Chính trị - Xã hội

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Tận dụng cơ hội để phát triển đúng tầm

13:44, 01/01/2022 (GMT+7)

Từ năm 1997 đến nay, Đà Nẵng đang trải qua lần thí điểm thứ 2 mô hình chính quyền đô thị. Việc triển khai thí điểm lần này khác nhiều với thí điểm không HĐND quận, huyện, phường trước đây, đó là tổ chức chính quyền hoàn chỉnh hơn, phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển đô thị Đà Nẵng.

Đô thị Đà Nẵng sau 25 năm trực thuộc Trung ương. Ảnh: XUÂN TƯ
Đô thị Đà Nẵng sau 25 năm trực thuộc Trung ương. Ảnh: XUÂN TƯ

Tính tất yếu trong phát triển đô thị Đà Nẵng

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn cho biết, giai đoạn 2009 - 2016, Đà Nẵng thí điểm mô hình chính quyền địa phương quận, huyện, phường không có HĐND đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, hoạt động của chính quyền các cấp ổn định, thông suốt, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công.

Khi không tổ chức HĐND trong giai đoạn thí điểm, UBND các cấp chủ động, xây dựng và ban hành một số giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bảo đảm duy trì sự ổn định và phát triển. UBND các quận, huyện, phường vẫn hoạt động ổn định trong tình hình mới, người dân thể hiện được quyền làm chủ. Thành phố luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp trên đối với cấp dưới xuyên suốt, cụ thể hơn, bảo đảm sự điều hành trực tiếp, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm người đứng đầu. Đây là ưu điểm vượt trội của mô hình này. 

Ông Sơn cho rằng, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn có phạm vi quản lý nhỏ, gọn, hạ tầng đô thị, giao thông, công nghệ thông tin - truyền thông phát triển rộng khắp như thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu hướng đến là tạo thuận lợi để nâng cao tính nhanh nhạy, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị.

Trên cơ sở kế thừa lần thí điểm giai đoạn trước, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị lần này theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, bắt đầu thực hiện tại Đà Nẵng từ 1-7-2021 đặt ra vấn đề tổ chức chính quyền hoàn chỉnh hơn, phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển đô thị Đà Nẵng. “Khi không tổ chức HĐND ở quận và phường đòi hỏi phải xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến các nhiệm vụ, quyền hạn mà HĐND quận và phường đang thực hiện theo quy định của pháp luật như thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn được điều chỉnh của HĐND, UBND thành phố và UBND quận và phường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND quận, phường và tính thống nhất, thông suốt của quản lý hành chính khi thực hiện thí điểm; thực hiện giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân trên địa bàn quận, phường”, ông Sơn nói.

Điểm mới và hết sức quan trọng cần lưu ý khi thí điểm chính quyền đô thị tại quận, phường là quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND. Việc quy định UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng nhằm bảo đảm sự phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính tại quận, phường; đề cao trách nhiệm, phát huy năng lực, tinh thần chủ động của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, phường.

Dù làm việc theo chế độ thủ trưởng nhưng hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND đều đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và sự giám sát của người dân nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cơ quan, chức danh này. Công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận.

Đây là quan điểm mới về quản lý biên chế công chức. Quy định này sẽ góp phần đổi mới phương thức quản lý biên chế, hoàn thiện một bước công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường trong hệ thống chính quyền các cấp. Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, yêu cầu đặt ra phải tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhằm giám sát, kiểm soát quyền lực.

Cơ hội để phát triển đúng tầm

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân cho biết, qua giám sát, công tác thực hiện các nhiệm vụ để triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ các yêu cầu đặt ra.

Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ cơ bản đã hoàn thành tốt. Để mô hình triển khai thông suốt, hiệu quả, HĐND thành phố kiến nghị, Ban cán sự Đảng UBND thành phố tham mưu hoàn thiện “Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” để thể chế hóa các nội dung phân cấp, ủy quyền cho sở, ngành, quận, phường thực hiện nhiệm vụ nhằm tăng tính chủ động, trách nhiệm; xây dựng, trình HĐND thành phố thông qua nghị quyết quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Theo ông Trần Đình Hồng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhìn từ góc độ tính kế thừa và điều kiện tất yếu, có thể thấy rằng, sau 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương, thành tựu xây dựng và phát triển đạt được là rất đáng kể.

Bên cạnh sự quan tâm từ Trung ương, thành phố đã có những chính sách riêng mang tính đột phá, nhất là công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng quy mô diện tích đô thị, tăng dân số, làm thay đổi diện mạo đô thị rõ nét. Đây là tiền đề để trên cơ sở đó, Trung ương xem xét, quyết định và chọn Đà Nẵng làm thí điểm (so với các địa phương khác).

Để đánh giá kết quả thí điểm không tổ chức HĐND, thành phố đã tiến hành điều tra dư luận xã hội với 500 phiếu khảo sát về “Kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Có 84% số người tham gia được hỏi đồng ý về thực hiện chủ trương không tổ chức HĐND; 68,8% ý kiến cho rằng việc thực hiện không tổ chức HĐND không có ảnh hưởng gì đến việc bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của người dân vì đã có các kênh giám sát khác và 62,6% số người được hỏi đánh giá việc công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến nhân dân được tăng cường hơn.

Thành phố có vị trí quan trọng, năng lực phát triển kinh tế dồi dào. Từ trước đến nay, Trung ương cũng đã thí điểm nhiều mô hình, chính sách áp dụng riêng cho Đà Nẵng, nổi bật là thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016, với những kết quả rất tích cực.

Mặt khác, sau khi tổng kết Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết này bám sát chủ trương và định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 34/2021/NĐ-CP triển khai nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Đà Nẵng triển khai. Thành phố có nhiều thuận lợi để triển khai chính quyền đô thị, từ việc không gian đô thị được mở rộng, bộ máy lãnh đạo năng động, sáng tạo; lãnh đạo thành phố chủ động xây dựng các đề án thu hút nhân tài, đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trong tiến trình phát triển thành phố.

TRỌNG HUY

.