% vào năm 2020; tuổi thọ trung bình của dân số thành phố năm 2010 là 75,9%, đến năm 2020 tăng lên 76,1% (trung bình của cả nước là 73,6 tuổi).

Mặc dù đạt được kết quả tốt về công tác dân số như vậy, tuy nhiên Đà Nẵng vẫn đối diện không ít thách thức mà theo các chuyên gia, nếu ngay từ bây giờ không điều chỉnh, dân số sẽ ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung cũng như về công tác dân số nói riêng sau này. Nếu như trước đây, những người làm công tác dân số luôn lo lắng khi một số gia đình ở các địa phương ven biển hay ở vùng ngoại ô thành phố thường bị “vỡ kế hoạch” vì số con vượt quy định. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình hình có dấu hiệu đảo chiều khi theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019, số dân thành thị (khu vực trung tâm) tăng với mức 2,25%/năm, trong khi khu vực nông thôn chỉ tăng ở mức 1,98%/năm.

Đặc biệt, vài năm gần đây, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thiên tai ảnh hưởng không ít đến tâm lý chung của các cặp vợ chồng trẻ khi hạn chế số con trong gia đình. Theo thống kê của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thành phố, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số trẻ em sinh ra là 8.287 trẻ, giảm 1.292 trẻ so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự trong 9 tháng đầu năm 2020, số trẻ giảm gần 1.000 trẻ so với cùng kỳ của năm 2019.

Trong khi đó tuổi thọ của người dân thành phố lại liên tục cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2010, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 10,6% tổng dân số, đến năm 2019 tăng lên 12,8% . Trong số này, số người từ 65 tuổi trở lên năm 2010 có 8%, đến năm 2019 tăng lên 8,6%. Song song với vấn đề số trẻ sinh ra giảm, tuổi thọ được nâng cao, viễn cảnh “dân số già” không phải là chuyện của những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... mà đang diễn ra ngay tại thành phố chúng ta.

Sau 25 năm chia tách thành phố Đà Nẵng từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, không gian đô thị của thành phố tăng lên gấp 4 lần trước đây. Thế nhưng, về phân bố dân cư, Đà Nẵng vẫn trong tình trạng khu vực trung tâm cao, ngoại ô thưa thớt. Điều này kéo theo sự chênh lệch về phân bố dân cư lao động ở thành phố, khi tỷ lệ dân cư lao động nơi cao nhất ở huyện Hòa Vang chỉ 8.746 người/km2, còn tại quận Thanh Khê lên đến 19.712 người/km2. Điều này không những gây áp lực về không gian đô thị mà còn ảnh hưởng nhiều đến kinh tế - xã hội của thành phố.

Một điều may mắn là không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố nhận ra những thách thức này và ban hành nhiều chính sách nhằm bảo đảm công tác dân số đi đúng lộ trình. Sau hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 31-1-2018, Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp đó, ngày 17-5-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định về triển khai chương trình hành động số 19-CTr/TU của Thành ủy. Ngày 3-6-2019, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2423/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2019-2025 tại Đà Nẵng...

Để những chủ trương, chính sách đúng đắn này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cần sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội. Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau, có nơi có lúc công tác dân số vẫn còn tình trạng “khoán” cho người làm công tác dân số. Bên cạnh đó, các nguồn lực hỗ trợ công tác dân số cũng chưa được triển khai kịp thời, làm ảnh hưởng không ít đến công tác dân số. Song song đó, việc chậm đổi mới phương pháp tuyền truyền cũng hạn chế hiệu quả việc đưa chủ trương của thành phố đến người dân...

THANH VÂN

.