Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định 69/QÐ-TW ngày 6-7-2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Quy định 69 gồm 4 chương, 58 điều quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật.
Trước đây, quy định về kỷ luật đảng viên và kỷ luật tổ chức đảng được nêu tại hai văn bản khác nhau: Quy định số 07/QĐi-TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102/QĐ-TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Tuy nhiên, đến Quy định 69-QÐ-TW (Quy định 69) đã gộp cả quy định về kỷ luật đảng viên và kỷ luật tổ chức Đảng vào cùng một văn bản. Theo đó, hình thức kỷ luật đảng viên và tổ chức Đảng được nêu tại Điều 7 Quy định 69 gồm: Tổ chức Đảng: Khiển trách; cảnh cáo; giải tán. Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức nếu đảng viên chính thức có chức vụ; khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách; cảnh cáo.
Quy định 69/QÐ-TW áp dụng đối với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Trường hợp tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nội dung chưa nêu trong Quy định này thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội để xử lý kỷ luật cho phù hợp với Quy định này.
Thêm trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật đảng viên
Điều 5 Quy định 102 chỉ đặt ra hai khoản quy định về các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật đảng viên gồm: Chưa xem xét kỷ luật đối với đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú trong bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận. Không kỷ luật đối với đảng viên vi phạm đã qua đời trừ trường hợp người này vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo khoản 14 Điều 2 Quy định 69, trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật đảng viên gồm: Chưa xem xét kỷ luật trong trường hợp đảng viên là nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc là nam nhưng do vợ chết hoặc vì khách quan, bất khả kháng cũng đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Nhưng nếu người này có sức khỏe ổn định (được ra viện) thì vẫn bị xem xét kỷ luật. Đảng viên đã qua đời thì không kỷ luật trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Chưa thi hành kỷ luật đối với đảng viên bị tuyên bố mất tích: Vẫn xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý. Khi phát hiện người này còn sống thì thi hành.
Miễn kỷ luật đối với đảng viên thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo nhưng xảy ra thiệt hại và nguyên nhân để xảy ra thiệt hại là do khách quan, thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung. Do chấp hành quyết định sai trái của cấp trên hoặc bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo bằng văn bản về ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện.
Như vậy, so với quy định cũ, Quy định 69 về kỷ luật Đảng đã bổ sung và nêu cụ thể các trường hợp được miễn hoặc hoãn kỷ luật, chưa thi hành kỷ luật.
Bổ sung hành vi đảng viên bị kỷ luật
Điểm đáng chú ý là Quy định 69 có quy định kỷ luật với đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền.
Theo đó, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật khiển trách: Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn.
Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân.
Đặt điều kiện, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác.
Can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân.
Trì hoãn, không thực hiện hoặc chọn thời điểm có lợi với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Trường hợp đã kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
Không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trái quy định.
Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
Thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ hoặc không kiến nghị, xem xét xử lý theo quy định đối với hành vi tiêu cực này.
Bao che, không xử lý, không giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
Tặng, nhận quà biếu cho người có trách nhiệm hoặc người có liên quan quyết định đến việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.
Đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng...
So với quy định trước đây, Quy định 69 đã bổ sung thêm một số hành vi bị kỷ luật khi sử dụng quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, đơn cử như: Khiển trách đối với trường hợp khai không đúng hoặc mua, bán, tặng cho văn bằng, chứng chỉ gây hậu quả ít nghiêm trọng (khoản 1 Điều 35). Cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ đối với cho mượn, thuê văn bằng, chứng chỉ (khoản 2 Điều 35). Khai trừ ra khỏi Đảng khi dùng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc không hợp pháp để tuyển dụng vào cơ quan, để được kết nạp Đảng, được đi học, bổ nhiệm, thi nâng ngạch… (khoản 3 Điều 35)...
Theo TTXVN