Chính trị - Xã hội

Hiệu quả từ sắp xếp, đổi mới tổ chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập

06:37, 05/05/2022 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thành phố Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Nổi bật là thực hiện Đề án Sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2018-2021.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, thực hiện đề án, thành phố đã hoàn thành sắp xếp 71 đơn vị sự nghiệp công lập đúng lộ trình thời gian đặt ra, vượt số lượng dự kiến 22 đơn vị (đề án dự kiến sắp xếp 49 đơn vị) và thực hiện được “4 giảm”, gồm: giảm đầu mối: sắp xếp 71 đơn vị, giảm 37 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 124 đơn vị cấp phòng; giảm lãnh đạo, quản lý: giảm 178 vị trí lãnh đạo, quản lý;  giảm biên chế: thu hồi 93 chỉ tiêu số lượng người làm việc; giải quyết cho 43 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; chấm dứt hợp đồng lao động đối với 23 người; giảm kinh phí từ ngân sách: thông qua đổi mới, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tinh giản biên chế, trong giai đoạn 2017 - 2019 đã giảm chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn trước khoảng 280 tỷ đồng.

Các phương án sắp xếp, đổi mới được thực hiện theo định hướng, quy định của Trung ương. Một số trường hợp tinh gọn hơn so với quy định của Trung ương nhằm phù hợp với tình hình địa phương và xu hướng xã hội hóa hoạt động sự nghiệp. Điển hình như sắp xếp giảm 15 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao còn 9 đơn vị; hợp nhất 5 đơn vị sự nghiệp y tế dự phòng để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) trực thuộc Sở Y tế. “Qua việc sắp xếp, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được nâng cao, mức độ tự chủ tăng, thu nhập, đời sống của viên chức, người lao động được cải thiện”, ông Đồng nói.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử cho biết, đến nay, mạng lưới các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa và thể thao trực thuộc sở và UBND các quận, huyện đã được sắp xếp tinh gọn. Các đơn vị trực thuộc sở sau khi sắp xếp đều đáp ứng yêu cầu về tổ chức bộ máy và số lượng người làm việc, hoạt động ổn định, bước đầu phát huy hiệu quả. Hiện nay, mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố chỉ có 1 trung tâm văn hóa và thể thao, phù hợp với Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, năm 2019, UBND thành phố đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh quận, huyện. Các đơn vị sự nghiệp văn hóa và thể thao đã đi vào hoạt động ổn định.

Ông Phạm Tấn Xử cho biết, các đơn vị đã có nhiều cố gắng, sớm ổn định tổ chức bộ máy sau khi sáp nhập, hợp nhất; chủ động và nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tăng cường thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tìm kiếm những giải pháp để tăng nguồn thu, góp phần thực hiện việc chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính từ ngân sách bảo đảm toàn bộ sang tự chủ một phần kinh phí hoạt động và từ tự chủ một phần kinh phí hoạt động sang tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên. Từ năm 2016-2019, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở đã cố gắng tăng mức tự chủ theo đúng định hướng của thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng Covid-19 nên quá trình tự chủ của các đơn vị bị chậm lại, chỉ còn Nhà hát Trưng Vương tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên.

Đối với các trung tâm văn hóa và thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện, đến cuối năm 2020 có 5 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên (các quận: Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang). Các đơn vị đã sớm khai thác, phát huy thế mạnh, chủ động triển khai nhiệm vụ, đổi mới hoạt động nhằm nâng cao mức độ tự chủ, nhất là trong thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo ông Xử, theo lộ trình, đến năm 2025 có 2 đơn vị tự chủ hoàn toàn, 1 đơn vị Nhà nước bao cấp (Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên thể dục thể thao), các đơn vị còn lại tự chủ một phần. Đến năm 2027, có 3 đơn vị tự chủ hoàn toàn, 1 đơn vị Nhà nước bao cấp, các đơn vị còn lại tự chủ một phần. Đến năm 2030, duy trì 3 đơn vị tự chủ hoàn toàn, các đơn vị khác nâng mức tự chủ lên cao hơn, giảm bình quân 10-15% chi trực tiếp từ ngân sách (so với giai đoạn 2011-2015), Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên thể dục thể thao giảm chi trực tiếp từ ngân sách 3-5%.

Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Trần Quang Hào cho biết, nhà hát đang thực hiện Đề án sắp xếp mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập ngành Văn hóa và Thể thao trên địa bàn thành phố, đến năm 2025 sẽ tự chủ hoàn toàn. Nhằm nâng cao việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, thành phố đã ban hành Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố cho Bưu điện thành phố. Đến nay đã có 15 sở, quận, huyện chuyển giao cho nhân viên Bưu điện thực hiện tiếp nhận, trả kết quả; giảm 18 vị trí tại bộ phận “Một cửa”.

TRỌNG HUY

.