Các địa phương vùng bờ Đông Á hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững

.

ĐNO - Trưa 26-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam đồng chủ trì diễn đàn trực tuyến của Mạng lưới các chính quyền địa phương tham gia quản lý tổng hợp vùng bờ thuộc Tổ chức các đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á - PEMSEA (Mạng lưới PNLG) do thành phố Tangerang, Indonesia đăng cai tổ chức với chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi vùng bờ hướng tới các nền kinh tế xanh, bền vững tại địa phương”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Mạng lưới PNLG Lê Quang Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Mạng lưới PNLG Lê Quang Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Mạng lưới PNLG Lê Quang Nam thông tin, việc tổ chức diễn đàn cấp chính quyền địa phương lần này là để thảo luận những vấn đề quan trọng về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, trước khi diễn ra hội nghị lần thứ 27 về biến đổi khí hậu toàn cầu (của các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu) diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11-2022.

Điều này khẳng định cam kết của Mạng lưới PNLG trong việc đóng góp và điều chỉnh các hành động của các chính quyền địa phương trong mạng lưới phù hợp với các hành động đã được thống nhất trên toàn cầu về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều bài học để chia sẻ với các địa phương trong mạng lưới PNLG về công tác quản lý nhằm ngăn ngừa rủi ro do thiên nhiên cũng như do con người gây ra.

Để đối mặt với những tác động ngày càng gia tăng từ lũ lụt, bão và xói lở bờ biển, Đà Nẵng đã và đang tập trung cho chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ với các biện pháp tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu, bao gồm việc tạo vùng đệm tự nhiên chống lại nước dâng do bão; cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, ứng phó và phục hồi...

Đà Nẵng cũng đã xây dựng các nhà đa năng để tránh, trú bão; củng cố hơn 6.500m đê biển nhằm chống lại sóng biển xâm thực cũng như xâm nhập mặn do nước biển dâng, giúp tiết kiệm được hơn 400ha đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua PEMSEA, Đà Nẵng đã phối với Viện Nghiên cứu biển Plymouth, Vương quốc Anh thực hiện nghiên cứu về khả năng tiếp nhận, tự xử lý các chất hữu cơ và carbon có nguồn gốc từ đất liền và giá trị kinh tế-xã hội của Vịnh Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Mạng lưới PNLG Lê Quang Nam bày tỏ, việc chia sẻ, thảo luận và học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm thực tế lẫn nhau cho phép các địa phương trong mạng lưới theo đuổi phát triển bền vững vùng bờ biển, nhất là các nội dung được thể hiện trong kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới PNLG giai đoạn 2022-2030 và phù hợp với mốc thời gian của các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch nhằm thực hiện kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới PNLG giai đoạn 2022-2030, qua đó khẳng định cam kết của Đà Nẵng trong việc đóng góp vào các chỉ tiêu và hành động của Mạng lưới PNLG đến năm 2030.

“Tất cả chúng ta đều cam kết thực hiện kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới PNLG giai đoạn 2022-2030, một trong những chương trình quan trọng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như biến đổi khí hậu, nhằm đóng góp thực hiện mục tiêu số 13 của các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mạng lưới PNLG là một đối tác phi quốc gia đáng tự hào của PEMSEA. Các địa phương trong mạng lưới mong muốn có thêm nhiều hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực, chia sẻ kiến thức... với các đối tác quốc gia và phi quốc gia của PEMSEA như: Quỹ Tài nguyên PEMSEA và Trung tâm đào tạo PEMSEA...”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam kêu gọi.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.