Nỗ lực phòng, chống buôn bán động vật hoang dã

.

Tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã diễn ra phức tạp trên cả nước nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng. Thời gian qua, lực lượng Biên phòng thành phố đã phối hợp các địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã.

Vừa qua, lực lượng chức năng đã điều tra, phát hiện các đường dây buôn bán động vật hoang dã hoạt động khá tinh vi. Các đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân của nhiều người để lập ra nhiều công ty “ma” không có trụ sở, biển hiệu, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Phi về Việt Nam qua cảng Tiên Sa. Từ hoạt động nhập khẩu này, hàng cấm được trộn vào các container hàng hóa nhập khẩu vào thành phố. Các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép hầu hết sử dụng danh tính “ảo” nên việc xác định lai lịch đối tượng và thu thập chứng cứ của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Mới đây, sau quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Đức T. (SN 1989, tạm trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) về hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Khi khám xét nơi ở và làm việc của T., các lực lượng thu giữ bao vảy tê tê và nhiều tang vật khác. Theo điều tra, T. chính là “mắt xích” quan trọng trong đường dây nhập lậu sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê… từ các nước châu Phi về Việt Nam.

Trước đó, cuối năm 2021, ngay sau khi lô hàng cập cảng Tiên Sa, Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Bộ đội Biên phòng thành phố) phối hợp các đơn vị tiến hành khám xét một container khai báo hải quan là gỗ nhập từ châu Phi về Việt Nam. Tuy nhiên, khi kiểm tra phát hiện hơn 138kg sừng động vật nghi là sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương hổ. Đầu năm 2022, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện container khai tên hàng hóa là hạt điều nhập từ Nigeria nhưng bên trong chứa hơn 456kg khúc ngà voi và 6.232kg vảy tê tê.

Từ năm 1994, Việt Nam ký kết và trở thành thành viên của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Sau đó, nhiều công cụ pháp lý được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa cam kết Công ước CITES và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Việt Nam đã ban hành hàng chục văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, xử lý các hành vi vi phạm về động vật hoang dã; trong đó, Bộ luật Hình sự được xem là căn cứ pháp lý và cơ sở vững chắc để xử lý, ngăn ngừa tội phạm này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23-7-2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Chỉ thị số 04/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17-5-2022 với nội dung về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để phòng, chống tội phạm về buôn bán động vật hoang dã hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để phù hợp thực tiễn. Đồng thời, các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, kiểm lâm, công an cần tích cực phối hợp trao đổi thông tin để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

MỸ VÂN

;
;
.
.
.
.
.