Chính trị - Xã hội

Chuyện của ông Tề

08:48, 21/09/2022 (GMT+7)

Ông Nguyễn Hữu Tề, Trưởng ban công tác Mặt trận, Phó Bí thư chi bộ thôn An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) là một tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác “dân vận khéo” tiêu biểu, với việc thực hiện có hiệu quả mô hình “đoàn kết lương giáo”.

Ông Nguyễn Hữu Tề (ngoài cùng, bên phải) trao quà hỗ trợ cho người dân trong thôn đợt Covid-19 năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Hữu Tề (ngoài cùng, bên phải) trao quà hỗ trợ cho người dân trong thôn đợt Covid-19 năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong báo cáo đánh giá của Ban Dân vận Thành ủy về mô hình, điển hình “dân vận khéo” tiêu biểu có nội dung đánh giá về ông Nguyễn Hữu Tề: Thường xuyên giữ mối quan hệ với chức sắc, chức việc của giáo xứ để cùng phối hợp vận động nhân dân và bà con giáo dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Tôi gặp ông Tề tại Trường THPT Phạm Phú Thứ, nơi ông làm công tác bảo vệ. Để trọn vẹn công tư, ngoài nhiệm vụ ở trường, ông phải sắp xếp chu đáo công việc khá bận rộn của một Trưởng ban công tác Mặt trận thôn kiêm Phó Bí thư chi bộ. “Cũng phải cố gắng thôi. Được chi bộ tin tưởng, nhân dân giao phó, mình phải nỗ lực hoàn thành tốt nhất, để không phụ lòng cấp trên và bà con trong thôn. Bà con trong thôn đoàn kết, thân hữu là điều động viên lớn nhất và là động lực giúp đội ngũ người làm công tác dưới cơ sở như chúng tôi hết lòng cống hiến”, ông Tề chia sẻ.

An Ngãi Đông là thôn có nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, với 500 hộ, 1.600 nhân khẩu, trong đó Công giáo chiếm 40,20% tổng số hộ trên địa bàn. Trên địa bàn có 5 cơ sở thờ tự trong đó có 1 nhà thờ giáo xứ, 3 miếu, 1 đình làng và 5 nhà thờ tộc họ.

“Cũng bởi đa tôn giáo, tín ngưỡng như trên, nên thời gian trước đây công tác huy động các nguồn lực gặp khó khăn. Công tác vận động đoàn kết nhân dân trước đây chưa thuận lợi. Có thời điểm, đồng bào theo tôn giáo khác nhau có sự khác biệt trong phong tục ma chay, hiếu hỉ, bà con ít có sự chia sẻ, động viên lẫn nhau. Hằng năm, các phong trào của thôn An Ngãi Đông chỉ hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa xứng tầm với thôn có nhiều tiềm năng và lợi thế”, ông Tề cho hay.

Trăn trở với thực trạng đó, ông Tề nhận thấy cần thiết phải xây dựng một mô hình để tạo nhận thức đúng trong nhân dân thôn, từ đó vận động nhân dân đồng lòng tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở dưới cơ sở, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. “Sau những nghiên cứu, trao đổi đi đến thống nhất trong chi bộ, chúng tôi đề xuất triển khai mô hình “Đoàn kết lương giáo” và được Đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đồng ý”, ông Tề cho biết.

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình, nhân dân trong thôn có sự đoàn kết tốt, đồng thuận ngày càng cao. Người dân nhiệt tình tham gia lễ hội đình làng, trong đó đồng bào có đạo tham gia ngày càng đông. Trong công tác ma chay, không còn thể hiện sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo mà tất cả cùng chăm lo, động viên gia đình có người ở thôn qua đời.

Đặc biệt, trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới và thôn kiểu mẫu nông thôn mới, người dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, tham gia ngày công, đóng góp kinh phí để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông kiệt xóm và lắp đặt điện chiếu sáng, xây dựng các tuyến đường văn minh sáng, xanh, sạch, đẹp; đóng góp kinh phí mua sắm các thiết chế văn hóa, âm thanh trang trí nhà văn hóa thôn, vận động mỗi người dân, mỗi hộ gia đình ra quân thực hiện Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp. Điểm sáng nhất của mô hình, đó là hình ảnh bữa cơm đoàn kết ngày 18-11 - Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo không khí thân mật giữa những người dân khác nhau về tín ngưỡng.

Ông Thái Văn Mười, người dân thôn An Ngãi Đông cho rằng, sau thời gian Mặt trận thôn triển khai mô hình đoàn kết lương giáo, bà con được nâng cao nhận thức, thấy rõ sự cần thiết thắt chặt quan hệ hàng xóm, láng giềng với nhau. Tín ngưỡng tôn giáo chỉ là quyền cá nhân của mỗi người. Ai cũng có quyền và mọi người phải tôn trọng nhau quyền tín ngưỡng. Nhưng có một thứ mà tôn giáo nào cũng cần có là sự đoàn kết, gắn bó giữa con người với nhau, để giúp nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn, chia sẻ với nhau những niềm vui trong cuộc sống.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Sơn Nguyễn Thị Huệ chia sẻ, xã Hòa Sơn là địa phương có nhiều người theo đạo, trong đó Công giáo chiếm số lượng lớn với khoảng 80% số dân. Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo UBND, Mặt trận và các hội, đoàn thể chính trị - xã hội từ xã đến thôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, trong đó chú ý công tác dân vận, xây dựng mối đoàn kết lương giáo. 

Kết quả việc triển khai mô hình “Đoàn kết lương giáo” ở thôn An Ngãi Đông là một tín hiệu tích cực, cho thấy mối gắn kết tình cảm lương giáo là rất đáng ghi nhận. Sắp tới, xã sẽ nghiên cứu nhân rộng mô hình đến các thôn khác.

TRỌNG HUY

.