Đà Nẵng cuối tuần
20 năm đắp đập ngăn mặn: Lời giải chống nhiễm mặn, thiếu nước cần hồi kết
Năm 2002, lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam đắp đập bổi ngăn mặn trên sông Thu Bồn tại khu vực Gò Nổi, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn. Hơn 20 năm qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng xây dựng nhiều hồ chứa, đập dâng, đập ngăn mặn... Nhưng lời giải về công trình bảo đảm chống nhiễm mặn và thiếu nước mà vẫn bảo đảm thoát lũ ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn khó khăn, đòi hỏi “hồi kết” để ổn định phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương.
Tuyến đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông đào Vĩnh Điện được tỉnh Quảng Nam đắp hằng năm vào mùa cạn kể từ năm 2013 đến nay. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhiễm mặn, thiếu nước
Việc tỉnh Quảng Nam đã phải xây dựng đập bổi ngăn mặn đầu tiên tại khu vực Gò Nổi cách đây 20 năm là do mặn xâm nhập sâu lên tận khu vực Điện Bình và Vòm Cẩm Đồng (ngã ba sông Thu Bồn và Vĩnh Điện, xã Điện Phong). Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng trong hơn 10 năm qua ở hạ du sông Vu Gia sau khi thủy điện Đăk Mi 4 chuyển trữ lượng nước lớn từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện, gây nhiều đợt thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống, sản xuất của người dân tại thành phố Đà Nẵng và khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam.
Nhưng mãi đến cuối tháng 7-2022, việc chuyển nước của thủy điện Đăk Mi 4 gây tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở hạ du sông Vu Gia mới được “thừa nhận chính thức” trong một văn bản chính thức. Đó là Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố theo Công văn số 4379/BTNMT-TNN ngày 29-7-2022 (đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố báo cáo tài nguyên nước quốc gia).
Theo đó, trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Thành Mỹ, tổng trữ lượng nước trung bình mùa cạn (tháng 1 đến tháng 9) giai đoạn từ 1980-2012 là 1,63 tỷ m3 nước, nhưng giai đoạn 2016-2021 là 0,74 tỷ m3 nước (giảm trung bình 890 triệu m3 nước vào mùa cạn hằng năm). Trong khi đó, trên sông Thu Bồn tại trạm thủy văn Nông Sơn, tổng trữ lượng nước trung bình mùa cạn giai đoạn từ 1980-2015 là 3,11 tỷ m3 nước, giai đoạn 2016-2021 là 4,23 tỷ m3 (tăng thêm trung bình 1,12 tỷ m3 nước trong mùa cạn hằng năm).
Từ năm 2013, tỉnh Quảng Nam phải làm một việc chẳng đặng đừng là đắp đập bổi ngăn sông Vĩnh Điện, một sông đào được khắc lên Cửu Đỉnh của Nhà Nguyễn. Cùng năm 2013, tỉnh Quảng Nam phối hợp với thành phố Đà Nẵng đắp đập ngăn sông Quảng Huế. Từ đây, 2 sông này được đắp đập bổi hằng năm vào mùa cạn.
Thành phố Đà Nẵng cũng phải đắp đập tạm ngăn sông Cẩm Lệ vào năm 2020 và hoàn thành xây dựng đập dâng Nam Mỹ trên sông Cu Đê cùng Nhà máy nước Hòa Liên vào năm 2021 và 2022. Đà Nẵng cũng đã đưa vào quy hoạch xây dựng các nhà máy nước khai thác nước sông Vu Gia tại hệ thống đập dâng An Trạch trong tương lai.
Hiện nay, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang thi công dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày, dự kiến đưa dự án này vào hoạt động trong quý 1-2023. Công ty cũng đã nhiều lần đề nghị thi công đập cứng điều tiết nước ở sông Quảng Huế và quy hoạch xây dựng tuyến đập cứng ngăn mặn tại sông Cẩm Lệ trong tương lai.
Nhưng đề xuất xây 2 đập cứng nói trên vấp phải sự phản đối của một số chuyên gia, nhà khoa học vì lo ngại 2 công trình này cản trở thoát lũ và gây ảnh hưởng về xói lở bờ sông, môi trường... Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam đã có nghiên cứu xây dựng đập cứng ngăn sông Thu Bồn và Vĩnh Điện, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, nhà khoa học, chủ yếu là lo ngại cản trở thoát lũ.
Khai thác nước sông Thu Bồn
UBND thị xã Điện Bàn đang hoàn thiện nội dung đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) đối với đồ án Điều chỉnh quy hoạch đô thị Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và 2045, trong đó đề nghị tỉnh Quảng Nam nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn, giữ nước ngọt trên sông Thu Bồn; đồng thời đề xuất bổ sung nguồn nước từ sông Kỳ Lam và hồ Lai Nghi cho Nhà máy cấp nước Hội An khi sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn; bổ sung nguồn nước từ sông Vu Gia cho Nhà máy cấp nước Trảng Nhật và xây mới Nhà máy nước Gò Nổi khai thác nước sông Thu Bồn.
Còn theo phương án phòng, chống thiên tai và phát triển thủy lợi tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến chỉnh trị sông Quảng Huế, xây dựng các đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện và Thu Bồn; sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các hồ chứa thượng nguồn...
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng ngày 18-8-2022, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam Nguyễn Đình Hải đề cập giải pháp xây dựng trên sông Thu Bồn công trình tương tự cống Cái Lớn thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) để vừa giữ được nước ngọt, vừa giảm thiểu cản trở thoát lũ vì khẩu độ, cửa van của cống Cái Bé có bề ngang đến 40m, sâu 9m và được kéo lên hoàn toàn khi xảy ra lũ. Khi giữ được ngọt cho sông Thu Bồn và xây dựng một âu thuyền thì không cần phải xây dựng đập ngăn sông Vĩnh Điện, mà còn làm thông suốt cả tuyến đường thủy từ
Đà Nẵng lên theo sông đào di sản của cha ông.
Chiều 1-7-2022, trong buổi trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, đoàn công tác Vụ Môi trường toàn cầu Nhật Bản và Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đề xuất nghiên cứu, đánh giá và lập phương án xây dựng công trình điều tiết trên sông Quảng Huế nhằm tăng lượng nước về hạ du sông Vu Gia, xây dựng hồ chứa nước trên sông Vu Gia hạ lưu các thủy điện (có thể nghiên cứu ở hạ lưu đập thủy điện Đăk Mi 4A) nhằm trữ nước cho sinh hoạt khu vực hạ du của Đà Nẵng, Quảng Nam; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống đập dâng An Trạch và nghiên cứu khai thác nguồn nước trên sông Thu Bồn để cấp nước ổn định cho vùng hạ du sông Vu Gia, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh tiếp tục nghiên cứu giải pháp điều tiết nước từ các hồ thủy điện sao cho hợp lý, tại cuộc họp về hoạt động của Ban Điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức ngày 16-12-2020, Th.S Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đề xuất, Đà Nẵng và Quảng Nam cần nghiên cứu giải pháp khai thác nước từ sông Thu Bồn gần hạ lưu nhất là khu vực cầu Giao Thủy, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) bằng hệ thống trạm bơm và đường ống dẫn nước nhằm bảo đảm cấp nước sạch, an toàn, chất lượng cho người dân và ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 18-8-2022, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng cũng khẳng định, việc xây dựng đập ngăn mặn trên sông Thu Bồn và Vĩnh Điện là khó khả thi vì ảnh hưởng thoát lũ, nên tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cần đầu tư giải pháp trạm bơm và đường ống để khai thác nước sông Thu Bồn tại khu vực cầu Giao Thủy nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất, tương tự như Đà Nẵng đang áp dụng giải pháp trạm bơm và tuyến ống nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa thông tin, trong quá trình triển khai Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 và lập quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đều đề xuất đưa nội dung khai thác nguồn nước sông Thu Bồn tại khu vực Giao Thủy để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho Đà Nẵng.
HOÀNG HIỆP