Chính trị - Xã hội

Những nhân vật chính của một cuộc gặp mặt

07:01, 30/03/2022 (GMT+7)

Đối với Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, ngày 29-3 năm nay không chỉ là ngày kỷ niệm tròn 47 năm giải phóng thành phố mà còn là ngày đánh dấu chặng đường một phần tư thế kỷ Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do ý nghĩa đặc biệt của sự kiện lịch sử thường niên lần này, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chủ trương tổ chức ở Cung Thể thao Tiên Sơn một cuộc gặp mặt qua hình thức hội nghị thông tin chuyên đề dành cho 1.202 bí thư chi bộ khu dân cư trên địa bàn thành phố - những người có đóng góp lớn lao trên hành trình phấn đấu xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Đà Nẵng hơn hai năm qua là vừa lãnh đạo công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa lãnh đạo phục hồi kinh tế, trước hết là kinh tế du lịch, trong và sau đại dịch.

Để các bí thư chi bộ khu dân cư dự cuộc gặp mặt có điều kiện nghiên cứu sâu hơn nội dung được thông tin cũng như để phục vụ đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân thành phố nhân ngày 29-3 năm nay, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy tuyển chọn, biên soạn tập sách Đà Nẵng khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022), trong đó đáng chú ý là phần thứ hai với tiêu đề Những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo Bác năm 2021, tập hợp 12 bài viết về những tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2021, gồm 7 tấm gương bí thư chi bộ khu dân cư điển hình và 5 tấm gương có thành tích nổi trội được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Trong quá trình phấn đấu vươn lên trở thành một đô thị an bình, văn minh, hiện đại và đáng sống, một thành phố phát triển bền vững và phồn vinh đầy khát vọng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng không chỉ tận dụng các động lực bên ngoài, chẳng hạn như một số cơ chế đặc thù trong phát triển mà Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - đã dành riêng cho Đà Nẵng, mà còn từng bước gầy dựng và phát huy nguồn nội lực của chính mình. Một trong những nội lực luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng xem là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, chính là sự đoàn kết một lòng cùng hướng về đại cuộc của cả hệ thống chính trị toàn thành phố, là sự đồng thuận xã hội thể hiện qua việc “Đảng nói - Dân tin, Mặt trận và Đoàn thể vận động - Dân theo, Chính quyền làm - Dân ủng hộ”, là sự lớn mạnh không ngừng của khối đại đoàn kết toàn dân.

Một nội lực nữa cũng luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng chăm chút, xem đấy là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng, chính là vai trò của các khu dân cư - các tổ dân phố và các thôn trên địa bàn thành phố. Sắp đến đây, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận và thông qua một dự luật, trong đó đặc biệt xem trọng vai trò của các khu dân cư trong việc hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa bổ sung hoàn thiện. Và cũng chính vì thế, trong nhận thức của Ban Thường vụ Thành ủy, công tác xây dựng Đảng nói riêng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố chúng ta không thể không quan tâm đến các chi bộ khu dân cư - tổ chức Đảng gần dân nhất, gắn bó với dân nhất và là nơi mà các đảng viên đương chức thường xuyên giữ mối liên hệ nhằm tạo thêm một kênh quản lý đảng viên đương chức. Đây là lý do vì sao 1.202 đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư của cả 56 phường, xã đều có mặt và trở thành những nhân vật chính được vinh danh trong hội nghị thông tin chuyên đề có thể nói lịch sử ở Cung  Thể thao Tiên Sơn hôm qua.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà một trong hai chuyên đề được các chuyên gia thông tin ở hội nghị này lại có nhan đề Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Đà Nẵng - nhìn từ chi bộ khu dân cư. Có thể nói tất cả các di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa vật thể, di tích lịch sử, văn hóa đều có địa chỉ cụ thể, đều tọa lạc trên địa bàn một/hai phường, xã, và thường gắn với khu dân cư. Trong phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh rằng, để góp phần tích cực vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố, các chi bộ khu dân cư ở Đà Nẵng “cần chủ động phát huy lợi thế tại chỗ cùng ưu thế cập nhật thông tin nhằm phát hiện sớm các trường hợp xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại, nhằm bảo vệ các di sản vật thể, trước hết là các di tích lịch sử, văn hóa không bị xâm hại bởi thiên nhiên và nhất là bởi con người”.

Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh đã báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát ý kiến của các đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư trên địa bàn thành phố, qua đó giúp lãnh đạo thành phố ghi nhận được nhiều phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân, nắm bắt được nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở… Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị cũng đã định hướng ban hành những chế độ chính sách mới cho bí thư chi bộ khu dân cư với tinh thần vận dụng đến mức tối đa có thể, đồng thời định hướng nội dung tập huấn nghiệp vụ xây dựng Đảng cho cấp ủy chi bộ khu dân cư nhằm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

BÙI VĂN TIẾNG

.