Chính trị - Xã hội

Chăm lo chu đáo người có công, gia đình chính sách

14:00, 11/01/2023 (GMT+7)

Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, thành phố luôn dành nhiều tâm huyết và nguồn lực để chăm sóc người có công với cách mạng, gia đình chính sách.

Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố thực hiện chu đáo công tác phụng dưỡng người có công.  TRONG ẢNH: Trung tâm trao quà cho các cụ nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10-2022).Ảnh: NGỌC HÀ
Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố thực hiện chu đáo công tác phụng dưỡng người có công. TRONG ẢNH: Trung tâm trao quà cho các cụ nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10-2022) .Ảnh: NGỌC HÀ

Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố đang chăm sóc, phụng dưỡng và điều trị 48 người có công; nhận điều dưỡng luân phiên người có công cách mạng gần 1.000 người/năm. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công nơi đây luôn được quan tâm.

Năm 2022, thành phố nâng mức hỗ trợ tiền ăn hằng tháng cho người có công từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 2,1 triệu đồng/người/tháng, tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người có công. Bên cạnh chăm sóc sức khỏe y tế, sức khỏe dinh dưỡng thì hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người có công được trung tâm thực hiện chu đáo; nổi bật là mô hình “Cán bộ, nhân viên trung tâm phụng dưỡng luôn lắng nghe, thấu hiểu người có công”.

Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố cho hay với mô hình này, mỗi cán bộ, nhân viên được phân công theo dõi, quản lý, chăm sóc cụ thể từng người. Việc theo sát này sẽ kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt hằng ngày cũng như lắng nghe tâm tư, tình cảm của các cụ... Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, trường học triển khai hoạt động giao lưu, thăm hỏi các cụ.

Mới đây, trung tâm đã phối hợp sinh viên Khoa Tâm lý – giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội ký ức, giúp các cụ hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ thông qua trải nghiệm cùng sinh viên nhiều hoạt động như: trưng bày những bức tranh, đồ vật gắn liền thế hệ các cụ, cùng các cụ cắm hoa, thi đối thơ, hát những giai điệu xưa; đoàn thanh niên các cấp đến trò chuyện, giao lưu, cắt tóc cho các cụ; học sinh các cấp trên địa bàn thành phố được nhà trường tổ chức đến thăm hỏi, nghe các cụ kể lại cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc…

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thành phố, năm 2022, công tác chăm sóc người có công cách mạng được triển khai sâu rộng và đều khắp, đời sống gia đình người có công không ngừng được cải thiện. Đến tháng 11-2022, toàn thành phố có hơn 18.100 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp thường xuyên theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng với tổng kinh phí hằng năm trên 351 tỷ đồng (trong đó, 114 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 42 Anh hùng Lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến; 7.762 thương binh, bệnh binh; 1.373 người có công giúp đỡ cách mạng; 2.432 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 3.379 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày); thực hiện giải quyết 530 trường hợp trợ cấp hằng tháng và trợ cấp 1 lần đối với người có công với cách mạng.

Thành phố còn đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của Đà Nẵng. Năm 2022, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở người có công với cách mạng với số lượng 732 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ 26,85 tỷ đồng; hỗ trợ tiền sử dụng đất theo Nghị quyết của HĐND thành phố cho 10 trường hợp với số tiền 340 triệu đồng…

Trên cơ sở nguồn kinh phí Trung ương, UBND thành phố phân bổ kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ: xã Hòa Ninh, xã Hòa Phong, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng chương trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2022 - 2025.

Bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ,TB&XH) cho biết, trong năm 2023, liên quan đến công tác người có công, sở tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thường xuyên gồm giải quyết chế độ đối với người có công với cách mạng và thân nhân; công tác phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh nặng; chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở; huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, sở tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: khảo sát thông tin người có công với cách mạng và thân nhân làm cơ sở đề xuất các chính sách nâng cao mức sống người có công với cách mạng; nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ; đăng ký điều dưỡng tại một số trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công.

Trước mắt, để công tác chăm lo Tết được kịp thời, chu đáo cho người có công, Sở LĐ,TB&XH đã tham mưu thành lập các đoàn lãnh đạo đi thăm hỏi, động viên và chúc Tết các đơn vị, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu; hướng dẫn các quận, huyện tổ chức thực hiện tốt công tác thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công, bảo đảm các đối tượng này được nhận quà Tết đầy đủ, kịp thời.

NGỌC HÀ

.