Chính trị - Xã hội

Bất cập từ việc dự trữ xăng dầu quốc gia được giao cho doanh nghiệp

14:43, 16/03/2022 (GMT+7)

“Khi kiểm tra các đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương có làm rõ được việc có dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu không? Có lẫn lộn trong việc dự trữ này không? Chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia như thế nào?”. Đây là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu Quốc hội nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng 16-3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn-TTXVN

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt câu hỏi về thông tin chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia này như thế nào, khi đấu giá rồi thì phải có nguồn bù vào. “Không được để mất nguồn cung xăng dầu”, đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chất vấn về dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Về quy định dự trữ quốc gia, chúng ta bây giờ có đủ lượng dự trữ từ 5-7 ngày, với lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 1,8 - 1,9 triệu m3.

“Hiện quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế rõ ràng chúng tôi thấy bất hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ Công Thương đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ này, đồng thời xem xét có thể đề xuất mức dự trữ cao hơn nữa để tránh khi bất trắc, có thể dự trữ được một vài tháng. “Chúng tôi rất đồng tình với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội. Nhờ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, chắc chắn đề xuất sau này của Bộ Công Thương sẽ được xem xét thuận lợi hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc của mình hay không, trong khi cũng là xăng dầu ấy, cũng để ở kho ấy thì đây thực sự là một “ẩn số”. “Chúng tôi nghĩ nếu sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối thì chắc chắn sẽ tốt", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và sẵn sàng đề xuất để có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia bằng các tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ của doanh nghiệp bằng các kho do doanh nghiệp quản lý. “Khi đó việc kiểm tra, kiểm soát việc vận hành xăng dầu mới tốt. Đúng như các đại biểu nêu, trong hoàn cảnh thế giới có nhiều biến động, chúng ta cần nghĩ tới việc dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm thì lúc khó mới có mà dùng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc đấu giá 100 triệu lít dầu, Bộ Công Thương được giao chuyển đổi nguồn dự trữ từ xăng RON 92 sang xăng RON 95. Việc đấu giá thực chất là chuyển đổi nguồn xăng thông dụng hơn, khi bán đấu giá minh bạch có sự giám sát của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, đặc biệt là có sự giám sát của Chính phủ…

Thông tin thêm về vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Dự trữ xăng dầu quốc gia đến nay chúng ta chưa tách bạch được nên trong số 33 thương nhân đầu mối xăng dầu cần phải được khắc phục. “Cần tách nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sáng 16-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trong năm qua, cùng với cả nước, ngành Công Thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Môi trường bên ngoài cũng không mấy thuận lợi, một phần như đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác vì xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gây khó cho tất cả các bên, nhất là các nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. 

Bước sang năm 2022, trong khi đang phải đối diện với nguy cơ gia tăng lạm phát quy mô toàn cầu do hầu hết các quốc gia đều tăng các gói kích cầu để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch thì lại nổ ra sự kiện Nga - Ukraina; biến cố này kết hợp với những biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây nhằm vào Nga - một nước xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong ngắn hạn và dài hạn; đe dọa thiếu hụt, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó có nước ta. Nguồn cung và giá cả hàng hóa trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu. Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

“Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức to lớn đó, ngành Công Thương dưới sự lãnh đạo thống nhất, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực hết mình, chủ động, sáng tạo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lưu thông ngay cả trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cung ứng điện, hàng hóa thiết yếu khá đầy đủ, ổn định. Đẩy mạnh sản xuất xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh, thương mại, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ trưởng Công Thương báo cáo trước Quốc hội.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với kết quả lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD và đưa vào thực thi 3 Hiệp định thương mại tự do lớn với EU, Vương quốc Anh và gần đây nhất là Hiệp định RCEP góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống đại dịch, có hiệu quả phục hồi kinh tế xã hội. 

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, nhiều khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện đòi hỏi công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cần phải tập trung giải quyết, trước hết là tình hình giá một số nguyên liệu, vật tư chiến lược, nhất là xăng dầu tăng cao. 

Tình trạng buôn lậu, hàng giả không rõ nguồn gốc, xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, tiếp đến là tình trạng ùn tắc hàng hóa tại biên giới phía Bắc, hệ quả của chính sách phòng chống dịch Covid-19 rất nghiêm ngặt của Trung Quốc, tập quán sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, xuất hàng tiểu ngạch của nhiều địa phương trong nước.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề này.  Để bảo đảm đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu xăng dầu trong nước, ngay từ đầu tháng 1-2022, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các doanh nghiệp đầu mối; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát cung ứng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài cao nhất, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều hành xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước và bám sát diễn biến giá thế giới.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đó, tình hình cung ứng xăng dầu được duy trì ổn định, nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết quý 2 năm 2022 trong điều kiện năng lực sản xuất dầu trong nước vẫn chưa đạt được sản lượng cam kết.  

Các đại biểu Quốc hội dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Các đại biểu Quốc hội dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đối với công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại Bộ Công Thương đã ban hành và tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ; chỉ đạo thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất với nhiều mặt hàng, lĩnh vực trong nền kinh tế; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tấn công triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lớn. Nhờ vậy, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tại hầu hết các địa bàn nổi cộm tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây.

Trả lời các đại biểu Quốc hội về giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã cùng với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc; trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; đồng thời, Bộ đẩy mạnh giao thiệp với các đối tác phía bạn thông qua nhiều hình thức, cả trực tuyến và công thư để cùng tìm biện pháp xử lý.

Kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết hàng hóa ùn tắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban để phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mở lại và duy trì thông quan tại các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ đã duy trì, xây dựng, nhanh chóng trình Thủ tướng phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới theo hình thức thương mại chính ngạch và Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong tương lai.  Nhờ những nỗ lực đó, tình hình ùn tắc hàng hóa từ cửa khẩu phía Bắc đã từng bước được tháo gỡ, lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán.

Theo Báo Tin tức

.