Chính trị - Xã hội

Một số kết quả nổi bật về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

09:15, 21/12/2022 (GMT+7)

Xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố (CATP) luôn quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác PCTNTC gắn chặt với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: NGỌC PHÚ
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: NGỌC PHÚ

CATP đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC, lãng phí thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ; chỉ đạo tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt của Nhà nước.

Chủ động đấu tranh với tội phạm tham nhũng

Năm 2022, trên địa bàn thành phố tội phạm tham nhũng diễn ra trên một số lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nổi lên tội phạm tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vi phạm các quy định trong quản lý Nhà nước gây thất thoát, lãng phí… Tội phạm tham nhũng đa phần đều có chức vụ, quyền hạn, có trọng trách quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý về tài chính, quy trình công tác để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Sự thay đổi về quy định của tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên hành vi tham nhũng không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sử dụng tài sản công mà còn mở rộng ra các doanh nghiệp tư nhân với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, tính tổ chức rõ nét hơn. Trong năm, CATP đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ, tiêu cực, lãng phí.

Từ đó, tập trung làm tốt công tác xác minh phân loại ban đầu, đi vào trọng tâm, trọng điểm nhằm xác định rõ có hay không có dấu hiệu của tội phạm, tính chất, mức độ sai phạm của tổ chức, cá nhân. CATP thường xuyên phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp bàn, thống nhất, đề ra các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, xác minh, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, bức cung, dùng nhục hình, tòa án tuyên không có tội. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.

CATP đã tiếp nhận, phân loại, giải quyết 5 tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng, tiêu cực, gồm: 3 tin liên quan đến hành vi tham ô tài sản, chiếm 60% (trong đó: 1 tin tham ô tài sản tại cơ quan Nhà nước, 2 tin tham ô tài sản tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước); 2 tin liên quan đến hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, chiếm 40%; đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự 4 tin (chiếm 80%), quyết định không khởi tố vụ án hình sự 1 tin (chiếm 20%). Cơ quan điều tra CATP đã khởi tố mới 7 vụ/14 bị can về các tội phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực (có 5 bị can là cán bộ, đảng viên, chiếm 31,25%), bước đầu chứng minh tài sản thiệt hại 25,827 tỷ đồng, trong đó: tham ô tài sản 3 vụ/6 bị can (chiếm 42,9%); đưa hối lộ, nhận hối lộ 3 vụ/6 bị can (chiếm 42,9%); lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ 1 vụ/2 bị can (chiếm 14,3%).

Nổi bật, CATP Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiến hành khởi tố điều tra làm rõ vụ án tham ô tài sản liên quan đến hoạt động lợi dụng phòng, chống Covid-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng; vụ án vi phạm các quy định về quản lý Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng; vụ án lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ liên quan đến công tác nạo vét bùn hệ thống cống thoát nước năm 2021 trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Việc CATP chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được các cấp chính quyền, lãnh đạo thành phố, nhân dân ghi nhận, ủng hộ và đánh giá rất cao.

Ngoài ra, quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo về triệt để thu hồi tài sản tham nhũng, bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước, CATP đã chủ động, kịp thời, áp dụng linh hoạt các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản hơn 208 tỷ đồng để đảm bảo công tác thu hồi tài sản, thi hành án, đạt 100% tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong giai đoạn điều tra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp nhận, phân loại, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực cũng gặp một số khó khăn nhất định như: công tác quản lý cán bộ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lỏng lẻo, yếu kém; không chú trọng công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTNTC chưa chặt chẽ, sâu sát; việc xử lý tham nhũng chưa nghiêm, chưa triệt để. Một số cơ quan, đơn vị còn có biểu hiện bao che cho hành vi tham nhũng hoặc ngại mất uy tín của cơ quan, tổ chức. Hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Một số văn bản quy định chưa cụ thể, rõ ràng, tạo nhiều kẽ hở cho đối tượng có điều kiện để “lách luật’ trục lợi. Đối tượng tham nhũng hầu hết đều là những người có chức vụ, quyền hạn, nhiều mối quan hệ xã hội, trình độ chuyên môn, hiểu biết về kinh tế, xã hội nên hành vi phạm tội được thực hiện tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực

Trong thời gian đến, CATP sẽ tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9-11-2018 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9-12-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTNTC. Xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tiêu cực, tham nhũng; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình phụ trách.

Nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ của ngành Công an, chủ động nắm tình hình về tham nhũng, tập trung những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm như: đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai, tài chính - ngân hàng, đấu thầu tài sản công, y tế, giáo dục,… Tăng cường phối hợp với kiểm toán, thanh tra, các cơ quan truyền thông… để trao đổi thông tin; tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm để người dân tham gia tích cực vào công tác tố giác và đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Tổ chức điều tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư tố cáo; bảo vệ, khen thưởng người dũng cảm tố cáo tham nhũng; xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh và xử lý dứt điểm các tin báo, tố giác về tội phạm và các vụ án tham nhũng, tiêu cực đang thụ lý; khẩn trương phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai, minh bạch hoạt động của đơn vị (trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước theo quy định) như: tài sản, thu nhập, chế độ, định mức, tiêu chuẩn. tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả biên chế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấp hành điều lệnh, quy tắc ứng xử Công an nhân dân và quy chế, quy trình công tác của cán bộ chiến sĩ; ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời những biểu hiện sai phạm.

Thiếu tướng VŨ XUÂN VIÊN
  Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.