Về nguồn…

.

Lần này, chúng tôi trở lại thăm căn cứ Hòn Tàu, một chuyến đi có người nói là du lịch xanh, người nói du lịch sinh thái. Tôi gọi là chuyến Về nguồn, muốn thăm lại và nhắc đôi điều mãi còn nhớ thương về những ngày hôm qua…

Núi Hòn Tàu (tỉnh Quảng Nam), nơi chứng kiến  cuộc kháng chiến anh dũng của quân, dân ta.  Ảnh: HOÀNG SƠN
Núi Hòn Tàu (tỉnh Quảng Nam), nơi chứng kiến cuộc kháng chiến anh dũng của quân, dân ta. Ảnh: HOÀNG SƠN

Đến tháng 8-1965, sau khi xác nhận các vùng nông thôn, đồng bằng ở miền Nam đã vào tay Quân Giải phóng, để cứu nguy và hà hơi tiếp sức cho tay sai, Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ thành phố Đà Nẵng và Kỳ Hà - Chu Lai, Quảng Nam. Từ đây, cuộc chiến trở nên vô cùng khốc liệt, nhiều lần địch lấn chiếm, lấy lại gần hết các vùng giải phóng của Quảng Nam và Quảng Đà.

Không thể chịu tổn thất với hỏa lực quá mạnh của quân Mỹ, chỉ du kích bám làng, bám dân, hầu hết các cơ quan đơn vị phải rời vùng đồng bằng Xuyên Thanh, Gò Nổi, vùng B - Đại Lộc, vùng Trung Duy Xuyên, Trung Thăng Bình, Điện Bàn, Hòa Vang… lên núi tìm hang hốc đá để cố thủ, tìm cách đánh thích hợp. Khi lui về đóng trên núi Hòn Tàu, từ các hang đá trên bờ con Khe Dâu, từ các căn hầm bên sườn núi dưới chân ‘‘miếng Lở’’, bên Khe Cát…, cán bộ, chiến sĩ lội xuống Đồng Lùng, Phú Diên, Gò Dê, Núi Đất, Xuyên Trà, Duy Ninh, Bà Rén… mua gạo, mắm, sữa, đường từ trong vùng địch kiểm soát chuyển ra.

Ngày ấy, lương thực cũng quan trọng như vũ khí, nhiều khi cần hơn vũ khí. Để chủ động mọi tình huống, cơ quan đơn vị nào cũng phải tổ chức sản xuất tự túc để tăng thêm nguồn lương thực. Một số đơn vị phân công một lực lượng vượt qua đèo Đòn Gánh, xuống Đồng Lùng, Nghi Sơn, tìm đất trồng rau. Một số bộ phận băng rừng, vượt đèo Le, lên Sơn Phúc - nơi một thời là ‘‘Đồng Nai con’’ của miền tây Quảng Nam, trước đó, là vùng đất thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu chọn làm căn cứ chống lại quân xâm lược Pháp, tìm đất dân làng bỏ hoang cuốc đất trồng khoai, cấy lúa.    

Vùng núi Hòn Tàu chạy dài từ thung lũng Quế Sơn, núi đồi cây xanh vây quanh chân núi Chúa, cây rừng âm u gần như che phủ khu đền tháp Chăm gần như hoang phế Mỹ Sơn - nay là Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.  Chân Hòn Tàu chạy qua núi đồi phía nam hồ - đập Vĩnh Trinh, qua những đồi núi cao dần lên đến Hòn Quắp, Hòn Cóc phía đông nam Hòn Bằng - Non Trược - Trà Kiệu - những tên gọi đã đi vào trang sử, trang văn.

Có hai giai đoạn Đặc khu ủy Quảng Đà xây dựng căn cứ ở Hòn Tàu: Giai đoan cuối năm 1968 đến tháng 12-1971: Bộ phận tiền phương của Ban Thường vụ Đặc khu ủy đóng ở núi Nhà Muỗi, dựa vào hang đá để ở và làm việc. Lúc này, bộ phận phía sau xây dựng căn cứ ở A7, ranh giới giữa huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang. Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, địch phát hiện cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà quay lại bám núi Hòn Tàu, Mỹ làm sân bay và trận địa pháo ở Rẩy Khuê, thường đưa quân Mỹ ở căn cứ An Hòa càn xuống và quân đóng ở Núi Quế càn lên, thay nhau băm nát từ núi đồi Đá Mái lên đèo Le. Có thời gian, chúng đổ quân nằm lỳ cả tháng trời ở đèo Đá Mái, Gò Hầm. Đồng thời, chúng xua đuổi dân Xuyên Trà, Xuyên Hiệp, của Duy Xuyên, dân Sơn Trung, Sơn Khánh, Sơn Long… của Quế Sơn vào khu dồn, không cho bà con về làng sản xuất, bỏ ruộng đồng hoang hóa, cỏ gai ngập đầu gối, ban đêm, nghe tiếng chân du kích heo rừng chạy từng bầy.

Giai đoạn hai từ tháng 12 -1971 đến tháng 3 -1975: Vào khoảng tháng 12-1971, hội nghị Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định chuyển toàn bộ cơ quan từ khu A7 xuống khu vực Hòn Tàu. Cơ quan Đặc khu ủy đóng ở núi Cù Hang. Đến đầu năm 1972, lại về đóng ở núi Mặt Rạng. Lúc này cơ quan Khu ủy 5 đóng ở Phước Trà, Hiệp Đức - đây là căn cứ được ghi nhận là An toàn khu.

Hòn Tàu là hòn núi lớn và cao nhất trong dãy núi chạy từ dãy Trường Sơn xuống đồng bằng miền Trung. Bên kia Hòn Tàu, dưới chân đèo Le, thuộc thung lũng Quế Sơn, có những tên gọi nhắc đến là nhớ những ngày bom pháo Mỹ gây ác liệt khủng khiếp như Hốc Xôi, Mương Đôi, Hòn Chiêng, Cấm Dơi, Lộc Đại, Nghi Sơn. Từ thung lũng Quế Sơn, leo lên đèo Le chừng cây số, bên tay mặt có hai cây xoài – Xoài đôi, leo tiếp, chừng cây số, có khe Nước mát – một khe nước chảy từ trong núi Hòn Tàu ra, quanh năm không cạn, mùa hè, ai qua đây cũng dừng chân nghỉ, tắm mát, nấu ăn. Nay, qua đây có dịp thưởng thức đặc sản gà đèo Le.

Đoạn đường này, từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, từng có một cái quán nổi tiếng: quán Lưng Đèo. Chuyện rằng: Thời kháng chiến chín năm, nhà thơ Khương Hữu Dụng đưa vợ con từ Quảng Huế, theo dân tản cư lên Trung Phước, rồi dẫn nhau lên đèo Le, dựng một cái quán nhỏ, đặt tên ‘‘Quán Lưng Đèo’’. Quán bán bánh, chuối, chè ngọt… kiếm đồng lời ít ỏi giúp một phần với vợ con chạy tản cư, cải thiện cuộc sống khá vất vả của gia đình một nghệ sĩ. Nay, quán không còn, chủ cũng từ biệt mọi người, chỉ còn mãi những câu thơ của nhà thơ Khương Hữu Dụng sáng tác để quảng bá mời khách qua Đèo Le: Đèo Le, có quán Lưng Đèo/Đường mai Trung Phước, dặm chiều Quế Sơn/Hỡi ai gối mỏi, chân chồn…

Băng qua Đèo Le, xuống làng Sơn Phúc (Quế Lộc), ra suối nước nóng, chợ Thơm, ra Trung Phước. Từ bến đò Trung Phước, theo thuyền trên sông Thu Bồn, lên Tý, Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm - Đá Dừng. Từ bến đò Trung Phước, xuống đò qua sông Thu Bồn, gặp làng Đại Bình nổi tiếng, qua vùng B của Đại Lộc, lên Giằng, lên Hiên - vùng dân tộc ít người - căn cứ cách mạng của miền tây Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày ấy, quân Mỹ chốt trên đỉnh Bằng Thùng, quan sát ngày đêm. Thấy hoạt động của quân giải phóng thì, tùy theo tình hình thực tế mà đưa ra hành động cụ thể: hoặc gọi phi pháo, hoặc gọi biệt kích đổ quân… Bằng Thùng là điểm chốt quân cao nhất, góp phần đắc lực giúp quân Mỹ khống chế một vùng đất núi đồi phía tây Quảng Nam - nơi có hệ thống giao thông liên lạc vô cùng quan trọng, giữa các tỉnh thành thuộc Trung Trung bộ, của Khu ủy 5.

Hòn Tàu là một đắc địa để giấu quân, để lui quân, để triển khai quân đi các nơi theo yêu cầu của cuộc kháng chiến. Các bệnh xá của bộ đội, của Ban Dân y tỉnh, của các huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên… núp dưới những vòm cây bên các khe suối đáp ứng yêu cầu điều trị và cứu chữa thương binh. Bệnh xá là đơn vị phục vụ gian khổ nhất và cũng bị tổn thất nhất. Vì khá cồng kềnh, phải bám chiến trường, dễ bị địch phát hiện và đánh phá. Khi bị địch thả bom, phục kích thì bệnh xá di chuyển đến một số điểm mới cận kề, để có thể kịp thời phục vụ thương binh. Thời kỳ ác liệt nhất, bắt đầu từ giữa mùa xuân 1967 và sau chiến dịch xuân Mậu Thận 1968.

Từ chân Hòn Tàu, vùng núi Duy Xuyên, đi bộ khoảng hai ba giờ đồng hồ thì đến đồng đất của Xuyên Thanh, Xuyên Lộc, đến với các làng, các chợ ven sông Mỹ Lược, La Tháp, Trà Kiệu, Bà Rắn, chợ Gò, Nam Phước, nơi có nguồn lương thực thực phẩm có thể chuyển ra vùng giải phóng cho cán bộ, bộ đội. Từ Hòn Tàu xuống vùng đồng bằng Trung Duy Xuyên vượt sông Thu Bồn qua Gò Nổi - Điện Bàn.

Nơi đây cũng có những cửa khẩu thu hút nguồn lương thực, thực phẩm từ trong vùng địch kiểm soát, nơi đây còn là địa bàn xây dựng cơ sở nội thành, xây nên những bàn đạp để đặt chân vào Đà Nẵng, Hôi An. Núi Hòn Tàu không có rừng già, không có hang động lớn nhưng dọc theo các khe có nhiều đá nhấp nhô khá hiểm trở, có những hang hóc đá bên dòng nước trong veo có thể che chắn nắng mưa để ở tạm, để cất giấu lương thực, vũ khí, có thể tránh bom, pháo.

Khi cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam, Tỉnh ủy Quảng Đà (từ cuối năm 1967, là Đặc Khu ủy Quảng Đà) về Hòn Tàu thì các cơ quan đơn vị trực thuộc cũng đi theo, thường ở thấp hơn, cách cơ quan của Tỉnh ủy, Đặc Khu ủy từ 45 phút đến 1 giờ đi bộ. Các cơ quan như Tổ chức, Tuyên huấn, Binh vận, Đấu tranh chính trị, Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận, Nông hội, Giao bưu… ở cách nhau chừng 30 phút đi bộ.

Ngày ngày các chiến sĩ giao bưu chân đạp đất, không ngừng nối thông tin liên lạc từ cơ quan này sang cơ quan khác, còn chuyển công văn, thư từ và người đến tất cả các huyện thị trong tỉnh theo yêu cầu. Các cơ quan của Tỉnh đội Quảng Nam, Tỉnh đội Quảng Đà, của Mặt trận 4 và cả của Quân khu 5, vẫn có quân trú ở Hòn Tàu, nhất là những đơn vị hậu cần luôn trụ ở quanh chân núi Hòn Tàu để đi thu mua lương thực, thực phẩm tại các cửa khẩu liên thông với quốc lộ 1 - đoạn quốc lộ chạy từ Điện Bàn vào đến Núi Thành. Hòn Tàu là căn cứ ẩn quân, là căn cứ trú quân trước khi xuất kích tấn công vào hang ổ quân thù.

Một cuộc xuất quân - Mùa xuân lịch sử năm 1975, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5, cùng đồng chí Hồ Nghinh, từng làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, là Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, từ căn cứ ở Trà My, trên đường chỉ huy các mũi tiến công áp đảo kẻ thù đã dừng chân lại Hòn Tàu, trước khi xuống đồng bằng tiến vào Đà Nẵng. Và đồng chí Trần Thận - Bí thư, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, ngày 24-3-1975 - ngày thị xã Tam Kỳ của Quảng Nam vừa được giải phóng, đã họp bàn triển khai chiến dịch Xuân 1975 và xuất quân từ căn cứ Hòn Tàu, tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng trưa ngày 29-3-1975.

Sau ngày hòa bình, Tỉnh ủy Quảng Nam cùng với Huyện ủy Duy Xuyên đã mở con đường từ chân núi, ở phía bắc, lên gần đỉnh Hòn Tàu - nơi từng có nhiều vị trí đóng cơ quan Văn phòng Đặc khu ủy. Trên con đường, xe ô-tô chạy lên tới đỉnh núi, có một cụm công trình tưởng niệm. Đây là một sự đầu tư bước đầu, vô cùng quan trọng. Công trình đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho du khách có thể trở lại chiến trường xưa, có thể thắp nén hương thơm, dâng một bó hoa đẹp, để tỏ lòng biết ơn những anh hùng, liệt sĩ, đã chiến đấu, hy sinh trên núi thiêng Hòn Tàu.

HỒ DUY LỆ

;
;
.
.
.
.
.