Nghĩa tình ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công

.

“Các cụ đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, hoàn cảnh lại neo đơn. Vì thế, chúng tôi cố gắng động viên, chăm sóc thật tốt, làm sao để các cụ cảm giác ở đây như ở nhà mình và chúng tôi là người thân”. Đó là tâm niệm của các cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố.

Cán bộ Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố chăm lo chu đáo từng bữa ăn cho người có công. Ảnh: X.HẬU
Cán bộ Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố chăm lo chu đáo từng bữa ăn cho người có công. Ảnh: X.HẬU

Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đang chăm sóc cho 49 cụ ông, cụ bà với độ tuổi trung bình ngoài 80. Các cụ ở đây là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sĩ… có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa.

Hơn 7 năm sống ở trung tâm, bà Trương Thị Ngự (SN 1936) luôn xem các cán bộ, nhân viên tại đây như con cháu của mình. Là thương binh hạng 3/4 với nhiều căn bệnh trong người, mỗi khi trái gió trở trời, bà Ngự bị những cơn đau hành hạ. Trong một lần lên cơn đau tại nhà nhưng không tìm được sự hỗ trợ, cụ Ngự quyết định chọn trung tâm là nơi gắn bó để có người chăm sóc ở tuổi xế chiều.

“Ở tuổi này rồi, đau ốm bất chợt mà không có con cháu kề cận nên nhiều lúc cũng lo lắng, tủi thân lắm. Vào đây, mỗi khi đau ốm, có hộ lý, y tá đến kiểm tra, thăm khám ngay. Các cán bộ, nhân viên sống tình cảm, nhẹ nhàng và động viên rất nhiều nên chúng tôi thương quý như con, cháu trong nhà”, bà Ngự chia sẻ.

Bà Võ Thị Hải (SN 1952) vừa trở lại trung tâm sau thời gian dài nhập viện điều trị bệnh. “Tôi đã sống ở đây hơn 5 năm và cảm thấy cuộc sống ở đây rất tốt. Chúng tôi được cán bộ, nhân viên chăm lo cho từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt hẳng ngày và được quan tâm đặc biệt mỗi khi đau ốm. Ở đây chúng tôi như một gia đình, còn có người tâm sự. Tuổi già mà được chăm sóc như vậy là hạnh phúc lắm rồi nên đi viện điều trị mấy tháng mà tôi nhớ mọi người, nhớ trung tâm”, bà Hải tâm sự.

Có hơn 8 năm làm việc ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng, chị Hồ Thị Đan (SN 1982, nhân viên chăm sóc dinh dưỡng) đúc kết kinh nghiệm để chăm sóc các cụ lớn tuổi tại đây phải xuất phát từ tình yêu thương. Chế độ dinh dưỡng với người lớn tuổi rất quan trọng, vì vậy, các nhân viên tại bếp ăn phải xây dựng thực đơn sao cho đầy đủ chất, chế biến phải mềm và quan tâm đến bệnh lý của từng cụ để có chế độ ăn kiêng phù hợp.

“Tôi phải nắm rõ hết các vấn đề sức khỏe của từng cụ như với người bị huyết áp thì kiêng đồ ăn gì, có ai dị ứng với thực phẩm nào không,… để bảo đảm dinh dưỡng cho các cụ. Ở đây, chúng tôi nấu 3 bữa mỗi ngày, bữa sớm nhất bắt đầu từ 4 giờ sáng để có thời gian ninh thức ăn được mềm hơn. Mỗi bữa ăn, chúng tôi luôn dành tâm huyết và đặt tình cảm vào đó để các cụ vừa cảm nhận được sự quan tâm chân thành như con cháu dành cho ông bà”, chị Đan cho biết.

Còn với chị Phạm Thị Ngọc Thúy (SN 1993, hộ lý chăm sóc trực tiếp), những trải nghiệm trong công việc đã phần nào giúp chị trưởng thành, biết quan tâm và nhớ ơn thế hệ đi trước hơn nữa. Nhận công việc khi tuổi đời còn trẻ, bản thân không có kinh nghiệm chăm sóc người lớn tuổi nên chị Thúy gặp không ít khó khăn trong những ngày mới đảm nhận công việc. Theo chị Thúy, công việc tắm rửa, vệ sinh cho các cụ đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận. Nhiều cụ đôi khi giận dỗi, không hợp tác, mình phải biết dỗ dành, tâm sự. “So với những đau thương, mất mát và sự cống hiến của các cụ để có độc lập như ngày hôm nay thì chăm sóc các cụ là bổn phận mà thế hệ con cháu chúng tôi nên làm”, chị Thúy tâm sự.

Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng cho biết, từ nhiều năm nay, so với nhiều trung tâm phụng dưỡng người có công khác trong cả nước, thành phố luôn quan tâm và có những chính sách chăm lo cho người có công cao hơn. Cụ thể, theo quy định những người có công cách mạng có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa sẽ được vào sống tại các trung tâm phụng dưỡng người có công địa phương, nhưng các cụ phải có nghĩa vụ đóng tiền ăn. Còn riêng tại thành phố Đà Nẵng, theo Nghị quyết số 196/2018/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố về quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người có công với cách mạng đang phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố, người có công được hỗ trợ tiền ăn 1,5 triệu đồng/tháng, dù các cụ có lương hưu và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, số tiền đó sẽ dùng để hỗ trợ chi phí nấu ăn bữa trưa và tối cho các cụ, riêng buổi sáng được huy động từ các nguồn xã hội hóa.

Theo bà Oanh, do ảnh hưởng của Covid-19, việc huy động từ nguồn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là giá cả leo thang trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến bữa ăn của các cụ. Từ thực tế đó, ban lãnh đạo trung tâm đã có đề xuất gửi thành phố về việc nâng mức hỗ trợ bữa ăn để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho người có công. Việc tăng tiền ăn cho người có công là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn, giúp chăm lo tốt hơn, nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho từng bữa ăn của các cụ.

X.HẬU - N.QUANG

;
;
.
.
.
.
.