Chính trị - Xã hội
Chủ tịch Quốc hội kiểm tra công tác chuẩn bị Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam
Sáng 17-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN |
Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của bốn cơ quan gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với khoảng 400 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, Đại sứ, Trưởng cơ quan, các tổ chức tế tại Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài... sẽ tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Diễn đàn sẽ kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu trong nước và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài sẽ tham dự theo hình thức ghi hình hoặc phát biểu trực tuyến.
Qua kiểm tra trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn đã được tiến hành chu đáo, chặt chẽ. Chủ tịch Quốc hội nhắc lại bài học kinh nghiệm quý giá giúp nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua và trong giai đoạn phục hồi hiện nay chính là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó, củng cố và giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô chính là yếu tố nền tảng để giúp nền kinh tế, giúp đất nước vượt qua những diễn biến khó đoán định của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay.
Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” trong bối cảnh Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 4 để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật... có ý nghĩa quan trọng. Diễn đàn là dịp bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình thực tế sẽ là kênh thông tin "đầu vào" quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thêm dữ liệu; từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có các giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội... có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Với việc kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, lần này Diễn đàn Kinh tế - Xã hội được tổ chức trực tiếp với sự tham dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, lãnh đạo các địa phương..., do đó, công tác tổ chức Diễn đàn phải hết sức tỷ mỷ, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Tổ chức, Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn rà soát các công việc, có phương án chi tiết từng việc, rõ việc, rõ đầu mối chịu trách nhiệm.
“Trong bối cảnh dịch bệnh rất khó khăn của năm 2021, chúng ta đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thì năm nay, điều kiện thuận lợi hơn, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 phải thành công hơn nữa, vì mục tiêu chung là những quyết sách đúng đắn nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về công tác chuẩn bị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn hoàn thành việc lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trực tuyến, âm thanh hình ảnh 3 phòng họp; thử nghiệm hệ thống, bảo đảm an toàn thông tin; xây dựng kịch bản cho các phiên họp; hỗ trợ công tác trình, chiếu, livestream trên các nền tảng công nghệ số; hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ kết nối các điểm cầu; triển khai các công việc khác theo đúng Đề án; lắp đặt hoàn thiện các hạng mục trang trí, bố trí của từng phòng họp; công tác biên, phiên dịch...
Văn phòng Quốc hội cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, phương án phân luồng giao thông; bố trí tổ trực y tế, phòng, chống dịch, xe cứu thương; tổ trực an ninh tại phòng khánh tiết, hội thảo chuyên đề để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Về công tác thông tin tuyên truyền, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, Phiên khai mạc Diễn đàn sẽ được phát trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và sau đó thực hiện truyền hình trực tuyến livestream trên Website quochoitv.vn và các nền tảng mạng xã hội; thực hiện livestream trên các nền tảng số; thiết lập đường tín hiệu xem riêng bản tiếng Anh trên Youtube phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng người nước ngoài quan tâm đến diễn đàn; kết nối với 6 điểm cầu trong nước gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương.
Cùng với hàng trăm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước đăng ký, hiện đã có 6 hãng tin quốc tế gồm: Reuters, Phoenix, Channel News Asia Singapore, Bloomberg và EPA cử phóng viên tham dự đưa tin; nhiều cơ quan thông tấn báo chí đăng ký livestream về Diễn đàn... Đây là điểm mới so với công tác tổ chức Diễn đàn Kinh tế năm 2021 nhằm lan toả rộng rãi nội dung, thông tin của Diễn đàn.
Theo TTXVN