Chính trị - Xã hội

Bảo vệ môi trường từ mô hình trồng chuối lấy lá

13:39, 26/10/2022 (GMT+7)

Sở hữu ưu điểm dễ trồng, dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) triển khai mô hình trồng chuối lấy lá tại Chi hội Phụ nữ Khái Tây 1. Mô hình giúp 30 hội viên phụ nữ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế gia đình từ những lô đất trống.

Đang chặt những gốc chuối trong vườn cho đàn gà ăn, bà Ông Thị Hoàng vui vẻ nói: “Hiếm có loại cây trồng nào tận dụng toàn bộ như cây chuối. Thân có thể cho heo, gà ăn, thậm chí chế biến các món ăn dân dã; lá chuối dùng để gói bánh, gói chả; hoa chuối làm gỏi; quả chuối thì ăn hoặc phơi khô dầm rượu. Ở đây, ai nấy đều phấn khởi khi chi hội phụ nữ của phường quan tâm đến đời sống của bà con. Tôi được tặng 7 cây chuối và đến nay mỗi cây có thêm 4 cây con. Dự tính đến cuối năm, tôi sẽ có khoảng 30 cây chuối và hy vọng thu lợi nhuận từ việc bán lá để có cái Tết ấm no”.

Từ đầu tháng 3 năm nay, Hội LHPN phường Hòa Quý trao tặng 200 cây giống chuối hột và 40 bao phân bón cho 30 hộ dân là hội viên phụ nữ thuộc Chi hội Phụ nữ Khái Tây 1. Các hộ dân được Hội LHPN phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây chuối để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo người dân Khái Tây 1, loại chuối hột chuyên lấy lá rất dễ trồng vì không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, đỡ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh và sinh trưởng nhanh, nên hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng chuối lấy trái. Hiện nay, lá chuối ổn định với giá 25.000 đồng/1kg tùy vào thời đểm, trung bình 1 cây chuối trưởng thành cho đến 4-5 kg lá. Nếu muốn cây chuối xanh tốt, lá dai, không bị giòn cần thường xuyên bổ sung trấu và lá cây khô. Đây là cách giúp cây chuối phát triển nhanh hơn bón phân. Ngoài ra, người dân cần thu dọn, cắt bỏ lá già, đánh rãnh, vun gốc cho cây và khi trồng nên chú ý khoảng cách giữa các cây từ 2m, vì cây chuối sản sinh trung bình 5-10 chồi bên, nếu mật độ quá dày sẽ kéo dài thời gian thu hoạch và làm chậm sự phát triển của chồi bên.

Là một trong những hội viên trồng chuối, chị Lưu Thị Bé, Chi hội trưởng Phụ nữ khu dân cư Khái Tây 1 cho biết, những năm gần đây, phong trào chống rác thải nhựa, túi ni-lông được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Mục đích triển khai trồng chuối lấy lá vừa giúp bà con phát triển kinh tế vừa lan tỏa tinh thần sử dụng lá chuối thay thế túi ni-lông. Nếu thành công, chi hội phụ nữ sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối.

“Việc trồng chuối giúp làm sạch nguồn đất, không để đất lãng phí và tạo thêm việc làm cho bà con. Lá chuối có độ dẻo nhất định nên thương lái rất ưa chuộng và bà con không cần mang đi bán mà họ tự đến thu mua. Ngoài giá trị từ lá chuối thì quả chuối, hoa chuối, thân chuối đều có thể bán ra thị trường, hoặc ủ phân bón hữu cơ và làm thức ăn cho gia súc. Đây là mô hình có tiềm năng do người dân ngày càng ý thức trong việc sử dụng các sản phẩm đóng gói từ lá chuối”, chị Bé nói.

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ cửa hàng xôi trên đường Đống Đa (quận Hải Châu) cho hay: “Hơn một năm nay, tôi sử dụng lá chuối để gói xôi thay vì túi ni-lông như trước đây, vì gói bằng lá chuối sẽ bảo đảm an toàn, không gây mùi khó chịu. Mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng 7kg lá và tôi thường về vùng quê ở huyện Hòa Vang tìm mua, bây giờ ở khu dân cư Khái Tây 1 có mô hình này thì không sợ thiếu nguồn lá và di chuyển mua bán cũng thuận tiện”.

Với lợi ích kinh tế cao và thân thiện với môi trường, mô hình này đã và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn, giúp người dân có nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống và mở ra hướng đi trong phát triển nông nghiệp.

HUỲNH TƯỜNG VY

.