Chính trị - Xã hội

Phường An Khê nỗ lực xây dựng chính quyền số

14:00, 27/10/2022 (GMT+7)

Triển khai mô hình chính quyền điện tử, tổ chức thí điểm sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng điểm chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân… là những nỗ lực của UBND phường An Khê (quận Thanh Khê) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Cán bộ phường An Khê hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản công dân số. Ảnh: NGỌC HÀ
Cán bộ phường An Khê hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản công dân số. Ảnh: NGỌC HÀ

Từ khi triển khai mô hình chính quyền điện tử, người dân, doanh nghiệp tại phường An Khê tiết kiệm thời gian, không phải nộp hồ sơ nhiều lần. Ngoài ra, người dân có thể gửi tin nhắn, gọi điện phản ánh, kiến nghị đến chính quyền dễ dàng hơn.

Ông Phạm Phú Long (tổ 50, phường An Khê) chia sẻ: “Nay người dân chỉ cần ngồi ở nhà, bằng một cái nhấp chuột hay lướt điện thoại thông minh có thể thực hiện được các thủ tục. Đó là tiện ích dễ thấy nhất, tránh được những phiền hà, thậm chí cả sự nhũng nhiễu (nếu có). Người dân cũng có thể tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thông báo tình trạng hồ sơ; tra cứu thông tin, văn bản, cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; quy trình thủ tục hành chính…”.

Từ tháng 7-2022, UBND phường An Khê ra mắt mô hình “Ứng dụng zalo trong cải cách hành chính” trên điện thoại di động với tên gọi: “Chính quyền điện tử phường An Khê”. UBND phường yêu cầu từng cán bộ, công chức sử dụng zalo trong giải quyết thủ tục hành chính, là lực lượng đi đầu trong triển khai thực hiện, giới thiệu đến tổ chức, người dân, doanh nghiệp cùng tham gia.

Ông Phạm Ngọc Thành (tổ 60, phường An Khê) cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội trong mô hình chính quyền điện tử tại địa phương đồng nghĩa với việc thêm tiện ích để người dân, tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn khi cần làm các thủ tục hành chính mà không cần tới trực tiếp cơ quan hành chính. Đây cũng là kênh thông tin, giao tiếp tương tác hiệu quả giữa chính quyền với tổ chức và người dân; giúp người dân nắm bắt nhanh thông tin về thiên tai, dịch bệnh từ chính quyền; ngược lại người dân cũng có thể gửi những kiến nghị đến cơ quan Nhà nước về các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

“Như mới đây, thông tin đường dây điện có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân tại tổ 60 được tôi phản ánh lên “Chính quyền điện tử phường An Khê” và nhanh chóng được các ngành chức năng quan tâm, khắc phục. Tôi thấy việc triển khai, sử dụng kênh zalo “Chính quyền điện tử phường An Khê” rất hiệu quả thiết thực”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Hoàng Thị Diệu, Phó Chủ tịch UBND phường An Khê cho biết, việc triển khai chính quyền điện tử trên địa bàn phường đã giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần tới trực tiếp cơ quan hành chính. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cũng theo bà Diệu, UBND quận Thanh Khê thống nhất giao UBND phường An Khê tổ chức thí điểm sử dụng bộ nhận diện thương hiệu và xây dựng điểm chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân. Theo đó, UBND phường thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của Bộ phận một cửa, dựa trên những cam kết và các giá trị cốt lõi, thể hiện được 5 tinh thần cốt lõi: khoa học, hiệu quả, hiện đại, sẵn sàng và thân thiện theo đúng tinh thần hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện của các cấp theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Song song với việc sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, UBND phường An Khê nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức theo tinh thần “5 biết, 5 không, 3 thể hiện”; thực hiện khẩu hiệu về chính quyền số “tiếp cận nhanh, giải đáp nhanh và hoàn tất nhanh”. “5 biết” là biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn. “5 không” là không hách dịch, cửa quyền; không quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân; không tham ô, lãng phí; không né tránh trách nhiệm; không chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc. “3 thể hiện” là tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc với nhân dân; chuyên nghiệp trong giải quyết công việc với nhân dân, bảo đảm “nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, hài lòng hơn”.

“Trong thời gian tới, ban chỉ đạo chuyển đổi số phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện công tác chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Bên cạnh đó, xây dựng các kế hoạch, mô hình mới, triển khai thí điểm tại từng tổ công nghệ số cộng đồng, khu dân cư rồi nhân rộng ra 90 tổ công nghệ số toàn phường”, bà Diệu nói.

NGỌC HÀ

.