Chính trị - Xã hội
Xây dựng Đà Nẵng hiện đại, thông minh, thân thiện và an bình
Ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là mốc son lịch sử, tạo điều kiện và cơ hội quan trọng để Đà Nẵng phát triển, hướng đến những tầm cao mới, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Ảnh: XUÂN TƯ |
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ chí tình của các địa phương, bạn bè trong và ngoài nước; nhờ phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, tinh thần đoàn kết, đồng thuận; kế thừa những thành quả của các thời kỳ trước và bằng những cách làm mới, sáng tạo, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng, bứt phá đi lên, đạt được nhiều thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trong chặng đường tròn 1/4 thế kỷ, nhất là khi thành phố triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nổi bật là tình hình chính trị thành phố luôn ổn định và giữ vững, nội bộ đoàn kết thống nhất, nhân dân đồng thuận, kinh tế-xã hội phát triển theo hướng bền vững, quốc phòng - an ninh được củng cố, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế mở rộng, vị thế thành phố được nâng cao, tạo thế và lực mới để thành phố đẩy mạnh phát triển và hội nhập sâu rộng.
Trong tiến trình xây dựng và phát triển, thành phố thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, không ngừng mở rộng dân chủ trong toàn xã hội, thực hiện tốt phương châm “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”.
Với tinh thần đồng thuận, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, lãnh đạo thành phố đã lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện có kết quả những công việc lớn, mang tính đột phá. Đặc biệt là khai thác, phát huy nhiều nguồn lực để thúc đẩy đầu tư trên các lĩnh vực, triển khai tốt công tác xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, lựa chọn những đột phá trong từng giai đoạn để phát triển đúng hướng. Nhờ vậy, diện mạo Đà Nẵng hôm nay đã thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, trở thành hình mẫu phát triển năng động trong khu vực, được ghi nhận và đánh giá cao.
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với các đô thị lớn trong cả nước, Đà Nẵng từng bước phát triển đi lên và khẳng định vị trí quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; các nguồn lực trong xã hội được phát huy; các ngành, lĩnh vực đều được phát triển. Hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, tạo nên thay đổi cả về tầm vóc, quy mô và diện mạo thành phố.
Nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Các chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện, gắn với chương trình “Thành phố 5 không”, “3 có”, “4 an”; Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước.
Để phát triển Đà Nẵng, ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, định hướng trong quá trình phát triển của thành phố, tạo một nguồn lực có sức động viên rất lớn đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.
Thực hiện hiệu quả nghị quyết này, Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững hơn, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm vực quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước; một động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mục tiêu đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Để Nghị quyết số 43-NQ/TW nhanh chóng được cụ thể hóa, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, thời gian. Quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển Đà Nẵng được tiến hành chặt chẽ, công phu và có lộ trình, kế hoạch cụ thể.
Đảng bộ thành phố duy trì sự tập trung cao độ và tinh thần phấn đấu với quyết tâm cao nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các ngành kinh tế ổn định và phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tích cực huy động các nguồn thu vào ngân sách, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân thành phố.
Có thể khẳng định, những thành tựu của Đà Nẵng hôm nay chính là kết tinh của trí tuệ, tâm huyết, sự trăn trở, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ và nhân dân thành phố, với mục tiêu chung: vì tương lai tươi sáng, vì cuộc sống ấm no của nhân dân - làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững, hướng đến xây dựng Đà Nẵng hiện đại, thông minh và đáng sống trong những thập kỷ tới.
BÁO ĐÀ NẴNG