Chính trị - Xã hội
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân luôn dành nhiều tình cảm và trách nhiệm trong việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần, cùng chung tay, góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.
Cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân dành nhiều tình cảm và trách nhiệm trong việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. TRONG ẢNH: Hội Cựu chiến binh thành phố tặng quà Trung thu cho đại diện Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố được thành lập ngày 22-1-2005 theo Quyết định 54/QĐ-UBND của UBND thành phố. Suốt 17 năm qua (2005-2022), hội không ngừng phát triển về tổ chức và quy mô hoạt động. Toàn thành phố hiện có 7 hội quận, huyện, 56 chi hội ở phường, xã, với tổng số 3.065 hội viên, trong đó có 65 hội viên người nước ngoài.
Các cấp hội đang quản lý hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có gần 1.400 trẻ em. Có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, gia đình có 2-3 nạn nhân chất độc da cam và đều nhận được chế độ trợ dưỡng hằng tháng từ nguồn vận động của hội. Đặc biệt, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố (trực thuộc hội) đang chăm sóc bán trú gần 120 trẻ em nạn nhân chất độc da cam, kinh phí hoạt động mỗi tháng hơn 200 triệu đồng đều từ nguồn xã hội hóa.
Hai năm qua, do ảnh hưởng Covid-19, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ngừng tài trợ, nên nguồn vận động đạt thấp, không bảo đảm cho các hoạt động. Nhu cầu tăng cường vận động nguồn lực để duy trì và phát triển các hoạt động của hội đang đặt ra hết sức cấp bách.
Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Tô Năm, kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2022) là dịp để cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng có hành động tích cực, hiệu quả trong việc tiếp tục giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần, cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.
Được sự thống nhất của Thành ủy, UBND thành phố, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tổ chức chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2022 vào tối ngày 9-8 tại Nhà hát Trưng Vương với mức vận động dự kiến 6 tỷ đồng. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh DaNang TV2, Đài Phát thanh -Truyền hình Đà Nẵng. Chương trình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả của chất độc da cam/dioxin; vận động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da cam; tri ân những nhà tài trợ trong và ngoài nước.
Ban tổ chức đã lập đường dây nóng của Tổng đài dịch vụ công 1022 thành phố số 19001022 để các đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ chương trình từ ngày 28-7 đến 10-8-2022, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam theo chủ trương của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động từ ngày 20-7 đến 17-9-2022 với cú pháp DACAM gửi 1409. Mỗi tin nhắn ủng hộ 20.000 đồng.
Bước đầu, chương trình đã được sự đồng hành của 221 đơn vị, tổ chức, cá nhân. “Đến nay, các đơn vị, cá nhân đã đăng ký ủng hộ chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2022 hơn 2 tỷ đồng. Chúng tôi hy vọng trong những ngày đến sẽ có thêm nhiều tấm lòng nhân hậu đến với chương trình nhân đạo này”, ông Tô Năm nhấn mạnh.
Tại chương trình, Ban tổ chức trao 200 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam, mỗi suất trị giá 500.000 đến 1,1 triệu đồng. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2022 có sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương và nhiều ca sĩ khác. Ngoài Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2022 còn có 6 đơn vị cùng phối hợp tổ chức gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Cựu chiến binh thành phố, Thành Đoàn, Báo Đà Nẵng và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng.
LÊ VĂN THƠM