Trong vai trò Tổ trưởng tổ dân phố 52, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), ông Hứa Đình Bảo (SN 1962) được nhiều người dân thương mến vì sự nhiệt tình, chất phác và luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh gia đình để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Hứa Đình Bảo (bên phải) thường xuyên đến nhà người dân trong khu dân cư để tuyên truyền, vận động tham gia các phong trào tại địa phương. Ảnh: N.PHƯƠNG |
Tuy thuộc diện hộ nghèo, vợ thường xuyên đau ốm, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông Bảo tâm niệm rằng: “Mình khó thì còn nhiều người khó hơn mình”. Chính vì vậy, ông luôn nỗ lực vận động, hỗ trợ người dân tại địa phương. Vì luôn gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh của từng hộ dân nên ông luôn nắm bắt những trường hợp khó khăn và đề xuất với chính quyền địa phương để hỗ trợ kịp thời. Năm 2018, ông Lê Nhứt (sinh năm 1922, trú phường Hòa Quý) không may liệt hai chân, con trai ông Nhứt thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Biết được hoàn cảnh này, ông Bảo đã đến từng hộ dân trong khu dân cư vận động nguồn kinh phí để hỗ trợ gia đình, đồng thời đề xuất phường hỗ trợ gia đình hơn 4,5 triệu đồng/năm cho gia đình ông Nhứt.
Ông Bảo thường đến nhà bà con trong tổ để trò chuyện, nắm bắt tâm tư. Trong một lần tình cờ, ông phát hiện anh Lưu Văn P. (người địa phương) sử dụng ma túy. Ngay lập tức, ông gặp gia đình để khuyên răn và động viên P. đi cai nghiện. Biết bố mẹ không muốn xa con, ông Bảo tìm đến người có uy tín trong tộc họ của P. để tiếp tục vận động. Sau nhiều lần nỗ lực khuyên nhủ, gia đình quyết định cho P. đi cai nghiện. Hoàn thành cai nghiện, P. trở về địa phương và theo học nghề lái xe. Đến nay, P. trở thành công dân có ích cho xã hội. “Nhìn P. trở thành công dân tốt, tôi rất mừng. Đôi khi, niềm vui đơn giản chỉ cần như vậy, đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục góp sức cho công tác địa phương”, ông Bảo tâm sự.
Không chỉ vậy, với công tác bảo đảm an ninh trật tự, ông Bảo cũng trở thành người “phân xử” cho chuyện to, chuyện nhỏ của nhiều gia đình trong tổ. “Vợ chồng cãi nhau, hay xóm làng mâu thuẫn thì bà con lại gọi tôi. Mình đến phân xử đúng sai, thiệt hơn, mọi người nghe cũng xuôi theo. Nhờ vậy xóm làng lại vui vẻ, gia đình hòa thuận”, ông Bảo nói.
Công việc của tổ trưởng với hàng trăm đầu việc không tên. Trong những ngày thành phố thực hiện phong tỏa, với sự nỗ lực của mình, ông Bảo cùng các thành viên trong Tổ Covid-19 cộng đồng ngược xuôi hỗ trợ bà con trong tổ từ đi chợ, vận chuyển hàng, phân phát thực phẩm đến trực chốt, tiếp sức gia đình F0… Ở thời điểm đó, ông Bảo đi từ sáng đến tối muộn mới trở về nhà. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Đào (SN 1966) chia sẻ: “Bản thân tôi phải trải qua hai lần mổ cột sống nên việc đi lại gặp nhiều bất tiện. Tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng thấy được sự nhiệt huyết của chồng nên tôi thường xuyên động viên, ủng hộ ông hoàn thành tốt những nhiệm vụ trên giao phó”.
Ở tuổi 60, ông Bảo gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin. Mọi tin tức, ông đều ghi chép cẩn thận rồi trực tiếp tuyên truyền, thông báo đến người dân. Trước đây, tổ 52 chỉ khoảng hơn 20 hộ dân, nhưng đến nay đã hơn 80 hộ và có nhiều người thuê trọ nên việc thông báo, quản lý càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng với trách nhiệm của mình, ông Bảo luôn quản lý tốt tình hình an ninh trật tự, nhân khẩu địa bàn mình phụ trách.
Chị Lê Thị Như Ý (trú tổ 52) chia sẻ: Hoàn cảnh của chú Bảo trong xóm ai cũng biết, nhưng quý hơn cả là dù khó khăn chú vẫn hỗ trợ giúp đỡ mọi người nhiệt tình dù phải bươn chải với chuyện “cơm áo gạo tiền” nhưng vẫn hết mình vì chuyện xóm, chuyện thôn. Bí thư Chi bộ Khu dân cư Khái Tây (phường Hòa Quý) Nguyễn Nhị cho biết, ông Bảo là người rất nhiệt tình trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư và luôn nhiệt huyết trong các phong trào tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Huỳnh Bá Quý nhận định: Dù tuổi đã cao, đời sống kinh tế gia đình còn rất khó khăn những vẫn nỗ lực đóng góp cho các phong trào và công tác vận động của địa phương. Bằng những nỗ lực của mình, ông Bảo là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.
NGỌC PHƯƠNG