Chính trị - Xã hội
10 sự kiện nổi bật thành phố Đà Nẵng năm 2022
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai và tác động kinh tế thế giới, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đồng thuận, linh hoạt, sáng tạo và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy các nguồn lực, tận dụng thời cơ để vươn lên. Nhờ đó, thành phố đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực mới để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật thành phố Đà Nẵng năm 2022 do Báo Đà Nẵng bình chọn.
1. GRDP xếp thứ 3 cả nước
Năm 2022, thực hiện chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, thành phố đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp thực tiễn. Tình hình kinh tế - xã hội thành phố khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, một số ngành phục hồi nhanh và có mức tăng bứt phá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của năm 2022.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước đạt 73.860 tỷ đồng, ước tăng 14,05% so với năm 2021 (Nghị quyết số 09-NQ/TU đặt mục tiêu tăng 6-7%), xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước về tốc độ tăng trưởng.
Quy mô nền kinh tế ước đạt 125.218 tỷ đồng, tăng 14.032 tỷ đồng so với năm 2019, GRDP bình quân đầu người đạt 4.309 USD. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95% trên tổng GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,42%; khu vực dịch vụ chiếm 68,39% và thuế sản phẩm chiếm 9,24%.
Một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng tăng trưởng tốt như: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 17,9% (mục tiêu đề ra tăng 5-6%); giá trị gia tăng khu vực công nghiệp- xây dựng ước tăng 6,4% (mục tiêu tăng 6-7%); giá trị gia tăng khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 3,4% (mục tiêu tăng 2-3%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 15,8% (mục tiêu tăng 9-10%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 120% dự toán, tăng 3,5% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 11,5% (mục tiêu tăng 6-7%).
Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin - thiết bị điện tử tại Nhà máy nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT Trung Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: N.P |
2. Thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ngày 21-5-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 4319-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng làm Trưởng ban. Phó Trưởng ban chỉ đạo gồm các đồng chí: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh (Phó trưởng ban Thường trực); Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Lê Thị Mỹ Hạnh và Giám đốc Công an thành phố Vũ Xuân Viên.
Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế làm việc, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác, thành lập bộ phận giúp việc; đồng thời đưa 6 vụ việc, vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan thành viên tập trung thực hiện. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 2 phiên họp Ban Chỉ đạo và 3 cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp thứ 2, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã trình 14 nội dung cần thảo luận cho ý kiến thực hiện trong thời gian đến. Trong đó, tập trung vào việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong định giá trong tố tụng hình sự đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; yêu cầu các cấp ủy Đảng chỉ đạo các cơ quan tố tụng thành phố chịu trách nhiệm về đẩy nhanh tiến độ xác minh các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bảo đảm chứng cứ, không bỏ lọt tội phạm, hành vi phạm tội, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp phiên thứ 2. Ảnh: N.P |
3. Tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề cho bí thư chi bộ khu dân cư
Ngày 29-3-2022, Thành ủy tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề cho bí thư chi bộ khu dân cư (KDC) trên địa bàn thành phố năm 2022 với sự tham dự của hơn 1.200 bí thư chi bộ KDC. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, cảm ơn và biểu dương các đồng chí bí thư chi bộ KDC về những kết quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; thông tin một số chuyên đề, thời sự và định hướng, chủ trương, giải pháp hỗ trợ hoạt động của chi bộ KDC, bí thư chi bộ trong thời gian đến; qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của chi bộ KDC trong triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua tại địa phương, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của thành phố.
Lãnh đạo thành phố khẳng định, tổ chức cơ sở Đảng là “nền tảng của Đảng”, là “hạt nhân chính trị ở cơ sở”, là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chi bộ, bí thư chi bộ ở các loại hình nói chung, tại KDC nói riêng nhằm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố, các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng của chi bộ KDC; qua đó, chi bộ KDC trên địa bàn thành phố ngày càng thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình, kịp thời lãnh đạo, truyền tải, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng đi vào thực tiễn sinh động của cuộc sống, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng...
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trao bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các bí thư chi bộ khu dân cư tiêu biểu tại hội nghị thông tin chuyên đề thời sự diễn ra ngày 29-3-2022. Ảnh: N.PHÚ |
4. Du lịch phục hồi mạnh mẽ và ấn tượng
Sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước và quốc tế từ 15-3-2022, thành phố tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ, đầu tư các sản phẩm dịch vụ du lịch để thu hút khách, khôi phục thị trường.
Năm 2022, tổng lượng khách lưu trú phục vụ ước đạt 3,69 triệu lượt khách, tăng 3,1 lần so với năm 2021, phục hồi 50% so với năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 483.000 lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021, phục hồi 20%, khách nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2021, phục hồi 70%.
Đáng chú ý, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21.300 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17% trong cơ cấu kinh tế thành phố), tăng gần gấp 2 lần năm 2021 và phục hồi tương đương bằng năm 2019 (21.390 tỷ đồng). Trong năm thành phố tổ chức thành công sự kiện lớn và tạo được dấu ấn cũng như góp phần thu hút khách như: lễ hội khinh khí cầu; diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022; lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng…
Năm 2022, Đà Nẵng được giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) - giải thưởng hàng đầu thế giới trong ngành du lịch vinh danh là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2022” (Asia’s Leading Festival and Event Destination 2022).
Đây là lần thứ hai Đà Nẵng vinh dự nhận được danh hiệu giải thưởng danh giá này kể từ năm 2016. Trong đợt đề cử lần này, Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến hàng đầu của châu Á như: Bangkok (Thái Lan), Bắc Kinh, Hồng Kông (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Macau (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, để được xướng tên tại buổi lễ trao giải danh giá này.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh (bên phải) nhận giải thưởng “Điểm đến sự kiện hàng đầu châu Á 2022”. Ảnh: T.HÀ |
5. Dẫn đầu chuyển đổi số
Tháng 8-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Đà Nẵng xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Thành phố đã thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, qua đó đã tư vấn, đóng góp ý kiến hoàn thiện các chủ trương, chính sách chuyển đổi số của thành phố; xây dựng mô hình hạ tầng số, đến nay có 100% hộ gia đình đã kết nối internet cáp quang băng rộng, mạng 3G, 4G phủ sóng 100% khu vực dân cư trên địa bàn; thành lập tổ công tác chuyển đối số…
Ngoài giải thưởng này, đầu tháng 12-2022, tại lễ vinh danh và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh “Thành phố thông minh”. Giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam" (Smart City Award Vietnam) được VINASA tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, các đô thị, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ làm thông minh hóa công tác quản lý, điều hành đô thị, dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Tại lễ trao giải này, Đà Nẵng còn đạt giải thưởng chuyên đề ở các lĩnh vực: thành phố giao thông và logistics thông minh, thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giải thưởng chuyên đề các lĩnh vực ứng dụng thành phố thông minh đã và đang triển khai trên thực tế, đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (giữa) nhận giải thưởng "Thành phố thông minh" 2022. Ảnh: M.Q |
6. Tổ chức thành công Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022
Cuối tháng 6-2022, thành phố tổ chức thành công "Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022". Đây là sự kiện quan trọng nhằm xúc tiến và quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố đến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.
Tại diễn đàn, thành phố trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch phân khu; bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đề xuất hơn 5,6 tỷ USD. Đà Nẵng cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều kế hoạch, hành động cụ thể; qua đó, lan tỏa thông điệp "Đà Nẵng - thành phố đáng sống, đáng đầu tư".
Trong năm 2022, thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.058 tỷ đồng, gấp 2 lần về số vốn so với năm 2021; cấp mới 42 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,356 triệu USD; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.169 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 21.049 tỷ đồng, tăng 29,5% về số doanh nghiệp và tăng 37,5% về số vốn so với năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 2.146 doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo thành phố trao thưởng cho các tổ chức, doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn tại thành phố, đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Ảnh: V.HOÀNG |
7. Khởi công xây dựng Bến cảng Liên Chiểu
Ngày 14-12-2022, tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, UBND thành phố tổ chức lễ khởi công xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Đây là công trình giao thông, dự án nhóm A với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng. Dự án này sẽ tạo cú hích thúc đẩy mạnh quá trình phát triển thành phố và khu vực.
Trước đó, ngày 28-3-2022, thành phố tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý. Công trình không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, tạo điểm nhấn cảnh quan không gian đô thị mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng.
Cùng với dự án mở rộng Công viên vườn tượng APEC khánh thành đầu năm 2022 và những công trình vừa hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng, công trình nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý đánh dấu sự trở lại của các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố. Những công trình này tạo sức bật, động lực mới để thành phố phục hồi và tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc kích hoạt lại các dự án phát triển hạ tầng đô thị, các dự án về kinh tế - xã hội, phục hồi hoạt động du lịch.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố nhấn nút khởi công dự án Bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: T.LÂN |
8. Dành nguồn lực lớn cho an sinh xã hội
Năm 2022, thành phố thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện có hơn 18.100 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng trợ cấp thường xuyên với tổng kinh phí hằng năm hơn 351 tỷ đồng; có 100 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng hằng tháng với mức 1 triệu đồng/người/tháng; hơn 34.000 trẻ mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội 400.000 đồng - 1,2 triệu đồng/người/tháng, tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng/năm; hơn 4.000 đối tượng hưởng chính sách đặc thù của thành phố với tổng kinh phí 20 tỷ đồng/năm.
Trong năm, toàn thành phố có 733 hộ người có công được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà; miễn, giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ 12.163 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế, mắc bệnh hiểm nghèo với mức 300.000 - 500.000 đồng/người/tháng.
Đặc biệt, dịp Tết Quý Mão 2023, thành phố dành hơn 115 tỷ đồng để tặng quà Tết cho đối tượng có công, người lao động, đối tượng bảo trợ xã hội, tăng 50 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán 2022. Năm 2022, thành phố thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí 9 tháng của năm học 2022-2023 cho trẻ ở độ tuổi từ mầm non đến học sinh cấp trung học phổ thông công lập và ngoài công lập.
Ngoài ra, hỗ trợ hơn 4,685 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 8.438 học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi do Covid-19 và 4.400 học sinh con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết thăm gia đình chính sách, người có công nhân kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7. Ảnh: X.DŨNG |
9. Ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 26-11-2022, hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách đá) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức được UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Hệ thống ma nhai được UNESCO đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để công nhận như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.
Việc ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi danh mở ra lợi thế rất lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế, phát huy các di sản phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, khẳng định thành phố không chỉ là một đô thị phát triển về kinh tế, mà còn là địa phương có ký ức và bề dày lịch sử - văn hóa.
Năm 2022, thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, trùng tu, nâng cấp các công trình văn hóa trọng điểm, có ý nghĩa lớn. Điển hình là khánh thành di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan vào cuối tháng 9-2022. Di tích này là một trong các hạng mục thuộc dự án “Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” đang được thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư hơn 42 tỷ đồng.
Cùng với đó, thành phố đang đầu tư nâng cấp, tôn tạo Đài tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 Tháng 3 với tổng kinh phí hơn 212 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng với tổng kinh phí hơn 504 tỷ đồng cũng đang dần được hoàn thành.
"Phổ Đà sơn linh trung Phật" - ma nhai được đánh giá có giá trị bậc nhất tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
10. Tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại nặng nề do thiên tai
Từ ngày 13-10 đến sáng 15-10-2022, ảnh hưởng của bão số 5 (bão Sơn Ca) gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất. 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều nơi ngập từ 0,5-1m, thậm chí có nơi ngập đến 2m.
Ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn đã khiến 4 người thiệt mạng; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà; hư hỏng 74ha rau màu; gần 60.000 gia cầm và gia súc chết trôi; 14 trường học bị ngập, hư hỏng nặng; trên 2.000 ô-tô và 30.000 xe máy của người dân, doanh nghiệp bị ngập. Riêng tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) đã bị sở lạt nghiêm trọng tại 6 khu vực với diện tích hơn 2,2ha, trong đó có khoảng 6.100m3 đất đá tràn xuống vùi lấp, làm hư hỏng gần 700 ngôi mộ.
Ngay sau khi mưa tạnh, nước rút, lãnh đạo thành phố và các quận, huyện đã chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai; vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị nạn; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn; chủ động hỗ trợ, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm.
Đặc biệt, các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 315 (Quân khu 5) và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã nhanh chóng triển khai lực lượng, chung tay cùng chính quyền thành phố nỗ lực khắc phục thiệt hại tại nghĩa trang, giúp người dân tìm kiếm mồ mả người dân bị vùi lấp. Cùng với đó, các cấp chính quyền đã tiếp nhận, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương bạn và các tổ chức, đơn vị để người dân Đà Nẵng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai phường Chính Gián (quận Thanh Khê) lội vào khu vực ngập sâu để sơ tán nhân dân ra bên ngoài. Ảnh: H.HIỆP |
BÁO ĐÀ NẴNG