Phát huy vai trò giám sát của HĐND thành phố trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) hiện nay đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt của nhân dân. Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa X (2021-2026), HĐND thành phố đã tập trung thực hiện nhiệm vụ này thông qua hoạt động giám sát, thẩm tra theo quy định của pháp luật.

Hoạt động giám sát của HĐND thành phố góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.  Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bìa trái) kiểm tra dự án Tuyến cống thoát nước Khe cạn đoạn từ chợ Chiều đến khu dân cư Phước Tường, quận Cẩm Lệ. Ảnh: THÀNH LÂN
Hoạt động giám sát của HĐND thành phố góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. TRONG ẢNH: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bìa trái) kiểm tra dự án Tuyến cống thoát nước Khe cạn đoạn từ chợ Chiều đến khu dân cư Phước Tường, quận Cẩm Lệ. Ảnh: THÀNH LÂN

Nhiệm kỳ khóa X của HĐND thành phố bắt đầu từ tháng 7-2021. Đây cũng đồng thời là giai đoạn thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Đà Nẵng không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Chức năng, nhiệm vụ của hai cấp này chuyển về HĐND thành phố. Do đó, đối tượng và nội dung giám sát của HĐND thành phố cũng được tăng lên.

Hoạt động giám sát của HĐND thành phố được thực hiện thông qua hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND thành phố, như: thành lập đoàn giám sát để tiến hành giám sát về việc chấp hành pháp luật về quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thẩm tra, thảo luận, cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình; văn bản quy phạm pháp luật… của UBND thành phố ở các lĩnh vực, nhất là ở lĩnh vực PCTNCT, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; thẩm tra các báo cáo của Công an thành phố, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố về công tác điều tra, truy tố, xét xử; lồng ghép thông qua thảo luận các báo cáo kinh tế-xã hội; chất vấn các thành viên UBND tại các kỳ họp HĐND và phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND thành phố.

Thực hiện chức năng giám sát trong công tác PCTNTC, các ban HĐND thành phố đã lồng ghép giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, khi thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách mà trở thành đơn vị dự toán ngân sách, nên việc thẩm tra trong lĩnh vực đầu tư, ngân sách của thành phố hằng  năm được các ban HĐND thành phố phải tập trung nhiều thời gian hơn, sâu hơn để kết quả tốt nhất.

Đến nay, các ban của HĐND thành phố đã tiến hành 52 lượt giám sát tại các phường và 9 lượt giám sát tại UBND các quận về kết quả triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Trong đó, nội dung về xây dựng dự toán, thu chi ngân sách và các hoạt động liên quan về tài chính được quan tâm. Nội dung giám sát này giúp nâng cao năng lực dự toán, đảm bảo ngân sách hoạt động của các cấp chính quyền địa phương của thành phố được minh bạch, công khai, chống thất thoát, lãng phí… Qua đó, góp phần phòng, ngừa  tham nhũng, tiêu cực.

Một trong những vấn đề đang được cử tri quan tâm ở nhiệm kỳ này là các phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố về giải quyết đơn thư. Đến nay, qua hai phiên giải trình, nhiều vụ việc vướng mắc, chậm giải quyết lâu nay đã được tháo gỡ. Các vụ việc trong phiên giải trình đều ở lĩnh vực đất đai, tài sản là lĩnh vực nhạy cảm dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực nên đã chậm trễ giải quyết cho công dân. Bên cạnh đó, HĐND thành phố nhiệm kỳ này tăng cường công tác giám sát về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết những vấn đề cử tri bức xúc, rà soát những vấn đề tồn đọng. Hoạt động này tuy mới triển khai từ đầu năm 2022 nhưng đã nhận được phản ứng tích cực từ cử tri và nhân dân thành phố.

Cùng với các hoạt động giám sát theo quy định, Thường trực HĐND thành phố giao Ban Pháp chế HĐND thành phố thường xuyên giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTNTC, lãng phí của các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND thành phố. Hoạt động chất vấn, thảo luận tại các kỳ họp của HĐND thành phố được các đại biểu HĐND thành phố phát huy khá tốt. Nhiều vấn đề liên quan công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, đấu thầu, xây dựng cơ bản được thảo luận, chất vấn và tiếp tục giám sát sau chất vấn. Qua đó, giúp các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố thực hiện tốt hơn trong công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ.

Tại kỳ họp thứ 7, giữa năm 2022, HĐND thành phố khóa X đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 về việc Quy định một số hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố, Tổ đại biểu HĐND thành phố và đại biểu HĐND thành phố  Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Nghị quyết này nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND thành phố thông qua phát huy vai trò của mỗi đại biểu, tổ đại biểu, các ban và Thường trực HĐND thành phố.

Giám sát để PCTNTC là nhiệm vụ khó, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa ở từng đại biểu, tổ đại biểu, các ban và Thường trực HĐND thành phố. Hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, từng đại biểu, tổ đại biểu, các ban và Thường trực HĐND thành phố thực hiện nghiêm túc vai trò, nhiệm vụ của mình; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 của HĐND thành phố khóa X về việc ban hành Quy định một số hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố, tổ đại biểu HĐND thành phố và đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Hai là, tăng cường giám sát của HĐND thành phố trong lĩnh vực PCTNTC, lãng phí thông qua các hoạt động như: chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ba là, tăng cường việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo để giải quyết những kiến nghị của cử tri, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài chính, đầu tư, đấu thầu…, kịp thời phát hiện những vấn đề liên quan tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; duy trì phiên họp giải trình đơn thư của Thường trực HĐND thành phố để kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong xử lý, giải quyết đơn của công dân; qua đó đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý tổ chức, cá nhân liên quan khi có dấu hiệu vi phạm.

Bốn là, phát huy cơ chế tham gia vào hoạt động Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC, HĐND thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền của thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTNTC.

Năm là, chú trọng công tác thông tin hai chiều lĩnh vực PCTNTC; nắm bắt, tiếp nhận thông tin, phản ánh về  tham nhũng, tiêu cực từ cử tri; phát huy việc thông tin công khai, kịp thời công tác giám sát lĩnh vực PCTNTC trên báo chí và Trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Do vậy, từng ban, từng tổ đại biểu HĐND thành phố phải thực hiện tốt chức năng giám sát thông qua kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể. Mỗi đại biểu HĐND phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự đóng góp hiệu quả vào công tác PCTNTC tại địa phương. Qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.

LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Ban chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực

;
;
.
.
.
.
.