Chính trị - Xã hội
Chú trọng công tác chống tái nghiện trong cộng đồng
Công tác cai nghiện tập trung tại gia đình - cộng đồng, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được thành phố quan tâm thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, sau khi tái hòa nhập cộng đồng, các ngành chức năng và địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người nghiện rời xa ma túy, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu) trao phương tiện sinh kế cho những trường hợp nằm trong diện được hỗ trợ tại chính sách dự phòng nghiện. Ảnh: NGỌC QUỐC |
Quản lý chặt người cai nghiện
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, số người nghiện mới có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tính đến ngày 15-6, thành phố có 1.271 người nghiện và 1.909 người sử dụng trái phép chất ma túy.
Ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ sở tiếp nhận 182 học viên (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021). Cơ sở đang quản lý 306 học viên. Thời gian qua, công tác tổ chức cai nghiện tập trung được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, phân loại, quản lý, cai nghiện, học nghề. Trong đó, quá trình kiểm tra sức khỏe, lên phác đồ điều trị, cắt cơn, giải độc, điều trị cho các học viên được thực hiện an toàn, chưa trường hợp nào xảy ra sự cố.
Hằng năm, cơ sở tổ chức các lớp dạy nghề như: sửa chữa xe máy, kỹ thuật xây dựng, điện lạnh, điện ô-tô... cho hơn 200 học viên. Bên cạnh đó, kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp mặt, đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho học viên khi tái hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Lương Vĩnh Thái, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), thành phố luôn quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện các mô hình dự phòng nghiện, chống tái nghiện ma túy. Năm 2020, thành phố triển khai mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” nhằm sớm can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng có nguy cơ cao về sử dụng và nghiện ma túy.
Mô hình được triển khai tại 6 phường trọng điểm về ma túy, thu hút 248 lượt đối tượng tham gia với kết quả lượt người đạt tiến bộ chiếm tỷ lệ 79%. Bên cạnh đó, mô hình tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy triển khai từ năm 2019 đến năm 2021 tại quận Thanh Khê và quận Hải Châu đã kịp thời tạo điều kiện giúp người sử dụng ma túy, người nghiện được tiếp cận sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện, giải quyết việc làm... Kết quả, nhiều trường hợp sau khi tham gia mô hình có chiều hướng tiến bộ chiếm tỷ lệ 75,27%.
Theo phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, toàn thành phố hiện có 2.121 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú. Trong thời gian quản lý sau cai, các ngành, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, kịp thời giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người sau cai nghiện nhằm kịp thời giúp đỡ những trường hợp khó khăn.
Trong năm 2020 và 2021, UBND các phường, xã triển khai thực hiện chính sách dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy với tổng kinh phí gần 6,5 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương hỗ trợ sinh kế, học nghề cho 307 người với tổng số tiền gần 3,1 tỷ đồng. Các trường hợp được hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện học nghề trong thời gian qua đã ý thức được sự quan tâm của chính quyền, nhờ vậy, tỷ lệ người tái nghiện chiếm tỷ lệ rất thấp.
Xây dựng kế hoạch cai nghiện ma túy phù hợp
Lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cho rằng, cần tổ chức nhiều mô hình truyền thông, tư vấn để làm tốt công tác dự phòng nghiện và tái nghiện. Đồng thời, đa dạng các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy gồm: cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế bằng methadone và kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội sẵn có tại địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu, sản xuất các bài thuốc và phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy an toàn, hiệu quả, đặc biệt là điều trị các rối loạn do sử dụng ma túy tổng hợp…
Để phát huy hiệu quả công tác xử lý, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, Đại tá Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố cho rằng, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
Trọng tâm là triển khai thực hiện chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ gắn với đề án thực hiện chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” và thực hiện mục tiêu thành phố không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng. Các sở, ban, ngành cần xây dựng lộ trình để tập trung phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cụ thể bắt đầu từ năm 2022 đến năm 2025 đề ra trong Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 28-1-2022 của UBND thành phố như: kiềm chế tỷ lệ gia tăng số người nghiện ma túy từ cấp phường, xã đến quận, huyện, thành phố dưới 1% so với năm trước (giảm cầu); phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy tăng 5% so với năm trước (giảm cung). Song song đó, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm về tệ nạn ma túy phải được triển khai vừa có bề rộng, bảo đảm sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các đơn vị, lực lượng trong và ngoài ngành công an.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, đã chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy; tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý và giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng người nghiện ma túy trên địa bàn, đề ra các giải pháp và xây dựng kế hoạch cai nghiện ma túy phù hợp; đẩy mạnh công tác đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh không có tệ nạn ma túy.
LÊ HÙNG - NGỌC QUỐC