Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác thống kê phải bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, qua đó đưa ra dự báo, hoạch định chính sách cho Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Sáng 17-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị trực tuyến Thống kê toàn quốc với chủ đề “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao chất lượng hiệu quả”.
Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến có hơn 14.000 cán bộ thống kê, cán bộ, lãnh đạo cấp huyện và cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo tại hội nghị, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống thống kê Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhân dân, Thống kê Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả.
Minh chứng cho điều này chính là việc Luật Thống kê đã 3 lần được xây dựng và sửa đổi, các nghị định triển khai Luật Thống kê được ban hành ngay sau đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động thống kê được thông suốt.
Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương, tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố.
Trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê. Trên 95% công chức, viên chức công tác trong hệ thống thống kê có trình độ từ đại học trở lên.
Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê.
Hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước.
Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế-xã hội.
Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương.
Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai trên phạm vi cả nước tạo nền tảng vững chắc cho công tác thống kê trước mắt và lâu dài. Hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê được quan tâm, hỗ trợ tại Trung ương và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành góp phần xây dựng chính phủ điện tử...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Ngành thống kê đề ra các nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới như hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê.
Cùng với đó, ngành thống kê hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê; tăng cường tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được trên các mặt hoạt động công tác thống kê; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân; tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, nhất là công tác thống kê tại các bộ, ngành và địa phương.
Đặc biệt, các đại biểu quốc tế đã chia sẻ và khuyến nghị với ngành Thống kê và Chính phủ Việt Nam những giải pháp để Thống kê Việt Nam có thể hội nhập và phát triển trong cộng đồng thống kê quốc tế và khu vực.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định công tác thống kê có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong việc đánh giá, hoạch định chính sách.
“Bác Hồ đã nói 'thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước,' theo đó, tai phải thính, mắt phải tinh; ông cha ta cũng dạy 'nói có sách, mách có chứng' và muốn 'nói có sách, mách có chứng' thì phải có thống kê; ta cũng thường nói 'con số biết nói' và để có con số thì phải có số liệu thống kê; hiện nay thế giới đang phát triển trí tuệ nhân tạo, dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, để có dữ liệu lớn thì cần phải thống kê,” Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm đến công tác thống kê. Do đó công tác thống kê phải bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, liên tục, lưu trữ và hội nhập.
Số liệu thống kê phải được phân tích, đánh giá để đưa ra dự báo, xây dựng, hoạch định chính sách.
Với phương châm "số liệu thống kê là nền tảng, là trung tâm; phân tích, đánh giá, dự báo là động lực; phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách là bao chùm; người dân phải được thụ hưởng hiệu quả của công tác thống kê."
Thủ tướng cũng thẳng thắng cho rằng nhận thức về công tác thống kê của các cấp, các ngành vẫn chưa xứng tầm với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê; đầu tư cho công tác thống kê chưa tương xứng; việc đánh giá, phân tích, sử dụng kết quả thống kê hiệu quả chưa cao…
Theo Thủ tướng, trong năm 2021, đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi, nhưng chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, tạo nền tảng quan trọng phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội với nhiều điểm sáng tích cực.
Có được thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, trong đó có sự chung tay, góp sức tích cực từ ngành Thống kê.
Thành công trên cho thấy, các cấp, ngành đã bám sát thực hiện tốt các cương lĩnh của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Bám sát và giữ vững chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; hội nhập quốc tế nhưng giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng cho rằng trong thành quả chung của đất nước, trong năm qua ngành thống kê đã bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; triển khai thực hiện Luật Thống kê mới được Quốc hội thông qua; thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ; kiện toàn tổ chức ngành thống kê từ Trung ương đến cơ sở theo hướng chuyên môn hóa; hợp tác quốc tế trong công tác thống kê được đẩy mạnh...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành thống kê. “Những kết quả đạt được của các đồng chí là rất tích cực, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác thống kê vẫn còn những hạn chế. Nhận thức về công tác thống kê, nhất là người đứng đầu chưa được coi trọng, đúng tầm; sự phối hợp của các cơ quan chưa thực sự chặt chẽ, nhịp nhàng; nguồn nhân lực ngành thống kê chưa đủ mạnh; công tác chuyển đổi số trong ngành thống kê vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc cung cấp số liệu còn chậm; công tác phân tích, đánh giá từ số liệu thống kê chưa hiệu quả; công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên số liệu thống kê chưa được quan tâm, còn dựa vào kinh nghiệm...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn...
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải thực hiện "đa mục tiêu" nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; chỉ đạo thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ Chương trình phòng, chống dịch bệnh gắn với Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Phải bảo đảm kinh tế-xã hội hồi phục nhanh, phát triển bền vững; giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào; tiếp tục hội nhập sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.
“Chính phủ đưa ra chủ đề của năm 2022 là 'Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi và phát triển' và ngành Thống kê cũng có chủ đề của năm là 'Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả' là rất phù hợp,” Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày, sách, hình ảnh, hiện vật ngành thống kê. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đưa ra quan điểm chỉ đạo chung là suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, đồng thời thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối cùng.
Đối với những vấn đề đã "chín, đã rõ." được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, tiếp tục phát huy; những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Trên quan điểm đó, Thủ tướng yêu cầu ngành thống kê và các cấp, ngành thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê.
Phải nâng cao nhận thức về công tác thống kê trong toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với người đứng đầu ở các cấp chính quyền. Đề nghị người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo và nắm công tác thống kê để thống kê thực sự “là tai, là mắt” của Đảng, Nhà nước.
Công tác thống kê phải bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, liên tục, lưu trữ và hội nhập. Số liệu thống kê phải được phân tích, đánh giá, dự báo và sử dụng phục vụ đắc lực cho xây dựng, hoạch định chính sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm.
Coi trọng và đầu tư cho ngành thống kê, trên nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm. Đầu tư hơn nữa cho nâng cao chuyển đổi số trong hoạt động thống kê và ngành thống kê, trong đó phải kết hợp các nền tảng công nghệ để phục vụ công tác thống kê có hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác thống kê; đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực thống kê. bảo đảm việc chi phí hành chính cho công tác thống kê phải thấp; người dân phải được thụ hưởng thành quả, không ai bị bỏ lại phía sau.
Về các kiến nghị của Tổng cục Thống kê, Thủ tướng giao các bộ, ngành trong phạm vi, nhiệm vụ được phân công sớm nghiên cứu và có trả lời bằng văn bản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những việc vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng ngành thống kê với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tinh thần đổi mới mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thống kê Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; khẳng định và đóng góp vai trò ngày càng lớn đối với công tác thống kê của khu vực và thế giới; trước mắt là phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế-xã hội nhanh và phát triển bền vững.
Theo Vietnam+