Để lời hứa với cử tri thành hiện thực

.

Là cơ quan hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tham gia tổ chức bầu cử đại biểu dân cử các cấp, Mặt trận có trách nhiệm theo sát hoạt động của đại biểu dân cử trong suốt nhiệm kỳ 5 năm. Hoạt động này nhằm bảo đảm lời hứa trong chương trình hành động của người trúng cử được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết:

- Để ban hành Đề giám sát đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Nghị quyết liên tịch số 403/2017-NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15-6-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam”; Thông tư số 23/TTr-MTTW-BTT ngày 21-7-2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc hướng dẫn quy trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Đặc biệt, căn cứ Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”; đồng thời nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và trách nhiệm của đại biểu dân cử trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, việc ban hành Đề án giám  sát đại biểu dân cử trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.

* Nội dung và phương thức giám sát trong hoạt động này như thế nào, thưa bà?

- Như tôi đã nói ở trên, với đề án này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cùng cấp trên địa bàn thành phố tập trung vào giám  sát việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử mà cụ thể ở đây là đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2021-2026; đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó, chú trọng giám sát hoạt động chất vấn và tham gia chất vấn của các đại biểu tại các kỳ họp HĐND và kỳ họp Quốc hội; giám sát việc liên hệ và tiếp xúc cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử, giữ mối liên hệ nơi cư trú; việc tiếp nhận đơn thư, ý kiến góp ý của nhân dân, các tổ chức thành viên, ban công tác mặt trận, ban thanh tra nhân dân đối với hoạt động của đại biểu dân cử. Một nội dung nữa là giám sát việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026 báo cáo trước cử tri tại các hội nghị vận động bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Mặt trận các cấp chú trọng giám sát hoạt động chất vấn và tham gia chất vấn của các đại biểu tại các kỳ họp HĐND thành phố. Trong ảnh: Đại biểu HĐND thành phố  Huỳnh Bá Thành phát biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa X. Ảnh: NGỌC PHÚ
Mặt trận các cấp chú trọng giám sát hoạt động chất vấn và tham gia chất vấn của các đại biểu tại các kỳ họp HĐND thành phố. TRONG ẢNH: Đại biểu HĐND thành phố Huỳnh Bá Thành phát biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa X. Ảnh: NGỌC PHÚ

Mặt trận các cấp sẽ tiến hành giám sát thông qua kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND thành phố; thông qua việc tiếp xúc cử tri, tập hợp và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, của hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên đối với các đại biểu dân cử; thông qua chất lượng hoạt động, tham gia góp ý, xây dựng, nghiên cứu chính sách, văn bản của Quốc hội và HĐND giao cho đại biểu mỗi kỳ họp.

Ngoài ra, giám sát thông qua các báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các tổ đại biểu HĐND thành phố, báo cáo định kỳ của cá nhân đại biểu dân cử; bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát; yêu cầu đại biểu dân cử báo cáo và giải trình đối với những vấn đề MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên kiến nghị; thông qua sinh hoạt của đại biểu dân cử nơi cư trú…

* Thông qua hoạt động giám sát đại biểu dân cử, Mặt trận hướng đến mục tiêu gì?

- Mục đích giám sát nhằm phát huy chức trách, nhiệm vụ của đại biểu dân cử theo luật định góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu với nhân dân.

Giám sát cũng giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp hỗ trợ cho các đại biểu giám sát và thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tình hình tại địa phương nơi ứng cử; tham gia giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân địa phương sát thực tế trên các lĩnh vực, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giám sát nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Để tăng cường hiệu quả công tác giám sát đại biểu dân cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội, các tổ đại biểu HĐND thành phố nâng cao chất lượng tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri; kiên trì có văn bản kiến nghị tiếp sau giám sát, nhất là những vấn đề nhân dân bức xúc; kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị nhân dân gửi đến; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa giám sát mang tính nhà nước của các cơ quan dân cử với giám sát, phản biện mang tính xã hội của Mặt trận các cấp; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong hoạt động giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri...

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.