Tận dụng thời cơ, bứt phá để phát triển

.

Những ngày đầu năm mới 2022, thành phố Đà Nẵng như được tiếp thêm sức mạnh bứt phá từ Thông báo số 2/TB-VPCP của  Văn phòng Chính phủ thông báo những ý kiến kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 1-12-2021. Điều cần ghi nhận rất quan trọng, đó là trong suốt hai năm qua, trong tình thế chống chọi với đại dịch toàn cầu Covid-19, Trung ương luôn có những chủ trương chính sách quan trọng tạo đòn bẩy, động lực quan trọng và then chốt để phát triển thành phố Đà Nẵng, luôn dành sự quan tâm gợi mở đường hướng để thành phố có được “đường băng” cất cánh.  

Trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hàng loạt những văn bản pháp lý quan trọng đã được ban hành trong năm 2020 và 2021 như Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 119 của Quốc hội; Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực…

Tất cả những nghị quyết, quyết định, nghị định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; những cuộc làm việc ở cấp chuyên viên và cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với Đà Nẵng là đều nhằm mục đích đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Và mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng phải đạt đẳng cấp khu vực châu Á - như tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đề ra.

Thông báo lần này của Văn phòng Chính phủ về những ý kiến kết luận của Thủ tướng đối với Đà Nẵng cũng không nằm ngoài những kỳ vọng của Trung ương nêu trên. Những yêu cầu cao đặt ra với Đà Nẵng thể hiện niềm tin của Trung ương đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố qua những bước đi, những nỗ lực và những thành quả trong 25 năm qua; đồng thời tiếp tục tạo cơ hội để Đà Nẵng bước những bước vững vàng trên chặng đường phát triển mới.

Định hướng chiến lược xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới - sáng tạo - công nghệ cao quốc gia có thể coi là mục tiêu vươn tới, vừa là động lực phát triển của thành phố. Định hướng này đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, nhất là phần đề cập đến 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, định hướng chiến lược xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quốc tế hiện đại cũng được gắn liền với nền tảng công nghệ cao. Có thể nói, những khái niệm như thành phố thông minh, nền kinh tế tri thức, nền công nghiệp công nghệ cao… trở thành một định ngữ không tách rời với hình ảnh Đà Nẵng trong tương lai. Và cũng có thể coi đây là nét riêng, cái độc đáo, là sự “định vị Đà Nẵng trong cuộc đua tranh phát triển khu vực và thế giới” như ý kiến của PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và Triển vọng” nhân kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997-1-1-2022), tổ chức sáng 28-12-2021.

Song song với nhiệm vụ “triển khai nghiêm túc, quyết liệt và sáng tạo trong điều kiện cụ thể của địa phương để bảo đảm tiếp tục kiểm soát được dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP; đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp xuất phát từ thực tiễn triển khai; chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhưng dứt khoát không được chủ quan, lơ là”; Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ then chốt “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới, phát triển; xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng trong triển khai công tác”; đồng thời tập trung nhiệm vụ trung tâm “đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng hài hòa, cân đối, phù hợp hơn, gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh”; đi đôi với nhiệm quốc phòng - an ninh,  củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ thành phố vững chắc, kết hợp chặt chẽ với chiến lược biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông và huyện đảo Hoàng Sa, một đơn vị hành chính thuộc Đà Nẵng.

Một điểm rất mới trong ý kiến Thủ tướng là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại của thành phố Đà Nẵng, khơi thông các nguồn lực để phát triển: Thống nhất thành lập Tổ công tác do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng để chỉ đạo, xử lý tháo gỡ các khó khăn, tồn tại của thành phố Đà Nẵng. Đây là điều mà thành phố đang rất mong đợi. Việc thành lập tổ công tác trực tiếp giải quyết những vướng mắc quả thực là một “cú hích” cho Đà Nẵng đi nhanh, vững vàng hơn.

Trong khí thế của một mùa Xuân mới, được sự tiếp sức, động viên, chỉ đạo của Trung ương, chắc chắn thành phố Đà Nẵng sẽ chung sức chung lòng, tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, có quyết tâm chính trị cao, chủ động nắm bắt và tận dụng tốt những thời cơ để kiểm soát dịch bệnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2022 với chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.  

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.