Chính trị - Xã hội

Nhớ về kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khóa V

17:48, 01/01/2022 (GMT+7)

Ngày 8-10-1996, Trung ương có Công điện số 75/CCHC/TW nêu rõ: Bộ Chính trị đã có Thông báo số 06/TB-TW ngày 7-10-1996 về việc nhất trí chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính: thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam và yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải chỉ đạo hoàn tất thủ tục để kịp trình Quốc hội quyết định trong cuộc họp giữa tháng 10 này.

Ông Mai Thúc Lân (hàng đầu, bên phải) và ông Trương Quang Được (thứ hai, trái sang) cùng đoàn cán bộ vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh (tháng 2-1997). (Ảnh tư liệu)
Ông Mai Thúc Lân (hàng đầu, bên phải) và ông Trương Quang Được (thứ hai, trái sang) cùng đoàn cán bộ vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh (tháng 2-1997). (Ảnh tư liệu)

Với tinh thần rất khẩn trương, ngày 9-1-1996, Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc họp liên tịch với Thường trực HĐND, Thường trực UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh để bàn việc triển khai công điện của Trung ương về chia tách tỉnh. Vấn đề được đặt ra cấp thiết nhất là chia tách địa giới hành chính của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo phương án nào là thích hợp nhất để trình lên Quốc hội.

Lúc này, có 4 phương án chia tách được đặt ra để tạo nên địa giới hành chính phù hợp với một Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, gồm: thành phố Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, thị xã Hội An; thành phố Đà Nẵng hiện tại, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa; thành phố Đà Nẵng và thêm một số xã phụ cận của Hòa Vang và Điện Bàn; thành phố Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Hội An.

Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị chia thành Quảng Nam và Quảng Đà như trước ngày giải phóng thành phố (29-3-1975) và địa bàn Đặc khu Quảng Đà trước đây sẽ gọi là thành phố Đà Nẵng - bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa. Vì có đến 4 phương án và ý kiến thảo luận cũng rất khác nhau, nên Thường trực Tỉnh ủy kết luận chỉ chọn phương án 1 và 2 là hai phương án có tính hợp lý và khả thi hơn cả, đồng thời giao UBND tỉnh phân tích cụ thể hai phương án trên để các hội nghị liên quan tiếp tục làm việc.

Ngày 11-10-1996, hội nghị Tỉnh ủy đã nghe UBND tỉnh trình bày hai phương án được xem là hợp lý nhất. Theo đó, Tỉnh ủy đã biểu quyết chọn phương án 2(1) (tức gồm thành phố Đà Nẵng hiện tại, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa); đồng thời, giao UBND tỉnh tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện cả hai phương án trên để trình HĐND tỉnh quyết định.

Sáng ngày 12-10-1996, HĐND tỉnh họp (bất thường) để thảo luận và biểu quyết phương án chia tách. Được tham gia phục vụ việc chuẩn bị các tài liêu và kỳ họp này với vai trò là Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh, tôi vẫn còn nhớ khá rõ không khí khẩn trương(2), long trọng, tâm huyết ở kỳ họp có tính chất lịch sử này của HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khóa V lúc bấy giờ.

Sau nghi thức chào cờ, quốc ca và phần tuyên bố lý do của đồng chí Nguyễn Văn Chân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, là diễn văn khai mạc kỳ họp của đồng chí Nguyễn Đức Hạt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng chí Trương Quang Được, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tờ trình về việc tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng  thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (Tờ trình số 1742/TT-UB ngày 12-10-1996 của UBND tỉnh), với hai phương án:

Phương án 1: Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương gồm thành phố Đà Nẵng hiện nay, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa với diện tích tự nhiên 924,46km2, dân số 663.115 người (chưa kể số liệu huyện đảo Hoàng Sa). Tỉnh Quảng Nam bao gồm 14 huyện, thị còn lại của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay, tổng diện tích tự nhiên 10.406,34km2, dân số 1.364.559 người. Tỉnh lỵ tại thị xã Tam Kỳ.

Phương án 2: Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương gồm thành phố Đà Nẵng hiện nay và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, thị xã  Hội An, huyện đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích tự nhiên 1.217,44km2, dân số 925.386 người  (chưa kể số liệu huyện đảo Hoàng Sa). Tỉnh Quảng Nam bao gồm 12 huyện, thị còn lại của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tổng diện tích tự nhiên 10.131,36km2, dân số 1.102.328 người. Tỉnh lỵ tại thị xã Tam Kỳ.

Đặc biệt, tờ trình nêu rõ: “Hai phương án trên đây đều có chung ưu điểm nổi bật là hơn hẳn việc để nguyên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng như hiện nay vì nó phù hợp với xu thế phát triển chung, tạo được thế và lực cho cả hai đơn vị đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện để giải quyết tốt hơn các vấn đề kinh tế - xã hội”.

Xét riêng trên từng phương án thì mỗi phương án có ưu điểm và nhược điểm nhất định.

Phương án 1: Ưu điểm: Đô thị Đà Nẵng gọn, dễ quản lý, phù hợp với truyền thống gắn kết giữa Đà Nẵng - Hòa Vang từ xưa đến nay và tỉnh Quảng Nam còn lại gần như nguyên vẹn là một tỉnh lớn, đồng bằng phía bắc của tỉnh với ưu thế trồng lúa và công nghiệp, du lịch sẽ bổ sung làm phong phú và mạnh mẽ hơn cho kinh tế Quảng Nam. Mặt nhược: Tầm cỡ của đô thị Đà Nẵng về lâu dài có hạn chế trong việc thể hiện vai trò là trung tâm công nghiệp và trung tâm du lịch.

Phương án 2: Ưu điểm: Có điều kiện để bố trí một trung tâm công nghiệp, du lịch với quy mô tầm cỡ, phù hợp với xu thế khách quan của việc phát triển đô thị cho bản thân thành phố Đà Nẵng và khu vực. Mặt nhược: Phần còn lại của tỉnh Quảng Nam có nhiều vùng khó khăn, cách trở và có những yếu tố tâm lý, tư tưởng của quần chúng trước mắt chưa thể giải quyết được ngay.

Tờ trình cũng nêu rõ: “Qua phân tích cân nhắc giữa các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý của hai phương án và bước đi trong quá trình đô thị hóa, UBND tỉnh đề nghị chọn phương án 1”.

Sau đó, đại biểu kỳ họp HĐND tỉnh đã nghe đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình về việc phân vạch địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo các phương án trên.

Kỳ họp đã dành gần 2 giờ để thảo luận về các nội dung trên, với 12 phát biểu của các vị đại biểu dự kỳ họp. Theo đó, có 8 đại biểu, sau khi phân tích, đề xuất chọn phương án 1(3); 4 đại biểu đề xuất chọn phương án 2(4). Cuối cùng, HĐND tiến hành lấy biểu quyết, phương án 1 là phương án được chọn  (phương án 1; 49 đại biểu nhất trí, đạt 73,1%; phương án 2; 12 đại biểu nhất trí, đạt 26,9%. Kỳ họp có 61 đại biểu có mặt/67 đại biểu HĐND tỉnh).

Như vậy, từ khi những kiến nghị chia tách tỉnh được đặt ra (tháng 5-1989) đến khi chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày 1-1-1997 cũng là khoảng thời gian Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng (cũ) nói riêng và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung đã chuẩn bị cho mình một tâm thế cũng như những phương án chia tách tỉnh.

Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn (từ ngày 8 đến ngày 12-10-1996) đã nhanh chóng thống nhất được một phương án chia tách tối ưu trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trên bước đường phát triển của Đà Nẵng và Quảng Nam đến nay. Đặc biệt, nếu nhìn nhận trên khía cạnh ưu điểm, nhược điểm hai phương án trình và phương án chọn ở trên, thì cả Đà Nẵng và Quảng Nam đã phát huy cao nhất ưu điểm của phương án chọn và đã đạt được những thành tựu vượt bậc như ngày hôm nay.

Riêng với Đà Nẵng, nhìn ở góc độ nhược điểm của phương án chọn, thì sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Đà Nẵng có một quy mô dân số hết sức vừa phải: 663.115 nhân khẩu, với số đầu mối quận, huyện, phường, xã cũng rất gọn: 5 quận, 2 huyện và 33 phường, 14 xã.

Chính đặc thù “hết sức vừa phải” và “rất gọn” này là tiền đề quan trọng để Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh quy mô và tiến độ đô thị hóa - điều khó khả thi trong bối cảnh một thành phố trực thuộc tỉnh như trước năm 1997. Tuy nhiên, việc thành phố Đà Nẵng ít dân và có diện tích nhỏ hẹp cũng là một khó khăn, thử thách trong việc hướng đến xây dựng một thành phố lớn, là thành phố động lực của khu vực miền Trung, như: thị trường nhỏ hẹp, tài nguyên đất có hạn, quy mô nền kinh tế nhỏ…

Phải chăng nhược điểm đã nêu ra từ 25 năm trước về “Tầm cỡ của đô thị Đà Nẵng về lâu dài có hạn chế trong việc thể hiện vai trò là Trung tâm công nghiệp và Trung tâm du lịch” ở khu vực ở phương án chọn, cùng với nảy sinh mới “Cơ cấu kinh tế bộc lộ điểm chưa hợp lý qua đại dịch Covid-19, quy mô doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương” là điều đáng suy ngẫm và nghiên cứu cho chặng đường phát triển thành phố Đà Nẵng trong tương lai.

PHẠM QUÝ

Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố,
nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy,
nguyên Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1992-1996)

  


1. Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng 1975-2015, sđd Tr 229
2. Do yêu cầu của Công điện 75/CCHC ngày 8-10-1996 của Trung ương “Phương án chia tỉnh phải gởi trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14-10-1996 để Chính phủ kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (khóa IX). Trong phương án phải nói rõ tên tỉnh mới, tỉnh lỵ, đường ranh giới, diện tích, dân số, các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh và kèm theo một bản đồ của tỉnh mới”.
3. Đại biểu Nguyễn Đăng Tùng, Hồ Duy Lệ (đơn vị Đà Nẵng); Nguyễn Thị Thanh Hương, Bùi Văn Ga (Thăng Bình); Huỳnh Gia Phúc (Hòa Vang), Nguyễn Đình Hòa (Đại Lộc); Lê Đức Trọng và Briu Trứ (Tổ miền núi).
4. Đại biểu Huỳnh Văn Chính, Đỗ Hoàng Thiệu, Trần Văn Lĩnh (đại biểu đơn vị Đà Nẵng) và đại biểu Nguyễn Hưng (đại biểu đơn vị Hội An).
.