Chính trị - Xã hội
Bài cuối: Hoàn thiện để thúc đẩy phát triển
Việc xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đối với thành phố Đà Nẵng với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh phát huy kết quả tích cực bước đầu, cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhằm hoàn thiện, phát huy tính ưu việt của mô hình CQĐT.
Việc phát huy hiệu quả mô hình chính quyền đô thị nhằm thúc đẩy phát triển thành phố, mang lại lợi ích, sự hài lòng của người dân. TRONG ẢNH: Một góc thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN |
Lắng nghe từ cơ sở
Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai CQĐT của Thường trực HĐND thành phố nêu rõ, thực tế quá trình quản lý Nhà nước trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân,… nên khi không còn là cấp ngân sách, quận, phường không chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp thiết, dẫn đến bị động, chờ thời gian dài để thành phố phân bổ kinh phí.
Trong khi đó, quá trình xây dựng dự toán chi cho cả năm không thể bao quát hết nhiệm vụ, tình huống phát sinh thực tế trong quá trình quản lý Nhà nước của một cấp chính quyền; đồng thời việc điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định hiện nay không thể kịp thời. Đây là vấn đề vướng mắc, khó khăn lớn mà tất cả các quận, phường đang gặp phải khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT.
Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho rằng, để việc dự toán được sát đúng, tăng tính chủ động trong giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh ở cơ sở, cần quy định 6 tháng dự toán 1 lần thay vì 1 năm như hiện nay. Đây cũng là ý kiến của hầu hết các địa phương liên quan đến dự toán ngân sách. Theo ông Hòa, quá trình thẩm định dự toán của quận trải nhiều đầu mối, từ quận đến Phòng Quản lý ngân sách (Sở Tài chính), Giám đốc Sở Tài chính, Văn phòng UBND thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, HĐND thành phố rồi về lại quận.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo thành phố ngày 26-6, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cấp quận, phường trở thành cấp dự toán là cơ hội để thành phố tập trung được nguồn lực, tránh tình trạng dưới thừa, trên thiếu, là ưu điểm của CQĐT.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, có thể ở cấp bộ thấy đó là đúng nhưng thực tiễn ở cơ sở, điều này lại là vướng. Vì vậy, hai bên phải trao đổi lại thật kỹ trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để đánh giá đúng tình hình, trên tinh thần làm sao thật thuận lợi cho việc quản lý, điều hành.
Tại buổi giám sát về triển khai CQĐT của HĐND thành phố với quận Sơn Trà đầu tháng 7 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Phú Nguyện, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa cho rằng, việc lấy tiêu chuẩn dự toán cấp phòng, ngành chuyên môn có tính kế hoạch áp dụng cho cấp chính quyền ở cơ sở có tính tổng hợp, chịu trách nhiệm chung là chưa phù hợp, cần phải xem xét điều chỉnh.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, khi chuyển sang đơn vị dự toán, trường hợp phát sinh các nhiệm vụ chi ngoài dự toán thì các quận, phường lúng túng, bị động, chậm triển khai thực hiện, phải chờ ngân sách thành phố xem xét bổ sung. Dù là cấp dự toán, nhưng UBND quận, phường có tính đặc thù hơn so với các đơn vị dự toán khác, đó là phải thực hiện hầu hết các nhiệm vụ ở tất cả các lĩnh vực, nên quyền hạn là đơn vị dự toán nhưng các quận, phường sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên như một cấp ngân sách trước đây. Trong khi đó, các đơn vị dự toán khác thuộc thành phố chủ yếu là tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành được giao quản lý.
Tháo gỡ bất cập, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các địa phương, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền của thành phố Đà Nẵng.
Trong đó quy định phân bổ chi khác ngân sách bằng 4% trên tổng các khoản chi thường xuyên cho UBND các quận, phường để triển khai các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trên địa bàn; phân bổ chi quản lý hành chính cho cán bộ, công chức phường; người hoạt động không chuyên trách phường là 48 triệu đồng/định biên/năm; cán bộ, công chức xã và người hoạt động không chuyên trách xã là 45 triệu đồng/định biên/năm,… cho phù hợp với thí điểm mô hình CQĐT.
“Quy định này nhằm mục đích thực hiện tiết kiệm chi từ nguồn quản lý hành chính để chi thu nhập tăng thêm cho người hoạt động không chuyên trách phường, xã và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Đây là chính sách riêng của thành phố nhằm tăng thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách so với quy định của Trung ương”, ông Đồng nhấn mạnh.
Báo cáo giám sát của HĐND thành phố cũng nêu các bất cập khi triển khai CQĐT liên quan đến chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức ở các phường (nhất là có sự so sánh giữa bộ phận cán bộ khối Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội với công chức phường); về biên chế công chức của UBND cấp phường; về thẩm quyền của HĐND cấp quận, phường (hiện nay, trong hệ thống pháp luật của nước ta còn rất nhiều nội dung quy định thẩm quyền quyết định, thông qua của “HĐND cùng cấp” trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Trong khi đó, theo mô hình CQĐT ở Đà Nẵng, cấp quận, phường không còn HĐND cùng cấp. Tuy nhiên, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội chưa có quy định, hướng dẫn về những nội dung này nên thành phố lúng túng trong thực hiện.
Báo cáo của Thành ủy tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 26-6 nêu, sau 1 năm triển khai thí điểm CQĐT, những khó khăn vướng mắc đã nảy sinh, nhất là việc xác định cấp quận, phường trở thành cấp dự toán ngân sách không tạo ra sự chủ động và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương. Theo đó, bị động trong giải quyết đầu tư công và an sinh xã hội, thiếu chủ động thu, chi ngân sách... Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tìm hướng tháo gỡ.
Trước đó, ngày 22-6, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, lãnh đạo thành phố đã kiến nghị Bộ Nội vụ các vấn đề vướng mắc liên quan đến triển khai CQĐT, gồm chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách; vấn đề quy định cấp dự toán ngân sách quận, phường… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của thành phố Đà Nẵng, đồng thời cho biết, đối với vướng mắc thuộc về thẩm quyền của Trung ương, Bộ Nội vụ sẽ tập hợp báo cáo với Quốc hội bổ sung, sửa đổi.
Trong khi chờ cấp Trung ương tháo gỡ, ông Võ Ngọc Đồng cho biết, các địa phương triển khai CQĐT phải tập trung khắc phục các vướng mắc trong thẩm quyền, triển khai đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, phát huy tính ưu việt của mô hình CQĐT triển khai tại Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố những năm đến.
Qua tổng hợp kết quả giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các địa phương đã kiến nghị, đề xuất 29 vấn đề, tập trung ở các nội dung về bổ sung ngân sách, tăng mức khoán chi hành chính, chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách phường, về phân cấp, ủy quyền... để cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. |
TRỌNG HUY - LAM PHƯƠNG