Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường có chiều hướng phức tạp

.

Nhiều tuyến đường ven sông, biển hằng ngày có lưu lượng xe cộ qua lại khá đông, không chỉ có ô-tô, xe máy mà còn các phương tiện xe thô sơ khác... Hiện nay, vấn đề gây bức xúc cho người dân sống tại những tuyến đường cũng như người tham gia giao thông là tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán và giữ xe máy.

Ồ ạt lấn chiếm lòng đường

Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở nhiều tuyến đường ven sông, ven biển tại thành phố. Cụ thể như ở tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn bãi tắm Phạm Văn Đồng), Bạch Đằng (phường Phước Ninh, quận Hải Châu), việc đậu, đỗ sai quy định dưới lòng đường diễn ra nhỏ lẻ, thường xảy ra vào thời điểm chiều, tối khi lượng khách du lịch từ nhiều điểm du lịch khác đổ về.

Mỗi ngày, cứ vào khoảng 16 giờ chiều tới đêm muộn là thời điểm những hàng quán kinh doanh dọc vỉa hè bắt đầu hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành (khu vực phường Thanh Khê Tây và phường Xuân Hà, quận Thanh Khê; phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Chị Nguyễn Thị Hiền (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) phản ánh, từ lúc người ta chiếm đường làm chỗ để xe máy, gia đình chị không dám đạp xe đi thể dục nữa bởi làn đường dành cho xe thô sơ đã bị chiếm. Vào giờ cao điểm, nơi đây thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

“Những ngày bình thường, người ta chỉ xếp xe 1 hàng ngang nhưng vào 2 ngày cuối tuần, phía hàng quán lại xếp hàng 2, hàng 3, chiếm luôn làn đường dành cho xe thô sơ”, chị Hiền thông tin thêm. Chị Lê Thị Thủy (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vẫn còn nhớ thời điểm va chạm với những chiếc xe máy đậu đỗ trái phép ngay trên lòng đường. “Lúc đó tôi vừa đi làm về, khi đi qua cầu Phú Lộc, tôi va chạm với hàng xe dựng ngay trên đường. Bởi lúc đó là thời điểm đèn cao áp chưa sáng, ánh đèn làm lóa mắt khiến tôi không thấy rõ hàng xe đó”, chị Thủy bộc bạch.

Qua ghi nhận của phóng viên, ngoài việc lấn chiếm lòng đường trái phép để đỗ xe, đặt biển hiệu, những hàng quán này còn cho nhân viên trực tiếp đứng ở giữa đường để chèo kéo khách gây mất an toàn giao thông. “Tôi cảm thấy rất phiền phức khi các xe đậu đỗ lấn chiếm lòng đường. Nhân viên của các quán còn đứng sẵn dưới lòng đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách gây mất an toàn giao thông. Việc này xảy ra trong một khoảng thời gian dài nhưng vẫn chưa bị xử lý”, anh Nguyễn Đức Thảo (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) bức xúc nói. Bên cạnh đó, vào ban ngày, nhiều người trưng bày những xô, chậu hải sản giữa lòng đường để bán hàng. Khách hàng đi xe máy, ô-tô thấy tiện thường tấp vào để mua bán, bất chấp dòng phương tiện đông đúc qua lại.

Tương tự, tại tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), tình trạng chèo kéo khách nguy cơ gây mất an toàn giao thông xảy ra thường xuyên vào thời điểm tối muộn. Những quán ăn vỉa hè gần nút giao Nguyễn Sinh Sắc với Nguyễn Tất Thành có nhiều nhân viên tràn xuống lòng đường chặn đầu xe máy để đón khách vào quán. Anh Nguyễn Viết Nhân, một tài xế xe tải, kể lại: “Lần đó tôi chở hàng từ Huế vào Đà Nẵng, tới khúc cua này suýt nữa va chạm với những người đang đứng vẫy khách trên đường”.

Xuất hiện những bãi giữ xe trái phép

Trong quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, phóng viên đã phát hiện trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành vào chiều tối xuất hiện những bãi giữ xe trái phép, tự ghi vé và thu tiền của những vị khách có nhu cầu tham quan, trải nghiệm bãi biển thuộc địa phận phường Thanh Khê Tây và phường Xuân Hà (quận Thanh Khê). Mỗi vé được thu với giá 5.000 đồng/xe. Vé chỉ là một mảnh giấy được xé nhỏ rồi đánh dấu số vào đó mà không có bất cứ thông tin liên lạc nào để bảo đảm sự tin cậy. Phần lòng đường bị lấn chiếm kéo dài qua nhiều kilomet, mỗi bãi giữ xe đều có diện tích xâm lấn lòng đường trái phép trên 20m2, một số điểm giữ xe còn ngang nhiên sắp thành 2 hàng chiếm trọn lối đi của làn xe máy và xe thô sơ. Chị Phan Thị Hoàng Lan (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho hay, có lần bị ép trả tiền trông giữ xe trong khi xung quanh không hề có bảng hiệu giữ xe hay rào chắn. “Khi tôi vừa dừng xe, một thanh niên tiến lại đánh số lên xe tôi và đưa một mẩu giấy, sau đó bảo đưa tiền giữ xe là 5.000 đồng. Tôi khá hoang mang khi bản thân mình dừng xe ở đây và ngồi gần xe thì cần gì phải trông, giữ xe”, chị Lan nhớ lại.

Tại một bãi giữ xe nằm cạnh cầu Phú Lộc (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, mỗi du khách dừng xe đều bị thu 5.000 đồng/xe, mỗi buổi tối lượt xe ra vào rất đông, có thời điểm bãi giữ xe này có hơn 40 xe máy. Khi có ai hỏi về người quản lý là ai thì những người giữ xe im lặng không trả lời. Ở một điểm giữ xe khác có tên “Điểm giữ xe số 2” (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), phóng viên còn bắt gặp cảnh thu tiền giữ xe cao hơn giá niêm yết ở trên bảng giá, trong khi bảng niêm yết cố định ghi giữ xe máy có giá 3.000 đồng/xe, giữ xe đạp 2.000 đồng/xe. Thực tế, khi vào đây gửi xe, chủ bãi giữ xe đi đến và yêu cầu giá là 5.000 đồng. Khi được hỏi tại sao lại có sự chênh lệch như trên thì chủ bãi giữ xe chi trả lời ngắn gọn là do giá... xăng tăng!(?).

Trước tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi giữ xe, kinh doanh, quảng cáo..., lực lượng quy tắc đô thị quận Thanh Khê và các phường trên địa bàn thường xuyên ra quân, phối hợp xử lý. Ông Phạm Thành Nam, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết, chỉ cần có thông tin phản ánh của người dân, lực lượng của phường, quận sẽ lập tức xuống kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Còn tại một số địa bàn khác, lực lượng chức năng khi nhận được thông tin phản ánh sẽ triển khai lực lượng nắm tình hình cụ thể để xử lý...

CHIẾN THẮNG 

;
;
.
.
.
.
.