Chính trị - Xã hội
Những dòng thư hào hùng từ nửa thế kỷ trước
ĐNO - “Vào những ngày tháng 7 này, tôi lại bồi hồi nhớ về người anh đã anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Anh tôi ngã xuống ngày 27-5-1972 tại nơi nay là xã Bình Tú (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) khi vừa tròn 35 tuổi… Đã nửa thế kỷ, anh vĩnh viễn đi xa nhưng kỷ vật anh để lại vẫn còn vẹn nguyên với gia đình. Gia đình luôn tự hào về anh”.
Đó là những dòng chữ tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu được người em trai ruột của ông - cựu chiến binh Nguyễn Văn Bá (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cẩn thận ghi lại trên mặt sau tờ lịch cũ nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022). Kỷ vật liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu để lại cho gia đình chính là bức di ảnh và lá thư được ông viết nắn nót giữa chiến trường đúng 1 tháng trước ngày hy sinh.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu và lá thư viết trong những ngày kháng chiến ác liệt năm 1972. Ảnh: Gia đình cung cấp |
1. Những dòng thư phủ kín 4 mặt giấy khổ bằng bàn tay được liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu viết vào ngày 21-4-1972, gửi đến người em vợ đang học tập và an dưỡng tại miền Bắc. Giữa chiến trường cam go khi ấy, bên cạnh những lời hỏi thăm, tâm sự, kể chuyện gia đình, liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu còn gửi gắm niềm tin lạc quan tuyệt đối vào ngày thắng lợi thống nhất đất nước, để được đoàn tụ bên người thân. Trong thư, ông viết: “Xa em đã lâu, tình anh em không làm sao tránh khỏi những nhớ thương… Em cố gắng học văn hóa để sau này có trình độ tương đối, đem khả năng sẵn có phục vụ cho Đảng, để trả thù nhà nghe em. Bây giờ, anh em mình chỉ biết biến đau thương thành hành động trong công tác. Ngày mai khi đất nước thanh bình, không còn bóng quân xâm lược, anh em mình, gia đình sẽ được sum họp hạnh phúc như xưa”.
“Đọc lá thư mới hiểu. Trong những năm tháng đấu tranh ác liệt giữa mưa bom, lửa đạn, anh Sửu vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào thành công của quân ta và chờ đợi một ngày hòa bình tươi sáng, cả nhà đoàn tụ. Đó là điều mà chúng tôi luôn cảm phục và trân quý anh”, ông Bá cho biết.
Theo lời kể gia đình, liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu sinh năm 1937, ông bị địch bắt đi quân dịch giai đoạn đầu thập niên 1960 rồi đào ngũ, trở về với hàng ngũ cách mạng năm 1964. Năm 1967, ông thoát ly gia đình vào chiến khu, được phân công công tác ở xưởng dược hậu cần của tỉnh đội Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Bá theo con đường của anh trai đúng một năm sau, ông lên chiến khu sau Tết Mậu Thân năm 1968.
Ông Nguyễn Văn Bá chia sẻ, ông và anh trai thoát ly lên chiến khu trong giai đoạn trước khi Hiệp định Paris ký kết (27-1-1973). Đó là thời điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là những năm 1968-1972 lửa đạn mịt mù trên khắp chiến trường, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Năm 1970, ông Bá được điều về đơn vị chiến đấu Đại đội V15 Bộ binh huyện Thăng Bình. Còn ông Sửu, do yêu cầu công tác, được đưa về tuyến an ninh năm 1972, xuống vùng địch để xây dựng cơ sở cách mạng rồi không may hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ vào ngày 27-5-1972.
“Anh tôi cùng một đồng đội bí mật ở lại vùng địch một đêm rồi tranh thủ thời điểm rạng sáng tiến về vùng giải phóng. Không may hai người gặp phục kích, anh ngã xuống ngay trên đất Thăng Bình quê hương, còn người đồng đội bị thương nặng cố sức về vùng giải phóng báo tử cho anh”, ông Bá xúc động kể lại.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bá lưu giữ lá thư của anh trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu như một kỷ vật vô giá. Ảnh: X. SƠN |
2. Theo lời ông Bá, liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu được người dân địa phương chôn cất giữa cánh đồng gần nơi ông ngã xuống. Trong hành trang, bên cạnh những võng dù, mũ tai bèo, áo quần, khẩu AK… còn một lá thư khác. Lá thư chưa kịp gửi gia đình đã rơi vào tay địch. Dựa vào thông tin trên thư, kẻ địch đọc thông tin về ông liên tục trên loa để tra xét thông tin.
“Đơn vị của tôi và anh khi ấy đóng quân không quá xa nhau nhưng việc gặp nhau trao đổi, nói chuyện là rất khó. Thời ấy không có điện thoại, chỉ có thư từ. Cả gia đình thời điểm đó chỉ có mình tôi hay tin anh hy sinh. Những người còn lại lúc đó đang ở vùng dồn dân của địch. Người đồng đội của anh gắng gượng về được vùng giải phóng báo tin, rồi đơn vị an ninh của huyện báo lại cho tôi là người thân duy nhất của anh ở chiến khu”, ông Bá nhớ lại. Nỗi tiếc thương được ông cất trong lòng, chờ ngày thống nhất đất nước để đưa anh trai về với gia đình.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến năm 1976, gia đình ông Bá mới đưa được mộ phần của liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu về an táng tại nghĩa trang xã Bình Sa (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
“Năm 1969, mẹ tôi mất, khi mẹ qua đời thì anh Sửu có về tang mẹ. Trước khi tạ thế, bà vẫn luôn nhắc tên tôi và anh trong sự tự hào”, ông Bá nhớ lại. Trong ký ức của ông, người anh trai Nguyễn Văn Sửu sống tình cảm và kiên cường, đi đâu cũng có người mến, người thương. Bản lĩnh chiến đấu và tinh thần cách mạng của liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu được ghi dấu rõ qua quá trình thử thách, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Trở thành Đảng viên là tâm nguyện của anh trai tôi và anh đã hiện thực hóa mong ước ấy trước khi hy sinh giữa lòng địch”, ông Bá cho biết.
Trở về thời bình, noi gương gia đình, tiếp nối tinh thần của người anh trai, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bá nỗ lực làm kinh tế, đóng góp sức mình cho công tác xã hội ở địa phương. Lá thư liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu gửi cho người em vợ năm nào nay đã có tuổi đời tròn nửa thế kỷ, được gia đình ông Bá gìn giữ, nâng niu như một gia tài quý giá cho thế hệ sau. Con cháu liệt sĩ Sửu nay đã có cuộc sống ổn định tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. Mỗi dịp 27-7, ông Bá lại đưa con, cháu về nghĩa trang quê nhà thắp nén nhang cho anh trai và những người đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Trong ký ức người ở lại, những thế hệ đi trước vẫn luôn sống mãi…
XUÂN SƠN