Chính trị - Xã hội

Phát triển nhà cao tầng: Phù hợp với quy hoạch tổng thể

06:19, 21/05/2022 (GMT+7)

UBND thành phố vừa chấp thuận nhà đầu tư và dự án phát triển một số công trình cao tầng nhằm phát triển đô thị Đà Nẵng ngày càng hiện đại, đồng bộ, gắn với phát triển kinh tế theo các định hướng chiến lược. 

Một số khu vực ven biển cần phát triển nhà cao tầng để bảo đảm nguồn cơ sở lưu trú, thúc đẩy và khai thác tiềm năng du lịch.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Một số khu vực ven biển cần phát triển nhà cao tầng để bảo đảm nguồn cơ sở lưu trú, thúc đẩy và khai thác tiềm năng du lịch. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Cơ hội để phát triển công trình cao tầng

Trong chuyến công tác đầu năm 2022 tại Đà Nẵng, GS.TS, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam cho rằng, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu phát triển đô thị Đà Nẵng hiện đại nên việc phát triển nhà cao tầng cần đưa vào quy hoạch để đô thị Đà Nẵng phát triển hiện đại và bền vững.

Để đô thị Đà Nẵng đạt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, thành phố sớm điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển đô thị như: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao…

Thực tế, trong 27 năm qua kể từ khi thành phố Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh về bề ngang theo hướng đô thị hóa nên làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Hệ thống khung thiên nhiên không được bảo toàn một cách tốt nhất, các yếu tố cây xanh, mặt nước (biển, sông, hồ) chưa được khai thác có hiệu quả; cấu trúc đô thị chưa bảo đảm để phát triển bền vững… Do đó, đô thị Đà Nẵng cần bổ sung quy hoạch công trình cao tầng, bởi thành phố hiện vẫn có nhiều dư địa để dung nạp trên cơ sở hiện trạng thành phố có chỉ tiêu xây dựng thấp.

Cùng quan điểm, theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, đô thị hiện đại không thể thiếu nhà cao tầng bởi nó mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, người dân và cả ngân sách địa phương. Phát triển nhà cao tầng góp phần khai thác hiệu quả các dự án giao thông hiện đại trong đô thị như: tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… Đối với không gian ven biển, sông, tư duy thiết kế phải lui lại một bước cho tư duy quy hoạch, để trả lời nơi nào nên và không nên xây. Việc xây nhà cao tầng ở đâu phải có luận cứ khoa học chứ không thể theo lối mòn đất càng rộng xây càng cao và theo “nguyện vọng” của nhà đầu tư.

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến xây dựng Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch. Trong đó, về định hướng phát triển không gian tổng thể, theo quy hoạch, các khu đô thị hiện hữu sẽ được tái phát triển theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.

Khu vực đô thị trung tâm như quận Hải Châu cần khuyến khích phát triển nhà cao tầng theo hướng đô thị nén để tái thiết các khu dân cư cũ. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu vực đô thị trung tâm như quận Hải Châu cần khuyến khích phát triển nhà cao tầng theo hướng đô thị nén để tái thiết các khu dân cư cũ. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phù hợp với quy hoạch tổng thể

Nhiều ý kiến bày tỏ hy vọng Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị hiện đại với những phố nhà cao tầng và cũng có không ít ý kiến phản đối việc này. Những năm gần đây, thành phố bắt đầu bộc lộ những hạn chế về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị... Trong đó, việc đô thị Đà Nẵng phát triển nhanh trong khi chưa khai thác hết lợi thế từ điều kiện cảnh quan tự nhiên, xu hướng xây dựng dàn trải với kiến trúc thấp tầng khiến hiệu quả sử dụng đất còn thấp, dẫn đến cạn kiệt nguồn đất dự trữ.

Trong hội thảo về “Thực trạng phát triển nhà cao tầng tại Đà Nẵng” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức gần đây, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng nhìn nhận đối với những thành phố như Đà Nẵng thì việc xây dựng nhà cao tầng là tất yếu. Nhà cao tầng thể hiện sự phát triển kinh tế, thể hiện sự sống động, sức thu hút của thành phố.

Việc nhà đầu tư muốn xây dựng nhà cao tầng hãy xem đó là cơ hội không phải thành phố nào cũng có được. Ở đây, cái cần lưu ý là khi chấp nhận xây dựng nhà cao tầng thì yêu cầu về hạ tầng là rất lớn. Vì vậy, cần có quy hoạch tổng thể, thiết kế đô thị chi tiết bảo đảm hài hòa với môi trường và các điều kiện khác.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhận định, để giải quyết các tồn tại trong một đô thị phát triển nóng, nhất là đô thị ven biển, ven sông cần có vai trò của nhà cao tầng. Vấn đề là làm sao kết nối hài hòa quyền lợi chính quyền, nhà đầu tư và người dân. Theo chuyên gia tư vấn quy hoạch công tác tại Công ty Nikken Sekkei, Đà Nẵng nên chọn hướng phát triển thành đô thị có các tòa nhà cao tầng ven sông, ven biển. Đà Nẵng có nhiều điểm tương đồng với thành phố Yokohama (Nhật Bản) và thành phố này hiện nay có rất nhiều phố nhà cao tầng. Không nên ác cảm, trái lại nên thu hút chủ đầu tư xây nhà cao tầng. Quan trọng là vị trí của nó nằm ở đâu, cơ sở hạ tầng ra sao, hiệu ứng cảnh quan thế nào, công trình đó thiết kế ra sao?...

Giải được các câu hỏi này thì nhà cao tầng sẽ đưa Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, nhiều hội viên Hội KTS thành phố cũng chỉ ra “đô thị như cơ thể, hạ tầng như chiếc áo, không thể vì chiếc áo chưa may kịp mà nói cơ thể đừng lớn nữa”. Do đó, thành phố cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ thiết kế đô thị, xác định khu vực phát triển nhà cao tầng phù hợp trên cơ sở quy hoạch tổng thể từ nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TRIỆU TÙNG 

.