Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

.

Huyện Hòa Vang có nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, tạo những bước phát triển mới, hiệu quả hơn; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư.

Cán bộ Tư pháp xã Hòa Liên tiếp dân để tháo gỡ các vướng mắc, mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Cán bộ Tư pháp xã Hòa Liên tiếp dân để tháo gỡ các vướng mắc, mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Gắn kết cộng đồng dân cư

Xã Hòa Liên là địa phương thường xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng những năm qua, địa phương này luôn được đánh giá là địa bàn tiêu biểu trong việc làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở.

Ông Ngô Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các vụ việc xảy ra ở các thôn được báo cáo kịp thời tới tổ hòa giải, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn được tìm hiểu, hòa giải ngay ở thôn. Hiện toàn địa bàn xã có 13 tổ hòa giải với 43 hòa giải viên, trong đó đa phần trưởng thôn và bí thư chi bộ thôn là tổ trưởng tổ hòa giải.

Anh Đỗ Ngọc Hiếu, cán bộ Tư pháp xã Hòa Liên cho biết, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như đưa vào chương trình phát thanh 20 phút trên bản tin hằng ngày của đài truyền thanh xã về những nội dung liên quan tới hòa giải cơ sở; lồng ghép vào các hội nghị, họp dân, họp chi bộ ở khu dân cư. “Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 1 lớp tập huấn liên quan tới công tác hòa giải ở cơ sở và tiến hành hòa giải thành công 6 vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, mâu thuẫn hôn nhân - gia đình”, anh Hiếu nói.

Nhắc đến công tác hòa giải ở xã Hòa Liên, nhiều người nhớ đến bà Trịnh Thị Hà ở thôn Quan Nam 2. Bà Hà khá bận rộn với công việc bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nhưng luôn tích cực làm tốt công tác hòa giải. Nhiều cuộc hòa giải không chỉ đem cái lý, cái tình hàng xóm, tình nghĩa anh em ra mà còn phải vận dụng các điều khoản của pháp luật để thuyết phục các bên.

“Hòa giải thường ở thôn nên trước hết phải nghĩ rằng không có người thắng, người thua, mà chủ yếu để giải quyết các mâu thuẫn, tạo sự bình yên, gắn kết tình cảm bà con”,  bà Hà chia sẻ.

Tại xã Hòa Phú có 70 tổ trưởng và thành viên hòa giải cơ sở ở 8 thôn trên địa bàn xã. Trong đó, các hòa giải viên đều là trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ Mặt trận, thành viên các đoàn thể… Ông Nguyễn Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho biết: “Từ nhiều năm qua, vai trò của tổ hòa giải đã phát huy mạnh mẽ, giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong ấp, góp phần ổn định an ninh trật tự, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng. Nhờ có các tổ hòa giải mà số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã giảm rất nhiều”.

Nâng cao chất lượng hòa giải từ cơ sở

Phòng Tư pháp huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn toàn huyện có 113 tổ hòa giải với khoảng 700 hòa giải viên. Phần lớn các tổ hòa giải có 5-7 hòa giải viên, là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, hiểu biết về pháp luật và kinh nghiệm trong công tác hòa giải nên có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Hòa Vang, để nâng cao chất lượng công tác hòa giải, huyện quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở. Đối với đội ngũ hòa giải viên, hằng năm, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Riêng năm 2022, đã tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được 103 buổi với 9.863 lượt người tham dự. Phòng Tư pháp huyện phối hợp UBND các xã cung cấp tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, phát các bản tin tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương; lồng ghép hoạt động hòa giải với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng thôn, xóm văn hóa”... Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong năm 2021 là 116 vụ việc; trong đó lĩnh vực dân sự 79 vụ, hôn nhân và gia đình 15 vụ và 22 vụ hòa giải các vấn đề khác... Các tổ hòa giải đã hòa giải thành công 98 vụ việc, đạt tỷ lệ 93%.

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đánh giá, qua các cuộc hòa giải ở cơ sở, bằng uy tín, kỹ năng thuyết phục và nắm chắc kiến thức pháp luật, các hòa giải viên đã hòa giải thành các mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm vợ chồng, tình nghĩa bà con thân tộc, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, góp phần làm giảm đáng kể các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện. Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ và phổ biến các văn bản luật mới ban hành, giúp hòa giải viên cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ; chú trọng công tác khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình có cách làm hay, sáng tạo trong công tác hòa giải.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.