Chủ động ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu

.

Siêu bão số 9 (bão Rai) xuất hiện trong tháng 12 là bất thường, càng chứng tỏ biến đổi khí hậu đang tạo ra thiên tai cực đoan khó đoán định. Dù thành phố không chịu ảnh hưởng lớn nhưng trận siêu bão này cũng đặt ra vấn đề chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Sau siêu bão số 9, thành phố cần đầu tư xây dựng hệ thống đê kè biển chống chịu với gió bão cấp 12 và tần suất thiết kế 5% cộng thêm nước dâng do bão. TRONG ẢNH: Bờ kè vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp, đoạn bãi biển Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn)Ảnh: HOÀNG HIỆP
Sau siêu bão số 9, thành phố cần đầu tư xây dựng hệ thống đê kè biển chống chịu với gió bão cấp 12 và tần suất thiết kế 5% cộng thêm nước dâng do bão. TRONG ẢNH: Bờ kè vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp, đoạn bãi biển Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, trong 20 năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến nay, thiên tai đã làm 219 người chết và mất tích, 226 người bị thương, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, cơ sở hạ tầng đô thị và nông nghiệp bị phá hủy nặng nề, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến gần 10.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được cả hệ thống chính trị của thành phố quan tâm, xem là công tác trọng tâm, thường xuyên, luôn được rà soát, tăng cường hằng năm. Thành phố đã có từng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai và phương án ứng phó cụ thể, chi tiết đối với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, lũ rất lớn, sóng thần... Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025.

TS Phạm Đi, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 3 nhìn nhận, những năm gần đây, hiện tượng mưa cực đoan, nắng cực đỉnh, xâm nhập mặn... và các hiện tượng biến đổi khí hậu khác đã gây nên những trở ngại, khó khăn cho sự phát triển của thành phố. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2025 mà Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII xác định: “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Điều này đã cho thấy sự nhận thức và quyết tâm của thành phố đối với vấn đề tai biến thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Hiện nay, thành phố đang triển khai Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nên cần phải gắn liền với các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với tai biến thiên nhiên, biến đổi khí hậu nhằm hướng đến chiến lược phát triển bền vững, đặc biệt là các giải pháp cần được thành phố định hướng theo 2 hướng tiếp cận là thích nghi và giảm thiểu.

Theo TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên, nhìn chung, hiện trạng hạ tầng phòng, chống thiên tại và thủy lợi của thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu.  Tuy nhiên, trước những tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan, tác động của phát triển kinh tế - xã hội..., hệ thống này không còn đủ đáp ứng yêu cầu trong tương lai.

Chẳng hạn, hệ thống đê, kè biển phần lớn được thiết kế với gió bão cấp 9-10 và tần suất thiết kế 5%, chưa đạt được yêu cầu thời kỳ mới, nhất là dưới tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều đê, kè chưa có phần tiêu năng sau đỉnh kè nên thường xuyên bị hư hại. Một số đoạn sông chưa được xây dựng kè bảo vệ; lũ quét, sạt lở xuất hiện còn nhiều, gây nhiều thiệt hại đến an toàn công trình, cơ sở hạ tầng, người dân... Thành phố cần đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê, kè biển chống chịu gió bão cấp 12, tần suất thiết kế 5% cộng thêm nước dâng do bão; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kè bảo vệ bờ sông, chống lũ trong sông với tần suất 10%.

Mặt khác nâng cấp, mở rộng công suất các khu tránh, trú bão; bảo đảm an toàn các công trình xây dựng ở các khu đô thị và nhà ở ven biển trước những ảnh hưởng của thiên tai và xây dựng các bản đồ ngập lụt cho khu vực hạ du các hồ chứa; xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, các tình huống khẩn cấp...

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đề nghị, trước những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu cần chuyển hướng sang khai thác nguồn nước sông Thu Bồn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định, chất lượng, an toàn.

Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu xây dựng thêm một khu tránh trú bão mới cho tàu thuyền, có thể là ở khu vực bên ngoài âu thuyền Thọ Quang hiện nay. Ngoài ra, cần hỗ trợ cho ngư dân đóng mới một số tàu cá có công suất cực lớn để vừa nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, vừa phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn do thiên tai trên biển kết hợp giữ gìn chủ quyền biển, đảo...  

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.