Chính trị - Xã hội
Phát huy tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị
Ngày 1-7-2021, Đà Nẵng triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Sau 1 năm triển khai, mô hình CQĐT đã phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh phát huy kết quả tích cực bước đầu, cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhằm hoàn thiện, phát huy tính ưu việt của mô hình.
Sau một năm triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các địa phương triển khai đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu phát huy những giá trị ưu việt của mô hình. TRONG ẢNH: Một góc thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN |
Bài 1: Thể hiện vai trò người đứng đầu
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, việc thực hiện mô hình CQĐT trên địa bàn thành phố bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Nhanh hơn, hiệu quả hơn
Đầu tháng 8-2022, bà Trần Lệ Hà (tổ 82, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đến Bộ phận “Một cửa” phường Hòa Minh làm thủ tục ký chứng thực các giấy tờ liên quan để chuẩn bị đăng ký vào lớp 1 cho con. Sau khi tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra thông tin hồ sơ không có khác biệt, công chức Hộ tịch - Tư pháp của phường nhập dữ liệu lên hệ thống, đồng thời ký chứng thực hồ sơ của công dân theo sự ủy quyền của Chủ tịch UBND phường một cách nhanh chóng.
Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Đinh Hữu Phúc cho biết, từ ngày 1-11-2021, Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký. Phường Hòa Minh có khoảng 70.000 nhân khẩu, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của công dân rất lớn, nên việc ủy quyền ký chứng thực vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời hồ sơ của tổ chức, công dân; vừa tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo UBND phường có điều kiện tập trung cho công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những công việc mang tính chất cấp bách, quan trọng.
Theo đánh giá của Quận ủy Liên Chiểu, từ khi triển khai thực hiện mô hình CQĐT, công tác quản lý, điều hành của UBND quận và 5 phường bảo đảm ổn định, thông suốt, hiệu quả; giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân. Bộ máy hành chính được tinh gọn, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước.
Tại quận Thanh Khê, để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức nhằm triển khai có hiệu quả CQĐT, quận đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng 56 lượt cán bộ theo chương trình của thành phố; phối hợp tổ chức 1 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 97 người; phối hợp các cơ sở đào tạo tổ chức 2 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cho 124 người, 2 lớp bồi dưỡng chuyên đề về công tác quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị…
Thúc đẩy sự sáng tạo, năng động của công chức
Theo Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) Nguyễn Phước Sơn, với việc tổ chức CQĐT không còn HĐND cùng cấp nên vai trò, trách nhiệm của tập thể UBND phường và người đứng đầu được nâng lên. Chủ tịch UBND phường có quyền tự quyết những vấn đề trong phạm vi nhiệm vụ; đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và cấp trên. Qua đó, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, từ khi tổ chức CQĐT, mối quan hệ trong công tác của UBND phường với Đảng ủy, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tiếp tục được thực hiện bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
UBND phường đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy trong việc hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Những vấn đề lớn liên quan đến chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, UBND phường đều xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, đồng thời chủ động đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. UBND phường phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo điều kiện để Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phường hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Bà Phạm Thị Minh Trúc, công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho rằng, quy định chủ tịch UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng giúp giảm đầu mối chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức phường. “Công chức thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch UBND phường và không được “lạm việc” của người khác. Với việc chủ tịch UBND phường “khoán việc” tạo áp lực lớn, nhưng cũng là động lực, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động của công chức”, bà Trúc nói.
Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị tạo điều kiện phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của UBND quận, phường trong quá trình phục vụ người dân. TRONG ẢNH: Công chức phường Hòa Minh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận “Một cửa”. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Tăng tính chủ động và trách nhiệm
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho rằng, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố triển khai nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ. Việc triển khai bước đầu đã thu được kết quả tích cực, đặc biệt đã phát huy tính chủ động, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường là 2 cấp không tổ chức HĐND cùng cấp.
Công tác quản lý điều hành của UBND các quận, phường vẫn ổn định, thông suốt, hiệu quả, nhất là trong giai đoạn cả thành phố căng mình phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, thời gian triển khai còn ngắn nên cần tiếp tục sơ kết, theo dõi thường xuyên để có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính quận, phường khi đổi mới cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ khi tổ chức CQĐT.
Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, việc ban hành, tổ chức thực hiện quy chế làm việc của UBND quận, phường đã tạo điều kiện phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của UBND quận, phường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết nhu cầu thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp...
Việc công chức phường được chuyển thành công chức thuộc biên chế UBND quận đã góp phần chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa từng vị trí chức danh công chức và thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng công chức của cơ quan có thẩm quyền.
“Qua triển khai, cho thấy tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao. Việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh theo quy định”, ông Hòa nói.
Theo Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai mô hình CQĐT được Quận ủy, UBND quận lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. UBND quận và các phường đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 10-8-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP. Công tác triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Các cơ quan chuyên môn và UBND các phường đã chủ động tham mưu, thực hiện tốt những nội dung có liên quan đến CQĐT.
Tại quận Hải Châu, việc thí điểm mô hình CQĐT đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được bảo đảm. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND quận, các phòng, ngành chức năng và 13 phường thuộc quận tương đối đồng bộ với tinh thần chủ động, kịp thời, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Quận ủy bằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể.
Qua giám sát của HĐND thành phố cho thấy, việc thực hiện thí điểm mô hình CQĐT trên địa bàn thành phố có những tích cực và hiệu quả, thể hiện rõ nhất như: tổ chức bộ máy quản lý tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên, TTHC có giảm hơn so với trước, thời gian triển khai kế hoạch nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị. Tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao.
Mô hình chính quyền đô thị thực hiện đúng kế hoạch Báo cáo giám sát kết quả triển khai thí điểm mô hình CQĐT của Thường trực HĐND thành phố nêu rõ, công tác thực hiện các nhiệm vụ để triển khai thí điểm mô hình CQĐT đã thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ các yêu cầu đặt ra. Việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn chưa có vướng mắc, phát sinh lớn làm ảnh hưởng hay cản trở đến công tác quản lý, điều hành của UBND quận, phường. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tổ chức quán triệt, tạo nhận thức trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; sớm hoàn thiện các văn bản, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện thí điểm. Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ khi triển khai mô hình CQĐT cơ bản hoàn thành tốt. |
TRỌNG HUY - LAM PHƯƠNG